Gần như không thu phí trong khi ngân hàng tính phí cắt cổ, công ty fintech này muốn tạo ra cuộc cách mạng trên thị trường màu mỡ trị giá 124 nghìn tỷ USD
Các ngân hàng truyền thống sẽ phải thay đổi để giữ chân các khách hàng sẽ dễ dàng bị lôi kéo bởi những công ty fintech như TransferWise...
- 06-05-2019Warren Buffett đổi ‘khẩu vị’ đầu tư sang lĩnh vực fintech và coi châu Á là 'mỏ vàng' tiềm năng
- 22-08-2018Không phải thung lũng Silicon, Trung Quốc là nơi bạn cần đến nếu muốn đánh giá tương lai của fintech
- 19-12-2017Chỉ bằng một tuyên bố đơn giản liên quan tới tiền số, cổ phiếu công ty Fintech này tăng 2.600% chỉ trong 1 tuần
- 27-10-2017Ripple - Đồng tiền số không những tăng trưởng gấp 5 lần bitcoin mà còn là startup fintech có tiềm năng đe dọa ngành ngân hàng toàn cầu
Bạn sẽ nghĩ đến điều gì đầu tiên khi nghe thấy cụm từ "kiều hối"? Đó là tiền mà những người xa quê gửi về nhà. Điều tiếp theo sẽ là gì? Chắc hẳn nhiều người sẽ nhắc đến mức tỷ giá hết sức tồi tệ.
Mặc dù tỷ giá cắt cổ và những khoản phí đắt đỏ mà ngân hàng thu của bạn là điều thường thấy ở những khoản thanh toán xuyên biên giới, sẽ là sai lầm nếu như cho rằng những điều này ảnh hưởng đến gần như tất cả mọi người theo các cách giống nhau. Mỗi năm số tiền được chuyển từ cá nhân này cho cá nhân khác đạt giá trị khoảng 400 tỷ USD; từ cá nhân đến doanh nghiệp (ví dụ như nộp tiền học phí cho trường ở 1 nước khác) đạt khoảng 1.500 tỷ USD. Những con số này nghe cũng lớn lao, nhưng sẽ trở nên quá nhỏ bé khi nói đến 124.000 tỷ USD được giao dịch giữa các công ty, theo McKinsey.
Đối với các tập đoàn đa quốc gia thì câu chuyện dễ dàng hơn, nhưng các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng như các cá nhân luôn là "khách sộp" của các dịch vụ chuyển tiền. Thách thức lớn nhất là ở châu Á, nơi chi phí chuyển tiền cao hơn khoảng 60% so với ở châu Âu hay Mỹ. Các biện pháp kiểm soát vốn cùng với hệ thống ngân hàng manh mún giúp các ngân hàng có được doanh thu 85 tỷ USD mỗi năm – nhiều hơn 38 tỷ USD so với số tiền mà các ngân hàng ở Bắc Mỹ thu được từ dịch vụ chuyển tiền xuyên biên giới. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến tính cạnh tranh của các doanh nghiệp nhỏ ở châu Á.
Dĩ nhiên là các ngân hàng sẽ không làm gì để thay đổi hiện trạng. Tuy nhiên, sự cạnh tranh đến từ các doanh nghiệp công nghệ tài chính (fintech) được cho là sẽ đem đến nhiều lợi ích cho khách hàng, đặc biệt là ở châu Á.
Với đặc thù có nhiều nền kinh tế dựa vào xuất khẩu, kinh tế châu Á gắn bó chặt chẽ với chuỗi cung ứng toàn cầu. Rất nhiều trong số các doanh nghiệp nhỏ và vừa thực hiện các giao dịch chuyển tiền có tổng giá trị nằm trong khoảng 11 đến 15.000 tỷ USD trên toàn cầu là các doanh nghiệp châu Á. Bên cạnh đó còn là sự bùng nổ trong tiêu dùng trực tuyến. Và cuối cùng là dòng kiều hối dồi dào mà các lao động Ấn Độ, Bangladesh hay Philippines gửi về nhà thông qua Western Union.
