Warren Buffett chia sẻ lý do khiến ông mỗi sáng thức dậy bước chân ra khỏi giường mà vẫn vui vẻ dù đã 88 tuổi
Người đàn ông giàu thứ 3 thế giới cho biết mình tiếp tục "chèo lái" Berkshire bởi ông muốn tiếp tục làm những điều mình yêu thích, kể từ lần đầu tiên mua cổ phiếu năm 11 tuổi.
- 28-03-20197 sai lầm tai hại về quản lý tài chính cá nhân mà ai cũng mắc phải, nhưng Warren Buffett và Bill Gates thì tuyệt đối tránh xa
- 16-03-2019Muốn là nhà đầu tư thành công, bạn nhất định phải tự trả lời câu hỏi này như Warren Buffett!
- 10-03-2019Những bức thư gửi tới cổ đông trong vòng 4 thập kỷ tiết lộ gì về triết lý đầu tư của Warren Buffett?
Ở thị trường chứng khoán, biên lợi nhuận dù chỉ là một con số nhỏ cũng tạo ra sự khác biệt giữa thành công và thất bại. 10% đã là cả một sự khác biệt trong thành tích, còn 100% thì thực sự có khoảng cách lớn bằng cả một đại dương. Trong 54 năm qua, cổ phiếu của Berkshire Hathaway đã vượt qua S&P 500, cao hơn tới 2,5 triệu điểm phần trăm.
Tuy nhiên điều đáng chú ý là, trong thập kỷ vừa qua, công ty của Warren Buffett đã thụt lùi về phía sau. 1 USD đầu tư vào Berkshire 10 năm trước hiện có giá trị khoảng 2,40 USD, trong khi S&P 500 là 3,20 USD. Điều bất ngờ hơn nữa đó là những gì Buffett nói về vấn đề này trong một cuộc phỏng vấn hiếm hoi với Financial Times.
"Nếu bạn đang tìm kiếm một thương vụ đầu tư an toàn, hãy nghĩ đến Berkshire"
Khi được hỏi đâu là khoản đầu tư hợp lý đối với tài khoản của người còn trẻ, 1 cổ phiếu của Berkshire hay S&P 500? Không chần chừ, ông trả lời: "Tôi nghĩ rằng lợi nhuận sẽ là tương đương nhau." Câu trả lời được đưa ra mà ông không cần phải tính toán.
Người đàn ông giàu thứ 3 thế giới, với khối tài sản ước tính trị giá 86 tỷ USD, cho biết mình tiếp tục "chèo lái" Berkshire bởi ông muốn tiếp tục làm những điều mình yêu thích, kể từ lần đầu tiên mua cổ phiếu năm 11 tuổi - đó là một công ty dầu mỏ tại Oklahoma. Ông chia sẻ: "Tôi chẳng thể mua thời gian, cũng không thể mua tình yêu, nhưng tôi có thể làm bất cứ điều gì bằng tiền, nhiều tiền. Và tại sao tôi thức dậy mỗi sáng, bước chân ra khỏi giường mà vẫn vui vẻ dù đã 88 tuổi? Bởi tôi yêu những gì mình làm, yêu thương những người sát cánh với mình. Tôi có 25 người bạn, chúng tôi chơi bóng chày cùng nhau. Họ cố gắng và giúp cuộc sống của tôi tươi đẹp hơn. Và tôi cũng vậy."
Tính cách của Buffett được thể hiện qua chính văn phòng của ông ở Berkshire, nằm trong một toà nhà không hề hào nhoáng tại Omaha. Khu văn phòng với trần nhà ốp lửng, hành lang hẹp, tấm thảm quen thuộc giống như khu hành chính của một trường đại học, chứ không phải là một đế chế 700 tỷ USD. Vị chủ tịch cũng ăn vận rất giản dị, ông có một câu nói nổi tiếng về những bộ trang phục của mình: "Tôi có mua những bộ suit đắt tiền chứ, nhưng chỉ là chúng trông rẻ tiền khi tôi mặc thôi."
