Gặp startup "tri kỷ" của ngành bất động sản, Shark Hưng đòi tỷ lệ chi phối nhưng bị CEO gạt phăng: Nếu 51% thì anh lại mất đi sự đam mê của tôi!
CEO Phùng Ngọc Toàn trên Shark Tank Việt Nam mùa 4, tập 5.
Trong cuộc đàm phán với CEO Phùng Ngọc Toàn, Shark Hưng gây bất ngờ khi "chặt chém" startup, đòi chi phối luôn công ty. Tuy nhiên, cả hai bên đã đi đến thoả thuận cuối cùng, 2 tỷ cho 36% kèm điều kiện trả lại cổ phần.
Trợ lý ảo gọi 300 cuộc trong 5 phút
Đến với Shark Tank Việt Nam mùa 4, CEO kiêm co-founder công ty Ánh Dương - Phùng Ngọc Toàn giới thiệu về sản phẩm công nghệ Smart Call Center, đồng thời kêu gọi số vốn 2 tỷ đồng cho 8% cổ phần.
Anh Toàn cho biết phần vốn kêu gọi sẽ được phân bổ như sau: 50% sử dụng cho hoạt động tuyển dụng và mở rộng, 20% cho R&D, 20% cho marketing và 10% cho quỹ dự phòng.
Công nghệ Smart Call Center xuất phát từ việc trong các cuộc gọi tổng đài, nghiệp vụ gọi thông báo thông tin được lặp đi lặp lại mà có thể số hoá được. Theo vị CEO, Trợ lý ảo Smart Call Center có thể giúp tăng công suất nhờ thực hiện được 300 cuộc gọi trong 5 phút, trong khi chi phí cực rẻ - chỉ 2,5 triệu đồng/tháng. Tính riêng trong lĩnh vực bất động sản, tỷ lệ tiếp nhận cuộc gọi thông qua hệ thống đạt khoảng 50%.
Ngoài ra, công nghệ này có khả năng customize (tuỳ chỉnh) rất sâu vào nhu cầu và phong cách làm việc của khách hàng.
Năm 2019, công ty đạt doanh thu 1,6 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận gộp là 724 triệu đồng. Năm 2020, doanh thu giảm còn 924 triệu đồng và lợi nhuận ở mức 220 triệu đồng. Hiện công ty có 30 khách hàng sử dụng thường xuyên, là những cá nhân đang kinh doanh rất thành công ở các công ty bất động sản.
Nhìn nhận về startup này, Shark Liên bày tỏ: "Lĩnh vực này không hề mới, chị đã có rất lâu rồi. Vấn đề tư vấn khách hàng rất quan trọng. Em có cái gì khác biệt so với những dịch vụ trước đây?"
CEO Phùng Ngọc Toàn cho biết tất cả những phần mềm hiện phục vụ cho lợi ích quản trị là chủ yếu, còn Smart Call Center tập trung nâng cao hiệu quả cho một cá nhân và cá nhân hoá.
Shark Bình giải thích thêm: "Trước đây để làm tổng đài thì phải mua máy móc rất đắt tiền, một cá nhân không thể nào làm được. Còn bây giờ các bạn ấy đã ảo hoá thành phần mềm, từ đó mà ai ai cũng có thể có tổng đài mà không phải mua sắm cái gì".
Trả lời thắc mắc của Shark Việt về cơ cấu cổ đông, vị CEO cho biết hiện anh đang nắm giữ 53% cổ phần, một CTO chiếm 40%, phần còn lại dành cho cho nhân viên thân thiết đã đồng hành từ ngày đầu.
Vốn điều lệ công ty là 10 tỷ đồng, tuy nhiên các co-founder thực tế chưa góp đồng nào. Anh Toàn giải thích: "Tôi với CTO có một thoả thuận là năm 2019, dẫu sao có sản phẩm rồi thì tới đâu thì tạm ứng tới đó, góp theo tỷ lệ cố phần đó nhưng mà đáng mừng là trong những tháng đầu tiên đã có lời rồi nên tới giờ vẫn chưa cần thiết phải góp vốn".
Tuy nhiên, công ty vẫn đi gọi vốn vì "cần sự cộng hưởng từ những thứ khác. Đây là lần đầu tiên khởi nghiệp, chắc chắn khi có một người đồng hành đủ đẳng cấp thực sự thì mới đi xa được".
Shark Hưng "chặt chém" và cái kết
Shark Phú - người đặc biệt quan tâm đến bức tranh tài chính công ty, đặt "dấu hỏi" về dung lượng thị trường. Tuy nhiên, vị CEO cho biết, chỉ riêng thị trường bất động sản có 400.000 môi giới, mục tiêu của công ty là 20% khách hàng tốt trong số đó. Ngoài ra, khi sản phẩm hoàn thiện thì sẽ có một tập 500 khách hàng sử dụng thường xuyên/tháng và quan trọng nhất là đến năm 2022, tỷ lệ tái ký của những khách hàng này không được mất đi.
