MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá cá tra tăng cao, nhưng người nuôi có thể đối mặt với rủi ro lớn

19-03-2022 - 07:44 AM | Thị trường

Giá cá tra tăng cao, nhưng người nuôi có thể đối mặt với rủi ro lớn

Từ đầu năm đến nay, giá cá tra nguyên liệu liên tục tăng và hiện đang ở mức cao, khoảng 30.000 đồng/kg. Với mức giá này, người nuôi lãi khoảng 5.000 đồng/kg.

Giá cá tăng cao khiến người nuôi phấn khởi, ồ ạt thả nuôi. Thế nhưng điều này cũng đồng nghĩa với việc người dân phải đối mặt rủi ro lớn.

Theo nhiều người nuôi cá tra , mặc dù hiện nay giá cá tra nguyên liệu đang ở mức cao, nhưng người dân cũng không còn cá để bán. Ông Cao Lương Tri, nông dân nuôi cá tra ở xã Mỹ Hòa Hưng, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang cho biết, sở dĩ giá cá tra hiện nay tăng mạnh là do đã hết chu kỳ giá cá ở mức thấp; chu kỳ 3 năm này cũng lại đúng vào thời điểm bị ảnh hưởng dịch Covid-19, người nuôi cá tra bị lỗ nặng, nhiều người dân nuôi cá tra phải treo ao, dẫn đến nguồn cung thiếu.

Còn ông Nguyễn Văn Tấn, người nuôi cá ở xã Vĩnh Thạnh Trung, huyện Châu Phú, thì cho biết, thời gian qua, người nông dân nuôi cá tra gặp rất nhiều khó khăn như: khó tiếp cận nguồn vốn, giá thức ăn cho cá tăng cao, giá thu mua cá tra giảm sâu và kéo dài… Từ đó, nhiều người đã không nuôi vì không dám đương đầu với rủi ro, còn một số người có nuôi nhưng cũng giảm bớt diện tích. Mặc dù hiện nay giá cá tra nguyên liệu tăng cao, nhưng người dân không còn cá bán; hầu như đã bán trước hết từ trước tết.

“Hai năm do ảnh hưởng Covid-19, nên xuất khẩu gặp khó khăn, không người nào chịu nổi. Hiện nay, đa số nông dân không còn cá để bán, người ta đã bán hết rồi. Giá cá lên cao, hưởng lợi hiện nay doanh nghiệp là nhiều, còn thực chất người nông dân không còn được hưởng bao nhiêu cả. Khả năng sắp tới, người nông dân còn gặp khó khăn khi thấy giá cá lên, nhiều người sẽ nuôi lại, họ sẽ tìm nguồn vay, chấp nhận hơi cao; chấp nhận mua con giống đắt, thức ăn tăng giá… rủi ro nữa là giá cá thời gian tới còn giữ được hay không”, ông Nguyễn Văn Tấn nói.

Theo Hiệp hội cá tra Việt Nam, 2 năm qua đúng vào chu kỳ giá cá tra sụt giảm mạnh. Tuy nhiên những tháng đầu năm 2022, giá cá tra tăng mạnh, nhưng người dân lại không có cá để bán cho doanh nghiệp. Giá cá tra thương phẩm tăng cao chủ yếu là do nguồn cung thiếu, giá cá sẽ sớm bình ổn trở lại.

Ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội cá tra Việt Nam, cho rằng, để nghề nuôi cá tra bền vững, đi vào ổn định, các hộ nuôi cần chủ động liên kết với doanh nghiệp để không phải lo lắng về đầu ra. Ngược lại, phía doanh nghiệp cần có chiến lược bài bản trong việc hoạt động kinh doanh, ước lượng khả năng tiêu thụ cá nguyên liệu để có ký kết cụ thể với số hộ nuôi cá. Đồng thời, các địa phương cần có sự kiểm soát chặt diện tích ao nuôi, sản lượng nuôi…tránh tình trạng cung vượt cầu; nếu không câu chuyện rớt giá sẽ tái lập.

