Gần 40.000 thùng C2, Rồng đỏ nhiễm chì đã bán hết
Bộ Y tế cho biết 1.184 thùng C2 và Rồng Đỏ (khoảng 10 tấn, trong đó chủ yếu là sản phẩm trà xanh hương chanh C2 (lô sản xuất ngày 4/2/2016, hạn sử dụng 4/2/2017) có hàm lượng chì vượt ngưỡng mức công bố đã bị tiêu hủy.
- 31-05-2016Ít nhất 800.000 chai C2 và Rồng Đỏ có hàm lượng chì cao quá mức công bố nhưng không thể thu hồi?
- 31-05-2016Phạt gần 6 tỷ với công ty URC vì có sản phẩm C2, Rồng Đỏ nhiễm chì vượt ngưỡng cho phép
- 29-05-2016C2, Rồng đỏ nhiễm chì "vắng bóng" ở siêu thị
Tuy nhiên, phần lớn sản phẩm thuộc lô hàng C2 và Rồng đỏ đã bán ra thị trường với tổng giá trị hàng hóa vi phạm đã xuất bán, không thu hồi được là hơn 3,875 tỷ đồng. Ông Nguyễn Văn Nhiên, Phó Chánh thanh tra (Bộ Y tế) cho biết, tổng 2 lô C2 và Rồng đỏ nhiễm chì vượt ngưỡng là hơn 40.000 thùng, nhưng số bị tiêu hủy chỉ chưa đến 1.200 thùng vì doanh nghiệp đã bán hết. Như vậy, có rất nhiều người đã uống loại nước chứa chì vượt ngưỡng, trong đó một lượng khách hàng không nhỏ là trẻ em.
PGS.TS Trần Hồng Côn, giảng viên hóa học, trường Đại học Khoa học Tự nhiên cho biết, khi bị nhiễm độc chì, phải đưa thuốc đặc trị vào để giúp đào thải vì chì là loại kim loại nặng được liệt vào mức độc mạnh, có khả năng tích lũy sinh học trong cơ thể con người, lâu dần sẽ gây bệnh như gây phá hủy dần tủy xương là bộ phận sản xuất ra hồng cầu.
Khi chì đã vào cơ thể thì khó để đào thải, nếu không có thuốc đặc trị để đẩy chì ra khỏi cơ thể thì nguy cơ tử vong là cực cao. Trẻ em là đối tượng nhạy cảm với chì hơn người lớn nên khả năng tích lũy chì cũng cao hơn.
PGS.TS Phạm Duệ, nguyên Giám đốc Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, chì là chất cực độc đặc biệt nguy hiểm đối với trẻ em, nhất là trong trường hợp ngộ độc chì cấp tính bởi chì khó thải loại, vào cơ thể chì theo máu đến các cơ quan: gan, thận, não, tủy xương, dây thần kinh … gây bệnh cho trẻ. Do tác hại của chất này rất lớn nên hàm lượng chì được quy định nghiêm ngặt trong sản phẩm thực phẩm, thuốc uống.
Các bác sĩ khuyến cáo, với trường hợp uống nhiều, liên tục có thể làm xét nghiệm chì tại Viện Hóa học. Nếu hàm lượng chì trong máu cao vượt mức sẽ phải điều trị thải độc chì.
Chưa thấy URC bồi hoàn người tiêu dùng
Tiến sỹ Vương Ngọc Tuấn, Phó Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS) cho biết: Theo Điều 23 Luật Bảo vệ người tiêu dùng, khi hàng hóa dịch vụ xâm hại đến quyền lợi của người tiêu dùng thì doanh nghiệp cung cấp phải chịu trách nhiệm bồi hoàn. Thứ nhất, thiệt hại về vật chất tức số tiền bỏ ra để mua chai nước phải được thu hồi lại.
Tiếp theo, vì sản phẩm với hàm lượng chì vượt ngưỡng cho phép nên doanh nghiệp phải đền bù xứng đáng cho việc làm tổn hại sức khỏe của người tiêu dùng. Tuy nhiên, mức độ như thế nào thì hiện nay chưa có đánh giá chính xác. Câu chuyện đặt ra là 5,82 tỷ đồng tiền phạt đó có tương xứng với mức độ thiệt hại của người tiêu dùng hay không?
Tiền phong