Dù CEO Phùng Ngọc Toàn mô tả khá rõ ràng về mô hình doanh nghiệp, bức tranh tài chính và tính ưu việt của công nghệ nhưng 4/5 "cá mập" vẫn từ chối đầu tư do đã đầu tư vào một doanh nghiệp tương tự hoặc do chưa nhìn thấy điểm nổi trội, lợi thế cạnh tranh của Smart Call Center. Duy nhất chỉ còn Shark Hưng tỏ ra hứng thú và muốn đề nghị đầu tư.
Là một chuyên gia trong ngành bất động sản – thị trường mục tiêu của Smart Call Center, Shark Hưng nhận định: "Đây là giải pháp có thể có tác dụng trong lĩnh vực CRM và phân phối, đó là tính năng cơ bản nhất. Nhưng bạn có cái hơn là nhận diện được giọng nói AI để đưa ra quyết định hành vi tiếp theo nhưng còn khả năng tốt đến đâu thì chưa trả lời được. Với kinh nghiệm của tôi trong ngành bất động sản thì tôi biết rằng để nó thông minh được gần như người thì không đơn giản như bạn nói. Nếu bạn muốn có 500 khách hàng tại cùng thời điểm thì không cần phải đi đâu xa, tôi có thể có ngay lập tức cho bạn hàng chục ngàn khách hàng, với điều kiện là bạn phải đúng trong hệ thống của tôi. Tôi mua "đứa trẻ" được giáo dục rồi hơn là đứa tôi đẻ ra xong lại giáo dục lại từ đầu".
Đồng thời, Shark Hưng bất ngờ "chặt chém" startup khi muốn chiếm tới 51% cổ phần.
"Chắc chắn tôi sẽ không đồng ý. Có thể trong đầu của Shark Hưng nghĩ là để dạy một AI như người là khó nhưng tôi sẽ nói với Shark rằng tôi có thể vượt qua nó, để thực hiện những cuộc gọi trong vòng 2 phút mà không biết người hay máy. Tôi sẽ chia sẻ trong chương trình tối đa là 36%", CEO Phùng Ngọc Toàn thẳng thừng từ chối.
Tuy nhiên, "cá mập" từ CEN Group cũng không chịu nhường bước.
Shark Hưng: Không, tôi cần phải kiểm soát nó và cần phải nhúng hoàn toàn vào để phù hợp với hệ thống của tôi.
CEO Phùng Ngọc Toàn: Nếu 51% thì anh lại mất đi sự đam mê của tôi.
Shark Hưng bày tỏ thách thức: Nếu không thì tôi lại tiếp tục phát triển một cái nền tảng riêng, Tôi với bạn có thể đánh cược xem sau 2 năm nữa ai thông minh hơn ai.
CEO Phùng Ngọc Toàn: 3 tỷ cho 36%?
Shark Hưng "hạ giá": Nếu 36% thì 2 tỷ đồng.
Vị CEO ngẫm nghĩ: Tôi đồng ý nhưng có điều kiện. 2 tỷ đồng cho 36%, nhưng nếu như đạt được con số khách hàng sử dụng thường xuyên mỗi tháng đạt 500 trở lên thì được trả lại 16%.
Shark Hưng lắc đầu: 500 thì không đủ cho deal này.
CEO Phùng Ngọc Toàn giải thích: 500 khách hàng chi phí viễn thônng 1 tháng doanh thu, ít nhất phải 1,2 tỷ đồng doanh thu cho một tháng hoạt động, tức trên 10 tỷ đồng/năm. Chắc chắn 20% cho 2 tỷ vẫn là quá rẻ ở thời điểm này.
Shark Hưng: Bao giờ bạn đạt được 500 khách hàng?
CEO Phùng Ngọc Toàn: Trước Tết 2022.
Những tưởng sẽ hạ phần trăm sở hữu nhưng Shark Hưng lại tiếp tục đẩy cuộc đàm phán thêm căng thằng bằng đề nghị chưa từng có: Nếu không đạt được thì 2 tỷ tôi acquire (thâu tóm) toàn bộ công ty.
Vị CEO phản hứng: Đó là một cái deal quá khó chấp nhận. 2 tỷ cho 20% được không ạ?
Shark Hưng vẫn "rắn": Không, không thay đổi.
CEO gặng hỏi: Shark có thể mang cho tôi thêm giá trị cộng hưởng gì ngoài khách hàng?
Shark Hưng: Tôi sẽ giúp bạn tư vấn kịch bản cho AI, dạy cho nó khôn lên trong thời gian ngắn.
CEO đưa ra đề nghị mới: Tôi đồng ý 2 tỷ cho 36% nhưng với điều kiện trả lại cổ phần. Shark nên đưa cho tôi một offer để tôi có lại một phần cổ phần ở một mức KPI hợp lý.
Đến đây, Shark Hưng bỗng nhanh chóng đổi hướng, đồng ý sẽ bàn thêm về điều kiện này trong giai đoạn Due diligence (thẩm định). Đến đây, CEO Phùng Ngọc Toàn cũng "xuôi lòng", chấp nhận đề xuất trên và quyết định về với đội của Phó Chủ tịch CEN Group.
Shark Việt đánh bại Shark Hưng, chốt thương vụ đầu tiên vào startup bút ngọc trai sau 3 tập ra về tay trắng.
Doanh nghiệp tiếp thị