“Hiệp hội cũng đã khuyến cáo, nếu ai muốn nuôi thì nên liên kết với doanh nghiệp, còn nếu nuôi tự phát thì sau này sẽ rất khó khăn. Bây giờ tuy rằng thị trường xuất khẩu tốt nhưng cần phải xúc tiến việc chế biến sâu, để giá trị hàng, để tăng giá trị xuất khẩu. Thứ 2, là xây dựng các hệ thống phân phối, nghiên cứu theo ẩm thực của từng vùng miền để đua con cá tra này vào việc phân phối nội địa” - ông Dương Nghĩa Quốc nêu ý kiến.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, hiện địa phương có tổng diện tích nuôi cá tra thương phẩm khoảng 1.350 ha; trong đó: diện tích mà doanh nghiệp và hộ nuôi liên kết chiếm khoảng 87%. Sản lượng ước 400.000 - 500.000 tấn/năm.

Năm 2021, do việc giá thu mua cá tra giảm sâu và kéo dài; đồng thời, ảnh hưởng của dịch Covid-19, người nuôi cá tra, nhất là các hộ nuôi nhỏ lẻ bị lỗ nặng, nhiều người dân nuôi cá tra phải treo ao;. Tuy nhiên, từ đầu đến nay, do giá cá tra nguyên liệu tăng cao, nhiều người dân, nhất là các hộ nuôi cá nhỏ lẻ và nuôi không liên kết đã bắt đầu nuôi trở lại. Bên cạnh đó, các hộ dân và doanh nghiệp nuôi lên kết cũng bước vào đợt thả nuôi cá mới, nên nhu cầu cá giống tăng cao, làm nguồn cung cá giống không còn nhiều.

Bên cạnh đó, do anh hưởng dịch Covid-19 có tác động lớn đến hoạt động của toàn ngành thủy sản, các chuỗi vận chuyển, sản xuất bị gián đoạn, đứt gãy gây khó khăn rất lớn cho sản xuất thủy sản. Do đó, người nuôi cá phải đối mặt giá thức ăn nuôi thủy sản, trong đó có cá tra tăng liên tục. Việc các doanh nghiệp không thả nuôi mới nhiều nên giao dịch thu mua giống và thả mới cá tra bột và cá tra giống diễn ra ở mức hạn chế, nguồn giống ở mức thấp, tỷ lệ hao hụt cao do thời tiết thay đổi...

Về phía địa phương, ông Trần Anh Thư, Phó chủ tịch UBND tỉnh cho biết, tỉnh chủ trương triển khai có hiệu quả Đề án liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng ĐBSCL tại An Giang. Phát triển nuôi trồng cá tra theo liên kết chuỗi có chỉ dẫn địa lý, mã số vùng nuôi, gắn với thị trường tiêu thụ; Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tận dụng lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã kết ký như Hiệp định: EVFTA, CPTPP, FTA để mở rộng phát triển giao thương, xuất khẩu ngành cá tra.

“Trương trình, đề án giống cá tra 3 cấp tại các doanh nghiệp; đặc biệt là khu vực cồn Vĩnh Hòa, với 400 ha đi vào hoạt động, thì khả năng cung cấp con giống chất lượng cao, đảm bảo cung cấp được 80% nhu cầu về giống cá tra cho khu vực ĐBSCL. An Giang chủ yếu tập trung vào các vùng nuôi tập trung có quy mô lớn. Khu công nghiệp công nghệ cao và gắn với tiêu thụ. Xây dựng một quy trình nuôi một cách công nghiệp và theo một chuỗi từ con giống- quy trình nuôi- chế biến., từ đó mới đảm bảo được chất lượng” - ông Trần Anh Thư nói.

Để ngành cá tra phát triển bền vững, nhất là trong thời điểm khó khăn như hiện nay, ngành chức năng và các địa phương đang phối hợp siết lại nghề nuôi cá tra theo hướng liên kết, trong đó siết điều kiện nuôi, như: diện tích ao nuôi, kỹ thuật, nguồn giống, vấn đề môi trường, nước thải… và hợp đồng liên kết tiêu thụ cá với doanh nghiệp. Nếu hộ nào không đảm bảo, thì không cho nuôi để tránh nhiễu loạn giá cá, sản lượng cá tra như thời gian qua./.

Theo Phan Ánh

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên