Gara ôtô lo sẽ đóng cửa vì đề xuất của Bộ Công thương
Bộ Công thương chính thức đề nghị Thủ tướng bỏ thông tư 20/2011 từng khiến doanh nghiệp phản ứng nhưng lại thay bằng đề nghị khiến hàng ngàn cơ sở sửa chữa ôtô có khả năng đóng cửa…
- 20-08-2016Thông tư 20: Điều kiện kinh doanh hay thủ tục hành chính?
- 18-08-2016Lên tiếng về Thông tư 20, Bộ Công Thương ví nhập khẩu ô tô như... nhập hoa quả
- 17-08-2016Nhập ôtô: Khó xử với Thông tư 20
Trong văn bản gửi Thủ tướng, Bộ Công thương công nhận rằng thông tư 20/2011 (quy định doanh nghiệp phải bổ sung thêm hai loại giấy tờ mới được thông quan ôtô vào VN) là chưa hoàn thiện, đề xuất sẽ bỏ thông tư này.
Tuy nhiên, muốn bỏ thông tư 20, Bộ Công thương lại kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì ban hành quy định buộc tất cả các loại phương tiện đường bộ phải bảo đảm được bảo hành, bảo dưỡng hoặc sửa chữa theo đúng thông lệ quốc tế và đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn của VN.
Như đã thông tin, thông tư 20/2011 của Bộ Công thương bổ sung thêm hai loại giấy tờ doanh nghiệp phải đáp ứng là giấy chỉ định hoặc giấy ủy quyền là doanh nghiệp nhập khẩu, phân phối chính hãng, giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ôtô đủ điều kiện khiến các doanh nghiệp bức xúc.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Thiên Phúc An - đơn vị chuyên kinh doanh ôtô tỏ ra đặc biệt lo ngại trước đề xuất này.
Trong văn bản gửi Thủ tướng, Bộ Công thương cho rằng “tất cả các loại phương tiện, nếu không được chính hãng sản xuất, hoặc người được chính hãng sản xuất ủy quyền, đứng ra chịu trách nhiệm bảo hành, bảo dưỡng đều không được phép đăng ký lưu hành tại VN".
Điều này, theo ông Dũng, hoàn toàn có thể hiểu Bộ Công thương muốn tất cả xe ôtô đều phải được bảo đảm được bảo dưỡng, bảo hành, sửa chữa tại cửa hàng của chính hãng sản xuất kinh doanh hoặc cơ sở được cấp phép.
“Có nghĩa hàng ngàn cửa hàng sửa chữa ôtô, gara ôtô tư nhân hiện nay sẽ có nguy cơ đóng cửa” - ông Dũng đặt câu hỏi.
Với xe máy cũng sẽ phải theo quy định như thế? Nếu người dân chỉ hỏng có một chút cũng phải vào cửa hàng chính hãng, rồi các cửa hàng sửa nhỏ lẻ sẽ phải đi xin ủy quyền, xin cấp phép, trong khi chi phí của cửa hàng chính hãng đắt, lại không thuận tiện là điều vô lý", ông Dũng nói.
Trả lời chúng tôi về quy định trên, một lãnh đạo có thẩm quyền ở Bộ Công thương cho rằng Bộ Công thương kiến nghị chung, còn quy định cụ thể như thế nào nếu Thủ tướng đồng ý sẽ là Bộ Giao thông Vận tải quy định chi tiết bởi họ có chuyên môn.
Vị quan chức này công nhận với cách diễn giải trên có thể có một số người hiểu là sẽ phải đảm bảo xe phải có chỗ sửa chính hãng.
Tuy nhiên, tinh thần chung là Bộ Công thương đề nghị Thủ tướng bỏ điểm 1 của thông tư 20/2011 gây bức xúc là quy định phải có có giấy ủy quyền chính hãng mới được nhập khẩu ôtô mới.
Thay vào đó, sẽ phải tăng cường điểm thứ hai mà chính thông tư 20/2011 đã quy định, đó là cần có “Giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ôtô đủ điều kiện”…
Do chất lượng ôtô ảnh hưởng đến an toàn của người dân tham gia giao thông nên quan chức Bộ Công thương cho rằng quy định trên nhằm đảm bảo các loại xe khi nhập về, hay các loại xe được sản xuất, lưu hành ở VN đều phải có cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa.
Một số dòng xe mới, hay như xe lambogini nếu chưa có cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa tại VN thì sẽ không được nhập…
Tuổi trẻ