GAVI hướng tới nông nghiệp bền vững
Công ty cổ phần GAVI cùng Viện Khoa học Nghiên cứu Ứng dụng Nông nghiệp và Công nghệ ASEAN (Viện ASEAN) đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác chiến lược trong lĩnh vực nông nghiệp ngày 10/10/2022 tại An Giang. Sự kiện này là một bước ngoặt trong tư duy chiến lược của GAVI hướng đến nông nghiệp bền vững.
Ngay sau lễ ký kết, tọa đàm"Mô hình kinh tế tuần hoàn trong ngành lúa gạo và vai trò của định hướng canh tác hữu cơ" cũng đã gợi mở nhiều giải pháp liên quan đến nông nghiệp bền vững.
Thế lưỡng nan của nông nghiệp
Tại COP 26 diễn ra vào tháng 12/2021, Việt Nam đặt mục tiêu phấn đấu đưa mức phát thải ròng về zero đến năm 2050. Trong một diễn biến liên quan, tại Hội nghị Thượng đỉnh của Liên Hiệp Quốc về hệ thống lương thực - thực phẩm, Việt Nam đặt mục tiêu trở thành quốc gia sản xuất và cung cấp thực phẩm minh bạch - trách nhiệm - bền vững, đáp ứng yêu cầu an ninh lương thực và dinh dưỡng của khoảng 100 triệu dân và xuất khẩu.
GAVI cùng Viện ASEAN cùng hướng đến nông nghiệp bền vững
Việt Nam là một trong năm quốc gia chịu tác động mạnh nhất từ biến đổi khí hậu. Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực chịu tổn thương nặng nhất của Việt Nam. "Vựa" nông sản quốc gia này hiện đóng góp khoảng 50% trong 3,5 triệu ha đất lúa đến năm 2030 theo Nghị quyết của Quốc hội. Nông nghiệp chịu tác động từ biến đổi khí hậu nhưng ngành này đồng thời cũng là nguồn phát thải khí nhà kính, gồm khí CO2, CH4 và NO2, tập trung ở lĩnh vực trồng lúa nước, chăn nuôi, quản lý đất, sử dụng phân bón, quản lý đất phát thải…
Ông Trần Văn Mây (trái) - Người sáng lập Cty CP Gavi trao đổi với các nhà khoa học
Ràng buộc chính sách khiến ngành nông nghiệp chưa thể thu hẹp diện tích đất lúa. Giải pháp khuyến nghị canh tác "xanh", giảm thiểu những đầu vào có khả năng phát thải khí nhà kính như phân bón hóa học.
Khi phế phẩm là phụ phẩm
Vỏ trấu là một loại phế phẩm từ quá trình sản xuất lúa gạo. Nhưng với GAVI, thứ "đồ bỏ" này sẽ trở thành đầu vào của Nano Biochar, sản xuất than không khói CO2,. Vừa thay thế những tài nguyên hóa thạch đang dần cạn kiệt vừa loại bỏ rủi ro phát thải từ quá trình chuyển hóa nhiên liệu thành năng lượng, chất đốt này rộng cửa vào thị trường những quốc gia thuộc nhóm OECD. Bên cạnh đó, hiện nay, công nghệ sản xuất Nano Silica từ trấu cho ra sản phẩm có nguồn gốc sinh học, giúp các doanh nghiệp sản xuất sử dụng Nano Silica từ trấu giảm phát thải nhà kính.
Các nhà khoa học và doanh nghiệp tham gia tọa đàm "Mô hình kinh tế tuần hoàn trong ngành lúa gạo và vai trò của định hướng canh tác hữu cơ".
Câu hỏi bật ra là liệu đã tới thời của phế phụ phẩm nông nghiệp và phân bón hữu cơ vi sinh? Bà Lê Hoàng Đài Trang, Chủ tịch HĐQT GAVI, cho biết: "Phân hữu cơ vi sinh chính là chìa khóa cho canh tác nông nghiệp định hướng hữu cơ. Phế phụ phẩm của ngành nông nghiệp kết hợp cùng vi sinh cho ra phân bón hữu cơ vi sinh. Phân bón hữu cơ vi sinh không chỉ cho ra nông sản sạch, mà còn góp phần cải tạo đất, giảm phát thải nhà kính.". Được biết, công suất thiết kế nhà máy GAVI lên tới 500.000 tấn gạo/năm, phế phụ phẩm hơn 100.000 tấn trấu/năm.
Nhà máy gạo GAVI có công suất 500.000 tấn gạo/năm.
Trung Quốc - đầu ra của khoảng 60% nông sản Việt Nam - đã bớt "dễ tính" kể từ ngày đầu tiên của năm mới 2022 khi hàng rào kỹ thuật có hiệu lực, áp đặt những tiêu chuẩn cao hơn về chất lượng nông sản. Thị trường lớn nhất thế giới ngày càng siết chặt những quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm là xu hướng tất yếu. Chuyển đổi theo đòi hỏi của thị trường là vấn đề sống còn của nhà nông.
Ông Trần Văn Mây, người sáng lập GAVI, đi trước biến động chính sách từ thị trường Trung Quốc… 4 năm bằng việc thành lập nhà máy sản xuất phân hữu cơ vi sinh tại Long An. Khởi đầu gian nan không bào mòn tâm huyết của "lão nông tri điền". "Tôi có niềm tin rằng phân hữu cơ là chìa khóa mở cánh cửa nông nghiệp sạch, bền vững cho cây lúa, trái cây, rau củ. Canh tác hữu cơ loại bỏ tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, trước là vì mâm cơm mình ăn hằng ngày. Còn dư thì mình xuất khẩu", ông nói.
Tổ Quốc