Gà 'ăn' hết tài sản của người nuôi
Giá thức ăn chăn nuôi tăng cao và liên tục điều chỉnh tăng từ đầu năm đến nay khiến chi phí để nuôi gà vào khoảng 28.000 đồng/kg. Với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, không theo chuỗi, họ đang gồng mình chịu lỗ, thậm chí là phá sản.
- 01-08-2021Giá gà rẻ hơn rau, hàng triệu gà giống bị đốt bỏ
- 29-07-2021Giải mã hiện tượng trứng gà tăng giá kỷ lục, thương lái tranh nhau mua giữa tâm dịch
- 28-07-2021Hàng nghìn con lợn, gà vào TP HCM bị 'tắc' do quy định hạn chế ra đường sau 18h
Liên tiếp trong những ngày 13/8, 14/8, ông Nguyễn Kim Đoán - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai - cập nhật liên tục giá gà tại tỉnh. Ông chia sẻ với chút phấn khởi rằng mấy ngày nay xe về Đồng Nai mua gà đã tăng, giá cũng nhích nhẹ đạt khoảng 10.000-15.000 đồng/kg với gà trắng và 25.000 đồng/kg với gà màu, vượt qua đáy kỷ lục thiết lập chỉ cách đây hơn một tuần, khi mỗi kg gà trắng chỉ 5.000 - 6.000 đồng/kg, ngang với một quả trứng.
Tuy nhiên, mức giá này còn rất thấp so với chi phí chăn nuôi. Riêng với thức ăn, mỗi kg phải tốn chi phí khoảng 28.000 đồng/kg. Tức là với mỗi kg gà lông trắng bán ra, người nuôi hiện lỗ 13.000 - 18.000 đồng.
Giá gà trắng tại Đồng Nai nhích nhẹ, nhưng vẫn chỉ bằng 1/2 chi phí thức ăn. Ảnh: Báo Nông nghiệp Việt Nam.
Tháng 7 và 8 là thời gian lượng gà trưởng thành tại thị trường Đồng Nai tăng cao. Đây là lượng gà được tái đàn sau ngày 30/4, khi giá thịt gia cầm quay lại xu hướng tăng. Áp lực tiêu thụ hiện rất lớn, còn chuỗi cung ứng đã đứt gãy một phần.
Ông Lê Phương Hải, đại diện một trại chăn nuôi ở Đồng Nai, cho biết các cơ sở giết mổ lớn buộc phải đóng cửa do nhiễm Covid-19, các chợ truyền thống hạn chế, bếp ăn sinh viên học sinh và nhà máy, công xưởng đóng cửa, hoạt động vận chuyển cũng bị gián đoạn gây rất nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ gà thương phẩm.
Trong thời gian chấp hành chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, trại của ông Hải chủ yếu bán, xuất gà qua hình thức "giải cứu", khách hàng là các đoàn làm từ thiện, một số lò giết mổ tư nhân ở Đồng Nai với số lượng khoảng 60.000 con. Nhưng số gà đã chết do quá tải chuồng nuôi trong trại buộc phải tiêu hủy trong 2 tuần qua đã vượt quá 10.000 con. Hiện tại trong chuồng còn khoảng 100.000 con chưa xuất được.
Rất may trang trại của ông là một mắt xích hoạt động theo chuỗi nên mỗi thành viên đều có sự chia sẻ đồng hành cùng tháo gỡ khó khăn để vượt qua đại dịch. Vì nếu không đồng nghĩa với việc hàng triệu con gà con sắp tới sẽ không có chuồng để thả, gà con sẽ bị thiêu hủy, thiệt hại rất lớn.
"Với giá gà trắng cao nhất là 15.000đ/kg như thời điểm này kéo theo việc giải phóng chuồng chậm, cộng với giá vật tư nguyên liệu cám, thuốc tăng liên tục từ đầu năm nhưng chưa có dấu hiệu dừng thì việc tái đàn cho những người chăn nuôi như chúng tôi rất khó khăn", ông Hải nói.
Dù vậy, cơ sở hoat động có chuỗi và hợp đồng như ông Hải vẫn khá may mắn khi còn có cơ hội xuất chuồng và tìm cách tái đàn. Với các hộ nuôi gà không theo chuỗi, theo hợp đồng, ông Đoán thậm chí cho hay "không thể dùng từ lỗ nữa mà phải là phá sản. Gà ăn hết đất, hết tài sản của nông dân. Tiền đâu mà tái đàn?!".
Để tháo gỡ khó khăn, người nuôi gia cầm ở Đồng Nai mong muốn được giảm giá điện, nước, lãi ngân hàng nhằm giảm chi phí sản xuất, hỗ trợ một phần cho các đơn vị nuôi. Các cơ quan, ban ngành cũng cần tạo điều kiện cho các cơ sở giết mổ, chế biến hoạt động trở lại, hoạt động an toàn với điều kiện đảm bảo phòng chống dịch. Bên cạnh đó, việc mở mới các cơ sở giết mổ có công suất lớn theo quy hoạch đi kèm khâu chế biến sâu và tăng số lượng kho lạnh bảo quản dự trữ sản phẩm cũng cần được tính toán đưa vào nhanh, vừa giảm bớt đứt gãy trong khâu tiêu thụ, vừa bình ổn giá đầu ra cho người nuôi và giá bán đến tay người dùng.
Người đồng hành