GDP có thêm 162 tỉ USD nếu Việt Nam chuyển đổi số thành công
Một nghiên cứu mới đây chỉ ra rằng, GDP Việt Nam có thể tăng thêm khoảng 162 tỉ USD trong 20 năm nếu Việt Nam chuyển đổi số thành công.
- 25-04-2019GDP bình quân đầu người ở Việt Nam đạt 2.590 USD
- 24-04-2019WB dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam 2019 thấp hơn 2 năm trước
- 21-04-20192020 du lịch sẽ đóng góp 10 – 11% GDP Quảng Ninh
Theo định nghĩa trên Wikipedia, "Chuyển đổi số" không chỉ là công nghệ kỹ thuật số, mà là bước chuyển đổi mà công nghệ số giúp cho mọi người giải quyết những vấn đề truyền thống; khi đó mọi người thường ưu tiên giải pháp số thay vì giải pháp truyền thống.
Ở cấp độ chuyển đổi này thì ứng dụng số sẽ mở ra những dạng thức đổi mới và sáng tạo trong cả một lĩnh vực thay vì chỉ nâng cấp và hỗ trợ những phương pháp truyền thống. Theo nghĩa hẹp, chuyển đổi số có thể hình dung bằng khái niệm “văn phòng không giấy tờ”.
Mặt khác, "Chuyển đổi số" cũng có thể được định nghĩa là tác động xã hội toàn diện và tổng thể của quá trình số hóa. Bước chuyển công nghệ kỹ thuật số, quá trình số hóa và tác động chuyển đổi số có khả năng tăng tốc và dẫn lối cho quá trình chuyển đổi xã hội toàn cầu.
Kinh tế số và cơ hội của Việt Nam
Phát biểu tại phiên Kinh tế số trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2019, ông Vũ Đại Thắng - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư đánh giá, kinh tế số đang diễn ra nhanh chóng và có tác động to lớn, sâu rộng tới mọi mặt đời sống kinh tế – xã hội của tất cả các quốc gia; thúc đẩy quá trình chuyển đổi toàn diện trên tất cả các mặt của cuộc sống xã hội, từ tổ chức sản xuất, cung ứng dịch vụ, phương thức kinh doanh, đến cách thức tiêu dùng, cách thức giao tiếp.
Ông Thắng dẫn nghiên cứu của Google và Temasek (Singapore) cho biết, kinh tế số của Việt Nam đạt 3 tỉ USD năm 2015, tăng lên 9 tỉ USD năm 2018 và dự báo đạt 30 tỉ USD vào năm 2025.
Sơ đồ các lớp để hình dung về chuyển đổi số. Nguồn: Wikipedia.
Trong khi đó, một nghiên cứu khác của Tổ chức Data 61 (Australia), GDP Việt Nam có thể tăng thêm khoảng 162 tỉ USD trong 20 năm nếu Việt Nam chuyển đổi số thành công.
Trong sự biến chuyển này, Thứ trưởng Thắng nhấn mạnh, doanh nghiệp là trung tâm trong phát triển kinh tế số. Ông bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp chủ động tìm ra giải pháp ứng dụng công nghệ số, thực hiện chuyển đổi số và tham gia xây dựng các yếu tố nền tảng cho kinh tế số.
Về phía Chính phủ, chủ động nghiên cứu và xây dựng các chính sách để Việt Nam có thể nhanh chóng khai thác các lợi ích tiềm năng này. Bộ Kế hoạch & Đầu tư đang thực hiện nhiệm vụ xây dựng chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó có các chính sách phát triển kinh tế số.
"Các chính sách này sẽ hướng tới xây dựng các yếu tố nền tảng cần thiết, để doanh nghiệp có thể thực hiện chuyển đổi số thành công, nâng cao năng suất, góp phần chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng tăng trưởng nhanh hơn và bền vững hơn", Thứ trưởng Vũ Đại Thắng phát biểu.
Thí điểm công nghệ 5G tại Việt Nam
Pháp biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Thành Hưng, Thứ trưởng Thông tin & Truyền thông cho biết, Bộ đang triển khai một số nhiệm vụ để tham mưu, trình Chính phủ, tạo điều kiện nền tảng cho sự phát triển kinh tế số tại Việt Nam.
Để thúc đẩy sự phát triển kinh tế số tại Việt Nam, cơ quan chủ quan Thông tin & Truyền thông cho biết đang xây dựng Đề án quốc gia về Chuyển đổi số, trong đó đề xuất các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để chuyển đổi số nền kinh tế, xã hội, chuyển đổi số cơ quan nhà nước và một số ngành trọng điểm.
Trong lĩnh vực viễn thông, Bộ TTTT xây dựng chiến lược mới để nâng cao tính cạnh tranh, hướng dẫn các doanh nghiệp viễn thông sớm triển khai thử nghiệm công nghệ 5G. Hỗ trợ các doanh nghiệp viễn thông xây dựng, hoàn thiện hồ sơ xin cấp phép dịch vụ Mobile Money.
Bộ cũng xây dựng các Nghị định để thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin, trong đó có Nghị định về định danh và xác thực điện tử, Nghị định về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số. Cơ quan chủ quan cũng đang phối hợp với Diễn đàn Kinh tế thế giới để thiết lập Trung tâm Cách mạng công nghiệp 4.0 để thử nghiệm các chính sách mới.
Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng cũng cho biết đang chú trọng vào những giải pháp đảm bảo an toàn, an ninh không gian mạng, tăng cường các giải pháp để chống mã độc, giảm các cuộc tấn công mạng từ nước ngoài vào Việt Nam.
Lao động