Sự quyết đoán của ông là một phần quan trọng của cả Berkshire. Công ty này hoạt động ở cả những lĩnh vực bất ổn về cả tài chính lẫn chính trị như năng lượng và tài chính. Hơn nữa, là một người đàn ông yêu thích chủ nghĩa tư bản cũng giúp các nhà đầu tư, chính trị gia và các cơ quan quản lý giữ vững niềm tin với công ty.
Một yếu tố chủ chốt mà ông chia sẻ là thận trọng với những kỳ vọng. Sau một năm 1999 đầy tai ương, khi ấy cổ phiếu của Berkshire lao dốc trong thời kỳ bùng nổ công nghệ, Buffett không dự đoán rằng tâm lý thị trường sẽ được vực dậy nhanh chóng. Thay vào đó, ông kỳ dự đoán rằng giá trị của Berkshire chỉ tăng lên "một cách khiêm tốn", vượt S&P 500 trong thập kỷ tới. Ông viết trong một bức thư gửi cổ đông: "Dĩ nhiên chúng ta không thể đảm bảo điều này sẽ xảy ra, nhưng chúng ta sẵn sàng ủng hộ cho niềm tin của mình bằng tiền."
Không hứa hẹn quá nhiều là một điều được ông hay nhắc đến. Nhà hiền triết xứ Omaha nói: "Một điều có thể huỷ hoại cuộc sống của tôi đó là mọi người kỳ vọng nhiều hơn thành quả thực sự của tôi. Hiện tại, tôi có thể làm điều đó bằng cách không đạt mong đợi về nhiều thành quả, hoặc tôi có thể làm điều đó khi cứ theo đuổi những kỳ vọng với họ, nhưng nó sẽ khiến cuộc sống của tôi trở nên khó khăn."
Sau đó, thành quả của ông thậm chí còn rực rỡ hơn. 10 năm sau 1999, cổ phiếu của Berkshire tăng gần 80%, trong khi S&P 500 lại sụt giảm. Mọi thứ hiện tại cũng không còn như xưa. Buffett chưa từng chứng kiến những thương vụ đầu tư kém hiệu quả kéo dài trong khoản thời gian. Và cũng chưa bao giờ cạnh tranh cho những loại tài sản ông ưa thích.
Khi được hỏi rằng kỳ vọng của ông về đà tăng "khiêm tốn" so với thị trường có thay đổi trong 20 năm qua hay không, ông chỉ thay đổi đúng 1 từ duy nhất: "cực kỳ khiêm tốn". Ông nói: "Tôi nghĩ thế này, nếu bạn muốn đầu tư vào một thứ gì đó có thể chỉ mang đến một kỳ vọng nhỏ nhoi về đà tăng mạnh hơn S&P 500, thì có thể chúng tôi là lựa chọn an toàn nhất."
"Liệu Warren Buffett không còn 'thiên tài' như trước?"
Đây là một câu hỏi được giới truyền thông thường xuyên đưa ra, đặc biệt là khi danh mục đầu tư của Berkshire gặp phải những điều không mong muốn, ví dụ như diễn biến của cổ phiếu Kraft Heinz gần đây, hoặc IBM vài năm trước.
Đã có một khoảng thời gian, vào những năm 1950 và 1960, khi Berkshire là một "cỗ máy" nắm giữ những cổ phiếu và công ty bị định giá thấp, khi ấy xuất hiện sự so sánh khá hài hước rằng, Buffett mua những tờ USD với giá 50 xu, hoặc "đầu tư kiểu cigar butt" (những điếu xì gà hút dở).
Tuy nhiên, bây giờ Berkshire đã áp dụng chiến lược đầu tư khác. Thứ nhất là, mua toàn bộ công ty khi nó đang có mức giá hợp lý, đôi khi sử dụng đòn bẩy với mức nợ rất thấp. Thứ hai, cẩn trọng sử dụng tiền mặt của công ty, rút cổ phần từ những công ty phát triển chậm chạp và đầu tư vào những công ty tiềm năng - tất cả đều nằm trong tầm tay của Berkshire nên thương vụ đó sẽ không tính thuế. Thứ ba, đó là sử dụng khoản vốn dư thừa vào thị trường chứng khoán, đầu tư các cổ phiếu bluechip. Cuối cùng là nắm giữ trái phiếu và tiền mặt còn lại, đây là "chiếc hòm chiến tranh" sử dụng khi một thương vụ tiềm năng khác xuất hiện.
