MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

'Gã điên' người Nhật lên kế hoạch dọn sạch rác dải ngân hà: Chưa kiếm được một đồng doanh thu nào, dự định sẽ huy động vốn sau mỗi 15 tháng để 'sống' tới cùng

03-12-2018 - 14:31 PM | Tài chính quốc tế

Okada - doanh nhân người Nhật quyết định nhen nhóm lại đam mê từ nhỏ của ông là về hàng không vũ trụ ở tuổi 40.

Mitsunobu Okada thường cởi mở thừa nhận rằng Astroscale – một công ty chuyên dọn các mảnh vỡ trong không gian có trụ sở tại Singapore được ông thành lập vào năm 2013 sau một cuộc khủng hoảng giữa cuộc đời.

"Lúc ấy tôi 39 tuổi, đang băn khoăn tự hỏi cuộc sống của mình sẽ ra sao sau 40 tuổi". Sau 15 năm làm việc trong lĩnh vực IT và đã sẵn sàng tìm đến thử thách mới sau doanh nghiệp phần mềm ông thành lập vào năm 2009, Okada quyết định nhen nhóm lại đam mê từ nhỏ của ông là về hàng không vũ trụ. Tuy nhiên nếu như tưởng tượng ngày trước của ông là cuộc sống diễn ra xung quanh các nhà khoa học để thảo luận về hệ thống tên lửa và các vệ tinh nhỏ, hiện nay ông đang miệt mài với vấn đề rác thải ở dải ngân hà.

Astroscale là một trong số ít các doanh nghiệp quốc tế đang cạnh tranh để trở thành đơn vị tiên phong trong việc phát triển, thương mại hóa hiệu quả dịch vụ đưa những vệ tinh hết hạn sử dụng trở về và thâm nhập vào một thị trường tương lai có phần khác thường nhưng đầy tiềm năng.

Trong 10 năm tới dự kiến có khoảng 6.200 vệ tinh nhỏ sẽ được phóng lên vũ trụ theo công ty tư vấn Euroconsult. Chúng sẽ được sử dụng để làm mọi thứ từ cung cấp kết nối Internet cho những khu vực hẻo lánh nhất thế giới đến giúp con người điều khiển thành phố, biển và không gian của họ cũng như quan sát những thay đổi đối với trái đất mà chúng ta đang sống.

Tuy nhiên, những vệ tinh này đều chỉ có một khoảng thời gian sống giới hạn và sẽ mãi mãi không thể rời quỹ đạo trái đất. Hiện đã có hơn 5.250 vệ tinh được phóng lên trong 50 năm và đưa gần 42.000 vật thể theo dõi vào quỹ đạo. Khoảng 23.000 chiếc vẫn còn trong không gian và trong số đó chỉ 1.200 chiếc là nguyên vẹn, các vệ tinh đang hoạt động.

Gã điên người Nhật lên kế hoạch dọn sạch rác dải ngân hà: Chưa kiếm được một đồng doanh thu nào, dự định sẽ huy động vốn sau mỗi 15 tháng để sống tới cùng - Ảnh 1.

Các loại tàu vũ trụ dư thừa hiện nay làm gia tăng rủi ro đối với vệ tinh và tàu vũ trụ khác. Năm 2016, phi hành gia người Anh Tim Peake đã đăng tải bức ảnh một vết nứt ở cửa sổ của trạm vũ trụ quốc tế do một mảnh vụn nhỏ xíu - cỡ một đốm sơn gây ra. Những mảnh lớn hơn có thể vô hiệu hóa hay thậm chí phá vỡ một vệ tinh hoặc tàu vũ trụ.

Thực tiễn này khiến tăng nhu cầu về việc phát triển dịch vụ, phương thức giúp các đơn vị điều khiển vệ tinh mang những chiếc đã quá hạn sử dụng quay về trước khi có thể phóng một cái khác vào không gian.

Đó là những gì Astroscale đang nhắm tới. Okada tin rằng các đơn vị điều hành tàu vũ trụ và vệ tinh sẽ buộc phải tuân thủ những quy định và cuối cùng họ phải trả tiền cho dịch vụ của Astroscale.

"Cuối cùng, điều chúng ta muốn là một chính sách thống nhất trên khắp thế giới về việc bất kỳ khi nào có một tàu vũ trụ hay vệ tinh phóng lên, phải có một cái khác phải quay trở về. Tuy nhiên thế giới thì không hoàn hảo".

Năm tới sẽ rất quan trọng đối với Astroscale. Tàu không gian Elsa-D của công ty sẽ thử nghiệm vào đầu năm 2020. Giải pháp của công ty là sẽ gắn một tấm đế được thiết kế đặc biệt vào các vệ tinh có thể nhắm tới các mục tiêu và hút chúng bằng một chiếc xe chaser được trang bị hàng loạt các nam châm điện mạnh. Chúng sẽ kéo những vệ tinh không còn sử dụng xuống bầu khí quyển của Trái Đất, nơi cả xe chaser và vệ tinh hết hạn đó sẽ cháy rụi. Nếu vệ tinh tách ra khỏi phạm vi cảm biến, phi hành đoàn dưới mặt đất sẽ giúp chuyển hướng các chaser để đánh chặn nó.

Rất nhiều thứ đang trong quá trình thử nghiệm. Nó sẽ chứng minh xem công nghệ của Astroscale là khả thi hay chỉ đơn giản là một giấc mơ vũ trụ viển vông khác. Sứ mệnh cuối cùng của công ty là đặt một vệ tinh theo dõi các mảnh vụn trong vũ trụ bị mất khi quá trình phóng không thành công.

Dẫu vậy, dù các lần thử nghiệm có thể chứng minh công nghệ này hiệu quả thì thị trường cho nó vẫn chưa hề tồn tại. Hiển nhiên là đã quá muộn để gắn tấm đế thiết kế đặc biệt cho các vệ tinh đã được phóng vào trong không gian.

Vì vậy, Okada đang nhắm tới sự nổi lên của những vệ tinh thuộc sở hữu của các công ty tư nhân khi họ đang nhiệt tình khai thác các cơ hội trong không gian.

Ngân hàng đầu tư Mỹ Morgan Stanley dự kiến rằng ngành công nghiệp không gian toàn cầu có thể phát triển từ 350 tỷ USD doanh thu hiện nay lên con số hơn 1,1 nghìn tỷ USD vào năm 2040. Tốc độ tăng trưởng đó sẽ được thúc đẩy bởi sự tăng lên nhanh chóng về nhu cầu dữ liệu đi đôi với yêu cầu về sự gia tăng của các loại vệ tinh.

Năm nay, Ủy ban truyền thông liên bang Mỹ đã chấp thuận lá đơn từ SpaceX để phóng 12.000 vệ tinh. Boeing cũng đã nộp yêu cầu tương tự để phóng 2.956 chiếc. OneWeb – đơn vị được đầu tư từ Airbus và Coca Cola đang lên kế hoạch phóng 800 vệ tinh.

Nhu cầu đó sẽ làm tăng giá trị của "bất động sản" trên vũ trụ. Okada hy vọng rằng các công ty điều hành những mạng lưới vệ tinh này sẽ cần tới dịch vụ của ông, dù là vì vấn đề an toàn hay loại bỏ các vệ tinh lỗi hoặc không còn tồn tại khỏi vũ trụ.

Okada thừa nhận rằng vẫn còn rất nhiều việc phải làm trước khi tự tin nói rằng thị trường thương mại cho việc dọn rác thải trên vũ trụ có tồn tại.

"Chúng tôi phải giải quyết đồng thời mô hình kinh doanh, công nghệ và những quy định liên quan".

Tuy nhiên các chuyên gia đang lượng hóa cơ hội này. Technavio – đơn vị tư vấn dự đoán rằng thị trường loại bỏ rác thải vũ trụ có thể đạt 2,9 tỷ USD vào năm 2022. Công nghệ loại bỏ rác dự đoán chiếm hơn một nửa giá trị đó.

Trên thực tế Astroscale không phải là đơn vị duy nhất nhìn thấy cơ hội đó.

Gã điên người Nhật lên kế hoạch dọn sạch rác dải ngân hà: Chưa kiếm được một đồng doanh thu nào, dự định sẽ huy động vốn sau mỗi 15 tháng để sống tới cùng - Ảnh 2.

Tháng 9, một công ty châu Âu gồm cả Airbus đã thử nghiệm thành công dự án RemoveDebris – sử dụng một mảnh lưới đặc biệt để dọn những tàu vũ trụ nhỏ. Airbus đã thử nghiệm những giải pháp tiềm năng khác trên mặt đất bao gồm cả một tàu vũ trụ gắn những móc câu.

Công nghệ này và những công nghệ khác đang được phát triển dưới sự bảo trợ của Cơ quan vũ trụ châu Âu sẽ cố gắng loại bỏ một vệ tinh nặng 8 tấn vô chủ khỏi quỹ đạo vào năm 2023.

Năm ngoái, nỗ lực của cơ quan hàng không Nhật Bản JAXA sử dụng loại tàu vũ trụ sử dụng một lần được trang bị một dây buộc điện tử để lấy mảnh vụn và kéo nó vào bầu khí quyển Trái Đất đã bị thất bại.

Dĩ nhiên những kế hoạch như vậy đều rất tốn kém. Sứ mệnh của ESA sẽ trị giá khoảng 400 triệu USD. Tuy nhiên Astroscale đang nhắm tới việc khiến chi phí của việc loại bỏ rác thải vũ trụ chỉ vào khoảng 10 – 50 triệu USD.

"Nếu chúng tôi có thể giảm giá và phân tích rõ giá trị cho khách hàng, đây sẽ là một miếng bánh ngọt ngào. Dĩ nhiên nó sẽ không xảy ra vào sáng mai nhưng sớm thôi".

Cạnh tranh dĩ nhiên là có, Okada thừa nhận. "Cho tới năm ngoái, các nhà đầu tư vẫn hỏi tôi: Tại sao ông không có bất kỳ đối thủ cạnh tranh nào? Hình như ông đang làm một thứ gì đó thiếu thực tế? Tuy nhiên hiện tại đã có những đối thủ cạnh tranh tin tưởng vào sứ mệnh này".

Một trong những nhà đầu tư đời đầu vào Astroscale là Taizo Son – em trai của tỷ phú Nhật Bản Masayoshi Son và là chủ công ty quỹ đầu tư mạo hiểm công nghệ Mistletoe. Công ty của Taizo đã tham gia vào vòng huy động vốn Series A của Astroscale vào năm 2015. Giám đốc tăng trưởng của Mistletoe là Atsushi Taira đã thừa nhận rằng việc tham gia đầu tư vào công ty của Okada cần phải có bước nhảy vọt về niềm tin và tầm nhìn dài hạn vào ngành công nghiệp này.

"Chúng tôi thích những ý tưởng điên rồ. Đặc biệt là Taizo, ông ấy rất thích những ý tưởng điên rồ. Đó là một chặng đường dài nhưng tôi nghĩ mọi người hiểu, chúng ta cần phải dọn dẹp không gian. Chúng tôi không biết về thời gian hoàn thành việc đó nhưng chúng tôi cho rằng mình nên ủng hộ việc này".

Gã điên người Nhật lên kế hoạch dọn sạch rác dải ngân hà: Chưa kiếm được một đồng doanh thu nào, dự định sẽ huy động vốn sau mỗi 15 tháng để sống tới cùng - Ảnh 3.

Astroscale hiện đã huy động được hơn 100 triệu USD, mới đây nhất là 50 triệu USD trong Series D vào tháng 10 mà dẫn đầu là INCJ – một công ty đầu tư tư nhân Nhật Bản. Số tiền này đã được giành để phát triển ALSA-d và mở rộng hoạt động ra toàn cầu.

Ngoài trụ sở ở Singapore, Astroscale còn có nhà máy sản xuất và trung tâm nghiên cứu phát triển, trung tâm điều hành tại Anh. Họ cũng mở văn phòng ở Washington DC vào năm 2019 để cải thiện mối liên kết với những trung tâm không gian ở Mỹ.

Việc hiện diện ở những trung tâm kể trên là điều hết sức quan trọng để có thể thâm nhập tiếp cận thị trường và các doanh nghiệp trong khu vực. Phải thừa nhận rằng lĩnh vực không gian thì rất đắt đỏ và Astroscale không có một nhà sáng lập tỷ phú giàu có như những đơn vị khác. Hiện tại, Okada cũng chưa thể mang về thành quả cho những người đã tin tưởng ủng hộ ông ngay từ đầu. Doanh nghiệp của ông vẫn hoàn toàn tham gia vào quá trình nghiên cứu và phát triển mà không tạo ra được bất kỳ đồng doanh thu nào.

Astroscale sẽ cần nhiều vốn hơn trước khi chính thức tham gia vào thị trường – có lẽ là năm 2020. Okada nói kế hoạch hiện tại là công ty sẽ thực hiện huy động vốn sau mỗi 15 tháng, nhằm dần dần chứng minh công nghệ và khả năng thương mại hoá.

Tuy nhiên Okada tự tin rằng mặc cho những rào cản, ông sẽ đi tới cuối cùng và kết quả nhận được sẽ rất tuyệt vời. "Các tỷ phú có cách riêng của họ còn những gã bình thường như tôi cũng có cách thức của riêng mình. Có một câu tục ngữ rằng: Để trở thành một triệu phú trong ngành công nghiệp không gian, bạn sẽ khởi đầu là một tỷ phú. Tuy nhiên nếu có thể có một nghìn tỷ phú, anh ấy hay cô ấy sẽ phải là người làm trong ngành công nghiệp không gian".

Theo Vân Đàm

Trí Thức Trẻ/Nikkei

Trở lên trên