Gần 70% khí đốt xuất khẩu của Mỹ được chuyển đến châu Âu, nhưng vẫn khiến Pháp, Đức phải lên tiếng
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 6/10 kêu gọi Mỹ và Na Uy: 'Thật tuyệt khi bạn cung cấp năng lượng cho chúng tôi, nhưng chúng tôi không thể trả cho bạn cái giá đắt gấp 4 lần. Đây không phải là ý nghĩa thực sự của tình bạn'.
- 09-10-2022Có khả năng cung cấp tới 54 tỷ mét khối/năm, vì sao châu Âu muốn nhưng không thể khai thác mỏ khí đốt siêu khổng lồ này để thay thế cho nguồn cung từ Nga?
- 08-10-2022WSJ: Doanh nghiệp Trung Quốc lãi đậm khi mua khí đốt từ Mỹ, Nga bán cho châu Âu
- 08-10-2022Không chỉ tích cực nhập khẩu dầu và khí đốt, châu Âu còn đang tìm đến pin mặt trời của quốc gia châu Á này
- 07-10-2022Châu Á, châu Âu cạnh tranh gay gắt đẩy giá khí đốt tăng 1.100% - thách thức mới của các quốc gia châu Á bao gồm cả Việt Nam
Theo các kênh truyền thông Nga như TASS và RIA Novosti, Dmitry Peskov - Thư ký báo chí của Tổng thống Nga đã trả lời phỏng vấn trên chương trình "Moscow-Kremlin-Putin" do kênh truyền hình "Russia 1" phát sóng vào ngày 9/10 về các vấn đề liên quan đến thực địa.
Ông Peskov đã đề cập trong chương trình rằng, người châu Âu nhiều lần nói rằng họ nên thoát khỏi sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga, vốn đã dẫn đến hiện tượng "phi công nghiệp hóa" và tác động đến hoạt động sản xuất ở các nước châu Âu, "có lẽ tất cả những điều này sẽ gây ra hậu quả cho lục địa châu Âu ít nhất trong 10 đến 20 năm tới".
Dmitry Peskov - Thư ký báo chí của Tổng thống Nga. Ảnh: TASS
Sau khi châu Âu áp đặt lệnh trừng phạt lên năng lượng Nga, Mỹ đã nhân cơ hội này bán khí đốt tự nhiên cho châu Âu với giá cao, gây ra không ít bất mãn.
Theo RIA Novosti, ông Peskov đã nói trong chương trình ngày 9/10 rằng: "Người Mỹ hiện đang kiếm được nhiều tiền, rất nhiều tiền vì họ bán khí đốt tự nhiên với giá gấp 3 đến 4 lần. Người châu Âu trả tiền cho họ và cũng khiến cho chính nền kinh tế của đất nước họ mất sức cạnh tranh".
Pháp, Đức cùng lên tiếng
Theo hãng tin Bloomberg, vào ngày 6/10, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã phàn nàn tại một hội nghị rằng, khí đốt tự nhiên của Mỹ đang được bán quá đắt và nói rằng nếu là bạn bè, thì không thể tiếp tục như thế này.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: China Vision
Phát biểu tại hội nghị doanh nhân ở Paris, ông Macron cho rằng, các nước châu Âu nên cùng các nền kinh tế châu Á yêu cầu Mỹ và Na Uy bán khí đốt tự nhiên với giá thấp hơn để thể hiện tình hữu nghị sâu sắc hơn với nhau.
"Với tinh thần hữu nghị cao cả, chúng tôi sẽ nói với những người bạn Mỹ và Na Uy: Các bạn thật tuyệt vời. Các bạn cung cấp năng lượng và khí đốt cho chúng tôi, nhưng lại bán cho chúng tôi với giá đắt gấp 4 lần bạn đã bán cho người khác. Điều này không thể tiếp diễn. Đó không phải là ý nghĩa thực sự của tình bạn", ông Macron nói.
Trước đó, theo hãng thông tấn DPA của Đức, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế và Bảo vệ Khí hậu Đức Robert Habeck đã ngụ ý trong một cuộc phỏng vấn độc quyền rằng, các "quốc gia thân thiện" như Mỹ đang cung cấp khí đốt tự nhiên cho Đức với giá "cắt cổ".