Tất cả những điều này khiến việc giúp các khách hàng ở châu Á (kể cả cá nhân và các doanh nghiệp nhỏ) được hưởng mức phí hợp lý hơn trở nên quan trọng. Nhưng mức giá hợp lý và công bằng hơn là bao nhiêu? Bằng 0, hoặc gần như bằng 0, theo Harsh Sinha, giám đốc công nghệ của 1 startup tên là TransferWise.
Hiện nay, mức phí trung bình trên toàn thế giới vào khoảng 25 – 35USD. Khi ngân hàng nhận tiền của khách hàng cần đến 1 ngân hàng đại lý ở nước ngoài để hoàn thành giao dịch, chi phí bị đội lên. Một giao dịch nhỏ tưởng chừng như vô hại như khi bạn mua 1 cốc cà phê ở Bangkok bằng thẻ tín dụng do ngân hàng Hồng Kông phát hành cũng bị thu thêm phí "trừng phạt" vì tạo ra nhu cầu không báo trước lên thanh khoản của hệ thống ngân hàng Thái Lan.
TransferWise, startup mới có tuổi đời 8 năm và hiện được định giá ở mức 3,5 tỷ USD, ra đời khi hai nhà đồng sáng lập người Estonia Taavet Hinrikus và Kristo Kaarman cùng đi tìm lời giải cho một bài toán: nếu một trong hai người có bảng Anh nhưng cần kroon (nội tệ của Estonia) trong khi người kia có nhu cầu ngược lại, họ có thể giúp đỡ lẫn nhau. Tuy nhiên vì trên thực tế hai dòng chảy này không dễ dàng gặp nhau, TransferWise sẽ sử dụng thuật toán để dự đoán nơi nào cần đến thanh khoản và tự tăng thanh khoản lên bằng nguồn vốn của chính mình.
TransferWise cung cấp ngoại tệ với 1 mức tỷ giá trung bình chứ không phải giá mua vào và bán ra như ở các điểm đổi tiền. Và theo startup này tuyên bố thì tỷ giá của họ rẻ hơn 8 lần so với tại các ngân hàng.
TransferWise sẵn sàng tích hợp dịch vụ chuyển tiền của mình vào ứng dụng của các ngân hàng, như đã từng làm với ngân hàng Monzo của Anh và Bunq của Hà Lan. Theo Sinha, giờ là lúc tìm kiếm cơ hội hợp tác ở châu Á. Hồng Kông, Singapore và Đài Loan đã cấp phép cho một số ngân hàng ảo.
Các ngân hàng truyền thống sẽ phải thay đổi để giữ chân các khách hàng sẽ dễ dàng bị lôi kéo bởi những công ty fintech như TransferWise. Tháng trước HSBC bắt đầu cung cấp thẻ ghi nợ 12 đồng tiền cho các khách hàng cao cấp, nhưng đó chưa là gì so với chiếc thẻ có thể sử dụng tới 40 đồng tiền mà TransferWise chuẩn bị ra mắt ở Singapore.
TransferWise hiện đã có lãi và tự tin rằng với khối lượng giao dịch đang tăng trưởng tốt (đạt khoảng 4,9 tỷ USD mỗi tháng), chi phí trên mỗi giao dịch sẽ giảm xuống. Tuy nhiên năm ngoái hãng vẫn thu phí các khách hàng Mỹ sau khi thừa nhận mức phí đưa ra trước đó quá thấp và không thể duy trì lâu dài.
Không riêng gì những công ty fintech như TransferWise, các ngân hàng ở châu Á còn bị đe dọa bởi những ứng dụng thanh toán điện tử như WeChat Pay và Alipay đang được sử dụng quá phổ biến ở Trung Quốc. Khi các giao dịch thanh toán bằng nội tệ ở châu Á trở nên nhanh chóng, rẻ và chẳng còn cần đến tiền mặt, khách hàng sẽ yêu cầu những tính năng tương tự khi họ nhận tiền từ nước ngoài gửi về.
Sau cùng thì những giao dịch thanh toán xuyên biên giới chỉ giống như dữ liệu chảy từ máy tính này sang máy tính khác chứ không phải là chuyển cả một bao tải tiền từ nước này sang nước khác. Vậy thì tại sao chuyện đơn giản như vậy lại tiêu tốn tới 25 USD?