MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá của các loại tài sản đắt đỏ nhất kể từ 1900, Goldman Sachs cảnh báo nhà đầu tư nên cẩn thận

30-11-2017 - 14:48 PM | Tài chính quốc tế

Tính từ năm 1985 đến nay, 1 danh mục bao gồm 60% là các cổ phiếu trong rổ S&P 500 và 40% còn lại là trái phiếu Mỹ kỳ hạn 10 năm mang lại mức lợi suất đã điều chỉnh theo lạm phát lên tới 7,1%, gần gấp đôi so với con số trung bình 4,8% của thế kỷ vừa qua.

Trên khắp thị trường tài chính quốc tế ở thời điểm hiện tại, nhìn đâu cũng thấy những “chú bò”. Từ thị trường chứng khoán, trái phiếu đến tín dụng, giá trị trung bình đang ở mức cao nhất kể từ 1900 - một dấu hiệu mà Goldman Sachs cho là đến thời điểm nào đó sẽ biến thành những nỗi đau cho các nhà đầu tư.

“Hiếm khi cả cổ phiếu, trái phiếu và tín dụng đều đắt đỏ ở cùng 1 thời điểm như hiện nay. Hai lần gần nhất là những thập niên 20 và 50 của thế kỷ trước, khi kinh tế thế giới hồi phục mạnh mẽ và bùng nổ sau những cuộc thế chiến”, các chiến lược gia của Goldman Sachs International viết trong báo cáo mới được gửi đến khách hàng. “Tất cả những điều tốt đẹp cuối cùng cũng phải kết thúc, bằng 1 thị trường con gấu”.

Theo các chuyên gia phân tích này, bởi vì các NHTW đang trên lộ trình thu hẹp các gói nới lỏng định lượng, đẩy tăng nhu cầu nắm giữ các trái phiếu có kỳ hạn dài hơn của nhà đầu tư, trong trung hạn “tất cả các loại tài sản” sẽ mang về lợi suất thấp hơn so với hiện tại.

Ở kịch bản thứ hai ít có khả năng xảy ra hơn, nỗi đau sẽ ập đến một cách nhanh chóng. Cả trái phiếu và cổ phiếu đều lao dốc, mức độ tùy theo ngòi nổ là 1 cú sốc tăng trưởng âm hay cú sốc từ lạm phát.

Báo cáo có đoạn: “Mức giá bị đẩy lên cao làm tăng nguy cơ sụt giảm từ đỉnh xuống đáy chỉ vì nguyên nhân đơn giản là không có tấm đệm chống đỡ các cú sốc”.

Tính từ năm 1985 đến nay, 1 danh mục bao gồm 60% là các cổ phiếu trong rổ S&P 500 và 40% còn lại là trái phiếu Mỹ kỳ hạn 10 năm mang lại mức lợi suất đã điều chỉnh theo lạm phát lên tới 7,1%, gần gấp đôi so với con số trung bình 4,8% của thế kỷ vừa qua. Bong bóng công nghệ và khủng hoảng tài chính toàn cầu là 2 “vết đen” của thời kỳ này, nhưng thị trường đã nhanh chóng hồi phục và lập những kỷ lục mới.

Giống như thời kỳ những năm 1920 và 1950, lạm phát đang ở mức thấp. Theo Goldman Sachs, kịch bản tồi tệ nhất cho danh mục 60/40 nói trên là lạm phát tăng nhanh, gây ra cú sốc với cả trái phiếu và cổ phiếu kể cả khi kinh tế không rơi vào suy thoái. Tình hình tệ hơn nếu các NHTW buộc phải tăng lãi suất cơ bản vì áp lực lạm phát.

Trong kịch bản mà Goldman Sachs cho là có nhiều khả năng xảy ra nhất, mức lợi suất các nhà đầu tư thu về sẽ giảm xuống nhưng vẫn ở mức dương. Nhà đầu tư nên bỏ thêm tiền vào cổ phiếu, giảm bớt lượng trái phiếu dài hạn.

Thanh Thanh

Bloomberg

Trở lên trên