Vậy đâu là ý tưởng "bạo" nhất khi mua cổ phiếu? Đó là Apple, cổ phiếu có vốn hoá lớn nhất ông nắm giữ. Buffett nói: "Những gì chúng ta thấy về thị trường chứng khoán là nó có thể bán ra, ai cũng biết điều này." Nhưng phần khó khăn của việc mua cổ phiếu của một công ty tư nhân không phải là lựa chọn một công ty lớn mạnh, mà là chờ đợi khi cổ phiếu của công ty đó mức giá hợp lý.
Bởi vậy, tư duy đầu tư thiên tài của Buffett không hề biến mất.
Để rút ngắn danh sách đầu tư, ông loại trừ những công ty cần hỗ trợ về tài chính, có những "ông chủ" phải bán vì lý do cá nhân. Từ đó, Berkshire có cơ hội mua toàn bộ các công ty niêm yết lớn, nhưng mọi thứ ngày càng trở nên khó khăn hơn do những thương vụ đầu tư vốn tư nhân (PE) tăng lên, đưa những công ty đang có lượng vay quá mức (overfunded) và đang "ôm" nợ bước vào lĩnh vực này. Buffett cho rằng, các công ty PE tiếp nhận khoảng 1,2 tỷ USD từ các nhà đầu tư có thể sẽ nhân đôi con số đó khi sử dụng nợ.
Đối mặt với những trở ngại trên, một vài năm trước, Buffett đã tìm đến Jorge Paulo Lemann, một nhà sáng lập nhóm PE có tên 3G. Berkshire và 3G đã cùng nhau mua cổ phiếu của Heinz vào năm 2013 và sáp nhập nhà sản xuất tương cà với Kraft 2 năm trước. Thương vụ đầu tư này đã thu về khoản lợi nhuận tuyệt vời trong vài năm, bởi Buffett đã làm những điều khác biệt so với cách tiếp cận thông thường. Ông đi vay rất nhiều và sa thải hàng ngàn nhân viên.
Nhưng khi 3G cắt giảm các loại chi phí để thúc đẩy lợi nhuận và tập trung vào cuộc đấu giá 143 tỷ USD với công ty đối thủ Unilever, thì các bên đối tác lại không lường trước được những thay đổi của thị trường. Khách hàng không còn hứng thú với những loại thực phẩm đóng gói sẵn như Kraft và chuyển sang các lựa chọn lành mạnh hơn và các thương hiệu thủ công. Các nhà bán lẻ bỗng nhiên chiếm ưu thế hơn Kraft Heinz, từ đó giá thành sản phẩm và khối lượng mua hàng cũng giảm. Berkshire đã "mất trắng" 3 tỷ USD.
Mỗi ngày làm việc, Berkshire thu về 100 triệu USD bao gồm tiền mặt từ các công ty con, cổ tức từ cổ phiếu của công ty, lãi từ trái phiếu. Với 700 tỷ USD tài sản, 112 tỷ USD trong đó là tiền mặt và các khoản đầu tư tương tự tiền mặt, chỉ có những thương vụ lớn mới có thể mang về lợi nhuận cho Berkshire.
Những khó khăn mà Kraft Heinz gặp phải khiến nhiều giám đốc cấp cao của 3G đặt lợi nhuận ngắn hạn lên trước sự vững mạnh lâu dài của công ty. Vậy Buffett có chỉ trích hành động này của họ không? Ông nói: "Hãy nói là chúng tôi, không phải là họ. Tôi không phải là một giám đốc điều hành, nhưng tôi là đối tác của họ." Sau khi chắc chắn rằng không tách mình ra khỏi 3G, ông cho rằng vấn đề ở đây không phải là đầu tư dưới mức, mà là đã đánh giá quá cao sức mạnh thương hiệu của Kraft Heinz và tầm ảnh hưởng của công ty này đối với các nhà bán lẻ.