MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Gần 700 tỷ USD vốn hoá "bốc hơi", nhà đầu tư châu Á đang tận dụng mọi cơ hội để bắt đáy

22-05-2021 - 11:56 AM | Tài chính quốc tế

Gần 700 tỷ USD vốn hoá "bốc hơi", nhà đầu tư châu Á đang tận dụng mọi cơ hội để bắt đáy

Thời gian gần đây, cổ phiếu công nghệ châu Á cũng bị cuốn vào cơn bão bán tháo các loại tài sản được đầu cơ trên thị trường toàn cầu. Tuy nhiên, nhà đầu tư đang tìm kiếm trong "đống tro tàn" và nhận thấy cơ hội để bắt đáy.

JPMorgan Asset Management đang khuyến nghị rằng nhà đầu tư nên bắt đáy vì các lĩnh vực công nghệ và tiêu dùng không thiết yếu đã chứng kiến 690 tỷ USD bị "thổi bay" kể từ mức đỉnh trong quý I. Trong khi đó, Pictet Asset Management cho biết các nhà xuất khẩu công nghệ châu Á đóng vai trò "quan trọng với thế giới" và vai trò của họ sẽ ngày càng tăng.

Kerry Craig, chiến lược gia thị trường toàn cầu tại JPMorgan Assett, nhận định, yếu tố chủ chốt ở đây là định giá và việc bán tháo sẽ không kéo dài. Ông nói: "Tâm lý bắt đáy của nhà đầu tư hiện vẫn rất mạnh mẽ."

Các tài sản rủi ro nhất thế giới đã trải qua 1 tháng đầy biến động, trong bối cảnh thị trường lo ngại về tình trạng đầu cơ và mức định giá quá cao. Mọi lĩnh vực từ tiền số cho đến các quỹ sáng tạo (innovation fund) nổi tiếng đều chịu ảnh hưởng lớn. Còn ở châu Á, TTCK Đài Loan, các startup Nhật Bản và cổ phiếu internet Trung Quốc đã chịu áp lực nặng nề nhất.

Gần 700 tỷ USD vốn hoá bốc hơi, nhà đầu tư châu Á đang tận dụng mọi cơ hội để bắt đáy  - Ảnh 1.

Các chỉ số công nghệ châu Á (gồm MOTHERS của Nhật Bản, MSCI Asia Pacific IT Index và TSE Weighted Index của Đài Loan) đang hồi phục sau mức giảm 10%.

MSCI Asia Pacific Information Technology Index giảm 8,4% trong tháng này, sau đó hồi phục một phần. Tâm lý lo ngại đã lan rộng đến cả thị trường, khi chỉ số theo dõi toàn khu vực đã rơi vào vùng điều chỉnh trong thời gian ngắn.

Andy Budden - giám đốc đầu tư tại Capital Group, nhận thấy TTCK châu Á sẽ chuẩn bị đi trên con đường gập ghềnh. Ông cho biết những xu hướng diễn ra liên tiếp đã thúc đẩy sự hưng phấn của nhà đầu tư với cổ phiếu công nghệ. Theo ông, quá trình số hóa đã tăng tốc trong năm qua và tiếp tục diễn ra, trong khi AI, machine learning, các phương tiện tự hành và VR là sự đổi mới có thể là động lực chính thúc đẩy sự tăng trưởng.

Andy Wong - giám đốc đầu tư đa tài sản cấp cao tại Pictet Asset Management, cho biết: "Những cổ phiếu tăng trưởng theo xu hướng đổi mới diễn ra liên tục mang lại giá trị hấp dẫn, khi hiệu suất tốt sẽ làm lu mờ sự lo ngại về lạm phát." Ngoài ra, các nhà sản xuất thiết bị và công ty bán dẫn của châu Á rất quan trọng với thế giới, đặc biệt trong bối cảnh lĩnh vực công nghệ đang ngày càng thống trị thế giới và lợi nhuận được cải thiện khi quy mô tăng lên.

Có lẽ, xu hướng đổi mới dễ nhận thấy nhất trong công nghệ châu Á trong năm nay là vai trò ngày càng quan trọng của Đài Loan trong ngành sản xuất chip. Song, yếu tố này lại không giúp cổ phiếu lĩnh vực này của Đài Loan tránh khỏi mức giảm sâu trong tháng vừa qua, TMSC dẫn đầu đà giảm.

Gần 700 tỷ USD vốn hoá bốc hơi, nhà đầu tư châu Á đang tận dụng mọi cơ hội để bắt đáy  - Ảnh 2.

Tuy nhiên, Iren Goh - trưởng bộ phận giải pháp đa tài sản khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Aberdeen Standard Investment lại có đánh giá tích cực đối với mảng công nghệ Đài Loan, đặc biệt là vị trí chiến lược toàn cầu của TSMC.

Goh viết trong một ghi chú công bố tuần này: "Đài Loan đóng vai trò quan trọng trong các lĩnh vực chuỗi lắp ráp công nghệ, điều này hình thành quan điểm tích cực của chúng tôi đối với Đài Loan. Hòn đảo này có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ xuất khẩu công nghệ và đầu tư cố định."

Chỉ số Taiex của Đài Loan đã tăng 3% trong tuần này sau khi mất khoảng 10% trong 2 tuần trước đó.

Dẫu vậy, nhà đầu tư khác vẫn thận trọng đối với cổ phiếu công nghệ được định giá cao, đặc biệt là khi lợi suất trái phiếu toàn cầu đang làm tăng mối lo lạm phát và giúp cổ phiếu chu kỳ hưởng lợi.

David Chao - chiến lược gia thị trường toàn cầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Invesco, cho biết: "Châu Á tiếp tục dẫn đầu xu hướng thay đổi của nhà đầu tư từ cổ phiếu tăng trưởng sang cổ phiếu chu kỳ và giá trị. Tôi cho rằng xu hướng sẽ tiếp tục."

Gần 700 tỷ USD vốn hoá bốc hơi, nhà đầu tư châu Á đang tận dụng mọi cơ hội để bắt đáy  - Ảnh 3.

P/E dự phóng 12 tháng của MSCI Asia Pacific Information Technology Index.

MSCI Asia Pacific Information Technology Index hiện đang giao dịch ở mức P/E dự phóng 12 tháng là 18 lần, trong khi mức đỉnh hồi tháng 1 là 22 lần. Tuy nhiên, theo dữ liệu cho Bloomberg tổng hợp, mức này vẫn cao hơn mức trung bình 10 năm là 14 lần.

Một vấn đề khác ảnh hưởng đến thị trường châu Á là số ca nhiễm Covid-19 tăng trở lại trong thời gian gần đây. Do đó, các chính phủ như Singapore, Đài Loan, Malaysia và Nhật Bản phải đưa ra những biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt.

Dẫu vậy, Chao đến từ Ivesco vẫn giữ quan điểm rằng các chính phủ châu Á sẽ sớm ngăn chặn làn sóng bùng phát mới. Chao cho hay: "Tôi sẽ mua vào nếu có bất kỳ động thái bán ra nào do dịch bệnh. Nhà đầu tư có lẽ đã nhìn thấy sau những biện pháp này và hậu Covid-19, nền kinh tế khu vực sẽ có diễn biến ra sao."

Tham khảo Bloomberg

Lục Lam

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên