Gắn kết nhân viên bằng các hoạt động trách nhiệm xã hội
Tại các nước phát triển, trách nhiệm xã hội doanh nghiệp với cộng đồng cũng là một trong những tiêu chí đánh giá mức độ thành công của doanh nghiệp và xu hướng đó cũng đang phổ biến tại Việt Nam.
Nhiều hoạt động phát triển bền vững đang được các doanh nghiệp tổ chức và bên cạnh lợi ích mà cộng đồng được thụ hưởng, CSR* còn như một “vũ khí” gắn kết doanh nghiệp và nhân viên.
Phát triển doanh nghiệp đi kèm CSR
Hoạt động CSR chính là lời cam kết của doanh nghiệp đối với đạo đức kinh doanh, đóng góp vào phát triển kinh tế bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống cho cộng đồng và xã hội. Việt Nam là một thị trường mới và đầy tiềm năng nên nhiều năm qua, các doanh nghiệp cũng vì thế mà “tranh thủ” thu về lợi nhuận.
Tuy nhiên, tín hiệu đáng mừng là những năm trở lại đây, nhiều chương trình CSR quy mô lớn lần lượt được các tập đoàn, công ty lớn cho ra đời và thậm chí trở thành một yếu tố “cạnh tranh” – đây là yếu tố cạnh tranh mà chắc chắn thị trường nào cũng rất muốn có.
Ông Nguyễn Quang Vinh – Phó Giám đốc Văn phòng Phát triển bền vững VCCI khẳng định “Sự phát triển của một doanh nghiệp luôn đi kèm CSR. Nó được lồng ghép vào chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp và trở thành điều kiện để doanh nghiệp phát triển, nâng cao và duy trì lợi thế cạnh tranh”.
Nhiều tập đoàn lớn như Samsung, Vinamilk, Uniliver… vẫn bền bỉ trong hành trình cống hiến cho xã hội với những chương trình dài hơi, nâng cao giáo dục, nâng cao ý thức của người dân để hướng đến một cuộc sống tốt đẹp hơn cho những khu vực mà họ đầu tư.
Gắn kết nhân viên từ hoạt động CSR
Không chỉ mang đến lợi ích cho cộng đồng, hoạt động CSR còn chính là chất “keo kết dính” nhân viên với nhau và nhân viên với doanh nghiệp. Nhiều tập đoàn lớn với số lượng nhân viên lên đến hàng ngàn, các bộ phận hoạt động độc lập, nhân viên dường như không có thời gian để giao lưu giữa các bộ phận với nhau thì CSR chính là cơ hội để họ “đi một ngày đàng, học một sàng khôn”, vừa có thêm trải nghiệm bản thân, vừa hiểu thêm về các nhân viên khác trong doanh nghiệp. So với team building, hoạt động CSR mang đến nhiều giá trị hơn, nhất là kỹ năng làm việc nhóm do được gắn kết bằng những hoạt động ngày thường.
Đó cũng là những giá trị mà công ty Samsung mang đến cho nhân viên của mình. Mới đây, chuyến đi tình nguyện trong chương trình “Góp tay xây ngày tươi sáng”, hành trình đến với xã Thanh Sơn (xã nghèo nhất) tại huyện Định Quán, Đồng Nai khiến nhiều nhân viên thích thú. Thông qua các hoạt động sơn sửa lại nhà trường, trồng cây, vui đùa cùng các em thiếu nhi, đêm lửa trại, họ đã cảm nhận cuộc sống theo một cách khác.
“2 ngày tham gia các hoạt động tình nguyện tại Suối Đục nhắc các bạn rằng chúng ta cần phải vượt ra khỏi guồng quay công việc, rằng mình cũng cần phải vui chơi. Và khi đi đến đây, các bạn phải tự lo hết tất cả mọi thứ, các bạn ý thức được giá trị tiện nghi về cuộc sống hằng ngày. Đêm lửa trại đã tác động tích cực đến các bạn rất nhiều, tất cả đều nói là sau này có chương trình các bạn đều sẽ tham gia. Điều đó cho thấy những gì Samsung đang làm mang đến giá trị thật sự, có giá trị thì nhân viên mới hăng hái tham gia” - Chị Cù Thị Quỳnh Như – bộ phận nhân sự Samsung cho biết.
Không chỉ nâng cao hình ảnh, danh tiếng công ty trên thị trường, hoạt động CSR còn là những giá trị vô hình giúp gắn kết nhân viên, khiến nhân viên ý thức, tự hào hơn về CSR. Điều đó thắt chặt thêm những mối dây liên hệ giữa nhân viên với nhau và với doanh nghiệp.
Hơn 20 năm có mặt tại Việt Nam, Công ty Điện tử Samsung đã thực hiện rất nhiều các chương trình trách nhiệm doanh nghiệp với cộng đồng, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục. Các dự án đã mang lại lợi ích không nhỏ trong việc cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân đặc biệt là trẻ em, thanh thiếu niên, người nghèo và những người kém may mắn trong xã hội. Chương trình “Góp tay xây ngày tươi sáng” sẽ còn tiếp nối với nhiều chuyến đi đưa nhân viên đến với những vùng đất xa xôi hơn nữa.
CSR*: (Corperate Social Responsibility) Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp – được hiểu là sự “cam kết” của doanh nghiệp trong việc đóng góp cho việc phát triển kinh tế bền vững, thông qua nhiều hoạt động mang đến lợi ích cho cộng đồng theo cách có lợi cho cả doanh nghiệp cũng như sự phát triển chung của xã hội.