Giá cá tra ổn định trước khi DOC áp thuế
Trên địa bàn tỉnh An Giang tuần tính đến ngày 15/3/2018 giá cá tra ổn định ở mức 27.000-29.000 đ/kg.
- 21-03-2018Xuất khẩu cá tra: Vừa mừng vừa lo!
- 17-03-2018Người nuôi lãi to, cá tra giống lại thiếu
- 16-03-2018Lý do giúp cá tra tăng giá kỷ lục từ trước đến nay
Theo Cục Xuất nhập khẩu tuần đến ngày 15/3/2018, giá cá tra nguyên liệu tại An Giang ổn định so với tuần trước đó. Giá cá tra mua tại hầm, quầng trên địa bàn tỉnh An Giang tuần tính đến ngày 15/3/2018 ổn định ở mức 27.000-29.000 đ/kg, tăng từ 4.200 – 5.000 đ/kg so với cùng kỳ năm trước; giá một số chủng loại tôm nguyên liệu tại Cà Mau tiếp tục ổn định.
Theo Tổng cục Hải quan, 15 ngày đầu tháng 3/2018, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng thủy sản đạt 301,9 triệu USD, tăng 131,1% so với kỳ 15 ngày cuối tháng 2/2018, tăng 13,3% so với 15 ngày đầu tháng 3/2017. Lũy kế đến ngày 15/3/2018, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 1,37 tỷ USD, tăng 16,8% so với cùng kỳ năm trước.
Cùng với xuất khẩu thủy sản tăng trưởng khả quan, nhập khẩu thủy sản nguyên liệu cũng tăng mạnh. Theo đó, 15 ngày đầu tháng 3/2018, kim ngạch nhập khẩu thủy sản nguyên liệu đạt 75,5 triệu USD, tăng 42,4% so với 15 ngày đầu tháng 3/2017. Lũy kế đến ngày 15/3/2018, kim ngạch nhập khẩu thủy sản đạt 347,5 triệu USD, tăng 35,8% so với cùng kỳ năm trước.
Ngày 15/3/2018, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã ban hành kết luận cuối cùng trong vụ việc rà soát hành chính lần thứ 13 (POR 13) biện pháp chống bán phá giá cá tra-basa của Việt Nam (giai đoạn rà soát từ ngày 01/8/2015 đến ngày 31/7/2016).
Căn cứ kết luận này, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra-basa của Việt Nam sẽ bị áp dụng mức thuế chống bán phá giá từ 2,39 USD/kg - 7,74 USD/kg cho giai đoạn rà soát nói trên. Đây là các mức thuế rất cao và sẽ có tác động lớn tới xuất khẩu cá tra và cá basa của Việt Nam sang Hoa Kỳ.
Bộ Công Thương đã và đang phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam để trao đổi thông tin và nêu ý kiến với các cơ quan chức năng của Hoa Kỳ. Trong suốt quá trình rà soát, các doanh nghiệp Việt Nam đã nỗ lực phối hợp, cung cấp thông tin cho DOC, nhưng rất tiếc DOC vẫn quyết định sử dụng dữ liệu bất lợi sẵn có (AFA) để xác định mức thuế cuối cùng. Đồng thời, DOC cũng thay đổi thông lệ điều tra của mình khi áp mức thuế rất cao tính theo AFA cho nhiều doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.
Bộ Công Thương cho rằng mức thuế mà Hoa Kỳ đưa ra là không khách quan, mang tính bảo hộ quá mức. Bộ Công Thương đề nghị phía Hoa Kỳ xem xét, điều chỉnh lại cách xác định mức thuế đối với các công ty liên quan của Việt Nam trên nguyên tắc khách quan, tuân thủ quy định của WTO, công bằng cho tất cả các bên liên quan.
Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, VASEP và các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra và cá basa của Việt Nam, thảo luận tất cả các phương án xử lý để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Trên thị trường thế giới, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) vừa nâng thuế chống bán phá giá đối với tôm Ấn Độ từ 0,84% lên 2,34% theo kết quả sơ bộ đợt rà soát hành chính năm 2016 – 2017 của cơ quan này. Theo đợt rà soát hành chính này, các nhà xuất khẩu tôm Ấn Độ đã bán các mặt hàng tôm sang Hoa Kỳ với mức giá dưới giá thông thường trong năm rà soát và là đối tượng của thuế chống bán phá giá. Tuy nhiên, quyết định này sẽ không tác động đến xuất khẩu tôm của Ấn Độ trừ khi có kết quả cuối cùng của đợt rà soát, dự kiến trong 120 ngày sau báo cáo sơ bộ, được chấp thuận bởi DOC.
Chính phủ Hoa Kỳ áp thuế chống bán phá giá lên tôm nước ấm đông lạnh của Ấn Độ từ năm 2004 và cho rằng tôm Ấn Độ gây thiệt hại cho nông dân sản xuất tôm tại Mỹ. Tác động của thuế chống bán phá giá từ năm 2004 là rất lớn đối với xuất khẩu tôm của Ấn Độ. Số công ty xuất khẩu tôm của Ấn Độ sang thị trường Mỹ giảm từ 228 xuống còn 75 vào thời điểm áp thuế chống bán phá giá. Hiện mức thuế áp cho tôm nhập khẩu từ Ấn Độ là 0,84%. Trong vài năm qua, xuất khẩu tôm Ấn Độ tăng trở lại nhờ sản xuất tôm thẻ, vốn rẻ hơn so với tôm sú truyền thống.
Sản xuất tôm tại Thái Lan, Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam sẽ vào vụ thu hoạch cao điểm từ tháng 4/2018 trở đi, do đó các chuyên gia dự báo thị trường tôm sẽ ổn định hoặc giảm giá trong 6 tháng tới. Sản lượng tôm tại các nước sản xuất lớn có triển vọng tích cực và hiện chưa có bất cứ đợt bùng phát dịch bệnh mạnh nào diễn ra.
Nhịp sống kinh tế