Gang thép Thái Nguyên lý giải mối quan hệ với Trung Dũng và BIDV Hà Thành
Công ty Trung Dũng đang có nợ phát sinh tại TISCO nhưng không thể "xiết nợ" được do Trung Dũng đã cầm cố 32,1 triệu cổ phần cho BIDV.
Ngày 16/1, Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TISCO-TIS) đã có văn bản gửi Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội giải trình về khoản nợ xấu gần 252 tỷ đồng của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Trung Dũng cũng như hơn 32,1 triệu cổ phiếu TIS đã được công ty Trung Dũng cầm cố tại BIDV.
TISCO cho biết, công nợ của Công ty Trung Dũng tại thời điểm 30/9/2018 là gần 252 tỷ đồng. Trong đó, nợ gốc là 147,6 tỷ và nợ lãi phát sinh là 104,3 tỷ đồng.
Nợ phát sinh do Công ty Trung Dũng mua thép xây dựng của TISCO được thanh toán chậm trả có bảo lãnh thanh toán của VietinBank chi nhánh hà Nội. Theo TISCO, đến thời hạn thanh toán mà công ty Trung Dũng không thanh toán trả cho TISCO thì trách nhiệm thanh toán trả TISCO thuộc về Vietinbank. TISCO cũng cho biết đến nay VietinBank vẫn cam kết và xác nhận số nợ trên.
Cũng tại văn bản gửi tới HNX, TISCO lý giải mối quan hệ với Công ty Trung Dũng và Ngân hàng BIDV chi nhánh Hà Thành.
TISCO cho biết, theo hợp đồng cầm cố tài sản hình thành trong tương lai ngày 17/6/2009 ký giữa TISCO, Công ty Trung Dũng và BIDV Hà Thành, Công ty Trung Dũng đã cầm cố số cổ phần TIS với số lượng 32,1 triệu cổ phần cho BIDV. Như vậy, mặc dù Công ty Trung Dũng đang có nợ phát sinh tại TISCO nhưng không thể "xiết nợ" được.
Cuối tháng 12/2016, TISCO từng có văn bản gửi Trung tâm Lưu ký Chứng khoán để điều chỉnh loại chứng khoán của người sở hữu với lý do đã hết thời gian hạn chế chuyển nhượng chứng khoán theo quy định tại Điều lệ công ty về cổ đông chiến lược Công ty Trung Dũng.
TISCO cho biết, qua các văn bản của BIDV Hà Thành gửi cho Công ty Trung Dũng và TISCO thì BIDV đã thông báo về việc tổ chức bán tài sản cầm cố cổ phiếu TIS của Công ty Trung Dũng tại BIDV Hà Thành để thu hồi nợ.
Được biết, Công ty Trung Dũng từng là cổ đông lớn sở hữu 17,45% vốn điều lệ tại TISCO đồng thời cũng là một trong những khách hàng lớn. Đến cuối năm 2016, tỷ lệ sở hữu của Trung Dũng tại đây đã giảm xuống còn 0%.
Trong một diễn biến khác, mới đây, ông Trần Bắc Hà đã bị khởi tố bổ sung thêm tội danh liên quan đến sai phạm trong việc phê duyệt cấp tín dụng cho Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Trung Dũng. Cơ quan cảnh sát điều tra mở rộng vụ án và khởi tố ông Trần Bắc Hà về tội "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng" xảy ra tại BIDV chi nhánh Hà Thành.
Ông Hà bị cáo buộc có sai phạm liên quan việc phê duyệt, cấp tín dụng cho Công ty TNHH Thương mại & Du lịch Trung Dũng. Liên quan đến vụ án, cơ quan điều tra khởi tố bị can, bắt Đoàn Hồng Dũng, Giám đốc Công ty Trung Dũng) về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, theo điều 175 Bộ luật Hình sự 2015.
Thời Đại