"Một số quốc gia, bao gồm cả các "quốc gia thân thiện", đôi khi cung cấp khí đốt cho chúng tôi với giá cao ngất trời. Đây đã trở thành một vấn đề mà chúng tôi phải thảo luận", ông Habeck nói.
Ông Habeck cũng kêu gọi Ủy ban châu Âu (EC) đại diện cho các quốc gia thành viên đối thoại với các "quốc gia thân thiện".
Theo DPA, ông Habeck đã đặc biệt đề cập đến Mỹ trong cuộc phỏng vấn độc quyền, hy vọng rằng Mỹ có thể hỗ trợ nhiều hơn khi châu Âu đang gặp khó về năng lượng.
Ông Habeck chỉ ra rằng: "Khi Mỹ cần dầu, Mỹ yêu cầu chúng ta cùng bán phá giá dầu dự trữ, và sự hỗ trợ lẫn nhau này cũng nên được sử dụng để kiềm chế giá khí đốt tự nhiên."
Ông Harbeck ngày 22/9 từng cho biết, do chi phí năng lượng cao hơn trước đây, thiệt hại kinh tế của Đức trong năm nay sẽ lên tới gần 60 tỷ euro, và mức thiệt hại trong năm tới có thể lên tới gần 100 tỷ euro.
Theo DPA, tại một hội nghị do Liên đoàn Công nghiệp Đức tổ chức, ông Harbeck đã nói rằng, thiệt hại kinh tế của Đức trong năm tới tương đương 2% tổng sản phẩm quốc nội GDP, phần lớn là do việc mua khí đốt tự nhiên từ các nguồn khác ngoài Nga.
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế và Bảo vệ Khí hậu Đức Robert Habeck. Ảnh: noz.de
Gần 70% khí đốt xuất khẩu của Mỹ được chuyển đến châu Âu
Sau khi xung đột Nga - Ukraine bùng nổ, Mỹ và các nước phương Tây đã áp đặt nhiều đợt trừng phạt đối với Nga - một nước xuất khẩu năng lượng lớn, gây ra sự hỗn loạn trên thị trường năng lượng toàn cầu và cuộc khủng hoảng năng lượng đang ngày càng lan rộng.
Khi các vấn đề năng lượng tiếp tục hạn chế sự phát triển kinh tế và sinh kế của người dân nhiều nước trên thế giới, các tập đoàn năng lượng khổng lồ của Mỹ đã lợi dụng tình hình để thu về khoản lợi nhuận khổng lồ trên thị trường năng lượng.
Ngày 29/7, hai gã khổng lồ năng lượng của Mỹ là Exxon Mobil và Chevron đều báo cáo lợi nhuận cao nhất trong lịch sử công ty.
Báo cáo tài chính cho thấy, với tư cách là nhà sản xuất dầu lớn nhất nước Mỹ, lợi nhuận ròng quý II của Exxon Mobil là 17,9 tỷ USD (4,21 USD/cổ phiếu), tăng gần 4 lần so với mức 4,69 tỷ USD (1,10 USD/cổ phiếu) so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, Chevron công bố lợi nhuận quý II là 11,61 tỷ USD, cao hơn gần 50% so với kỷ lục của công ty được thiết lập vào năm 2008, còn lợi nhuận ròng của một năm trước đó là 4,7 tỷ USD.
Theo hãng tin Reuters, dữ liệu theo dõi tàu được Refinitiv công bố gần đây cho thấy, tổng cộng 87 tàu hàng xuất đi từ Mỹ đã vận chuyển 6,3 triệu tấn khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) trong tháng 9, tăng nhẹ so với mức 6,25 triệu tấn trong tháng 8; và gần 70% trong số đó, tương đương 4,37 triệu tấn LNG được chuyển đến châu Âu, cao hơn so với mức 56% trong tháng 8 và 63% trong tháng 7.
Xuất khẩu LNG hiện đang được săn đón khắp nơi, với giá khí đốt tự nhiên giao ngay tại cảng Henry (Mỹ) đã tăng lên 7,88 USD / mmBTU (một triệu đơn vị nhiệt Anh - PV) vào tháng 9, mức cao nhất kể từ năm 2008.
Công ty tư vấn năng lượng Rystad cho biết, sự cố gián đoạn đường ống dẫn khí Nord Stream "chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung cấp khí đốt ở châu Âu trong mùa đông năm nay".
Tổ quốc