MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Gần 85% doanh nghiệp FDI sử dụng công nghệ lạc hậu: Thách thức trong tăng trưởng xanh

Đây là thách thức với kinh tế Việt Nam trong nỗ lưc hiện thực hoá mục tiêu giảm phát thải ròng về 0 hay nói cách khác là thách thức trong nỗ lực tăng trưởng xanh-bền vững.

FDI được nhìn nhận là khu vực kinh tế có năng lực sử dụng công nghệ, máy móc hiện đại nhất kinh tế Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, một con số mới được các chuyên gia công bố cho thấy, vẫn còn gần 85% doanh nghiệp FDI đang sử dụng công nghệ lạc hậu. Đây là thách thức với kinh tế Việt Nam trong nỗ lưc hiện thực hoá mục tiêu giảm phát thải ròng về 0 hay nói cách khác là thách thức trong nỗ lực tăng trưởng xanh-bền vững.

Tăng trưởng xanh, phát triển bền vững là yêu cầu tất yếu, không thể thiếu và là xu thế chung toàn cầu. Chính phủ Việt Nam đã có những cam kết rất mạnh mẽ tại COP26, khẳng định mong muốn của Việt Nam là đạt được sự thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội. Việt Nam đã và đang có nhiều nỗ lực trong công cuộc này, trong đó có đóng góp lớn của cộng đồng doanh nghiệp.

Gần 85% doanh nghiệp FDI sử dụng công nghệ lạc hậu: Thách thức trong tăng trưởng xanh - Ảnh 1.

Vẫn còn gần 85% doanh nghiệp FDI đang sử dụng công nghệ lạc hậu, trong khi đây luôn được nhìn nhận là khu vực kinh tế hiện đại – năng động nhất. (Ảnh minh hoạ)

Với hàng ngàn dự án trải khắp các tỉnh, thành, khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Đặc biệt, những nhà đầu tư với các dự án bền vững, xanh hóa đã và đang lựa chọn Việt Nam để "xây tổ", như Lego, tập đoàn Nestle'…, là minh chứng cho thấy, khối doanh nghiệp FDI đã và đang có những đóng góp quan trọng vào tiến trình phát triển bền vững của Việt Nam.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài Bộ KH&ĐT khẳng định: "Cho đến nay, theo tính toán của chúng tôi, khu vực doanh nghiệp bao gồm doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước đã đầu tư khoảng 9 tỷ USD trong các lĩnh vực liên quan đến tăng trưởng xanh, phát triển xanh như là năng lượng tái tạo, hay là đầu tư các trang thiết bị phục vụ cho kinh tế xanh. Con số này chiếm khoảng 2% GDP và bình quân tăng trưởng trong suốt 2 năm vừa qua đạt mức độ tăng trưởng khá cao, tức là 10-13%. Đây là một trong những tín hiệu rất tốt".

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng xanh đòi hỏi phải huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp FDI. Thực tế, thời gian qua, doanh nghiệp FDI đã giúp tạo ra sự thay đổi về nhận thức, giúp tạo ra nguồn lực, kinh nghiệm để quản trị, công nghệ trang thiết bị hiện đại thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh trong sản xuất tại Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn còn gần 85% doanh nghiệp FDI đang sử dụng công nghệ lạc hậu, trong khi đây luôn được nhìn nhận là khu vực kinh tế hiện đại – năng động nhất.

Ông Nguyễn Quang Vinh – Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển Bền vững Việt Nam nhìn nhận, đây là thách thức với kinh tế Việt Nam trong nỗ lực tăng trưởng xanh và bền vững. Ông Nguyễn Quang Vinh dẫn chứng khẳng định đây là thách thức chung và mới, nên các doanh nghiệp phải sáng tạo, đổi mới nhiều hơn trong sản xuất kinh doanh: "Tôi đã có dịp đến thăm Nestlé dự án này là mô hình rất tốt, Nestlé không hoạt động một mình ở đây mà hoạt động với bà con nông dân thông qua dự án nông nghiệp tái sinh. Ngoài ra các DN lớn khác như Samsung chẳng hạn, họ cũng làm việc với độ khoảng 300 nhà cung ứng ở Việt Nam. Thông qua vai trò dẫn dắt của các nhà đầu tư nước ngoài lớn sẽ có thể lan tỏa các thông điệp về kinh doanh xanh, kinh doanh bền vững, kinh doanh có trách nhiệm với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Tôi nghĩ rằng cơ hội song trùng với thách thức nhưng nếu chúng ta muốn vượt qua những thách thức đó thì chúng ta có thể những DN lớn, những DN trụ lại sẽ chớp được cơ hội. Đó chính là tạo ra những giá trị mới, nắm bắt được thị trường mới".

Theo thống kê của Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững, mỗi năm kinh tế tuần hoàn tạo ra khoảng 4-5 nghìn tỷ USD và tạo ra rất nhiều công ăn việc làm mới thông qua các mô hình kinh doanh mới. Đây là lợi ích thiết thực và là xu thế cần và phải hướng tới, đặc biệt trong chiến lược tăng trưởng xanh đã được Việt Nam đặt mục tiêu rõ ràng.

Điều còn lại là cùng với những nỗ lực của Chính phủ trong tiếp tục có những chương trình hành động để ổn định kinh tế vĩ mô, lành mạnh hoá môi trường kinh doanh hay cải cách thủ tục hành chính….tạo nền tảng cho cộng đồng doanh nghiệp nói chung có cơ hội phát triển, thì quan trọng là cộng đồng doanh nghiệp phải tích cực đổi mới sáng tạo và tận dụng những ưu đãi trong chính sách phát triển bền vững của Việt Nam – vì mục tiêu chung: phát triển bền vững, bao trùm.

Theo Thu Trang

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên