MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá cước vận tải biển có xu hướng tăng trở lại

03-08-2022 - 10:05 AM | Thị trường

Tình trạng tắc nghẽn tại các cảng là một trong những yếu tố làm giá vận chuyển đường biển giao ngay tăng ở một số tuyến.

Cước vận tải biển một lần (không theo hợp đồng dài hạn) và phụ phí đang có xu hướng tăng trên nhiều tuyến thương mại do tình trạng tắc nghẽn tại cảng và trên biển. Điều này khiến giá container giao ngay tuyến Mỹ đi châu Âu tăng và nâng giá sàn cước vận tải đường biển lên mức mới cho các chuyến hàng từ châu Á tới bờ Đông nước Mỹ. 

Xu hướng sử dụng giá cước giao ngay tác động gián tiếp tới nền kinh tế, khi các nhà bán lẻ tăng giá đẩy phần chi phí phí vận chuyển cho khách hàng trong thời gian đại dịch. Đây là một trong những yếu tố tạo áp lực lên lạm phát khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ cố gắng kiềm chế cầu tiêu dùng.

Trước đó, sự sụt giảm nhu cầu hàng hóa do người tiêu dùng thay đổi hành vi khiến giá cước vận tải đi xuống. Tuy nhiên, giá cước đã đảo chiều sau khi các tuyến thương mại đường biển bị tắc nghẽn.

Peter Sand, Trưởng nhóm phân tích vận tải biển tại Công ty Nghiên cứu vận tải hàng không và đường biển Xeneta (Na Uy) cho biết: "Các đơn vị vận chuyển toàn cầu nên chuẩn bị cho những biến động về chuỗi cung ứng vận tải hàng hải trong những quý tới".

Tình trạng tắc nghẽn container tạo ra sự thiếu hụt ảo và đẩy giá thuê lên cao, theo báo cáo của CNBC. Khi lượng container có thể sẵn sàng sử dụng giảm, giá cước vận tải sẽ đi lên. 

Nhiều cuộc đình công diễn ra ở các cảng biển, tuyến đường sắt ở châu Âu cản trở vận chuyển container ở Đức và Anh. Bản đồ nhiệt về chuỗi cung ứng thể hiện Châu Âu đã chuyển màu từ vàng sang đỏ (tắc nghẽn vừa phải sang tắc nghẽn nghiêm trọng).

Giá cước vận tải biển có xu hướng tăng trở lại - Ảnh 1.

Chuỗi cung ứng vận tải ở Châu Âu đang chuyển từ vàng sang đỏ

Vì tắc nghẽn, giá vận chuyển container từ Trung Quốc đi bờ Đông nước Mỹ tăng trở lại mức 10.000 USD vào cuối tháng 7.

Thời gian xếp hàng chờ container tại cảng Oakland, bờ Tây nước Mỹ đã tăng lên 26,5 ngày sau sự kiện các tài xế xe tải phản đối việc đóng cửa các bến cảng.

Cảng Oakland ngưng hoạt động ảnh hưởng đến tốc độ xuất khẩu nông sản của Mỹ. Trong tháng 6, lượng hàng nông sản xuất khẩu của Mỹ qua cảng này đã giảm 4,2% do các hãng tàu bỏ tuyến để bù thời gian tắc nghẽn tại cảng Los Angeles và Long Beach.

Mùa cao điểm truyền thống của ngành vận tải biển bắt đầu vào tháng 8. Tình trạng tồn đọng container làm tăng ùn tắc và thời gian chờ đợi. Theo báo cáo từ Everstream Analytics, tại bờ Đông Mỹ, hiện tắc nghẽn tại cảng Savannah đang rất cao, thời gian tàu chờ trung bình là 7,5 ngày, cao hơn 123% so với quý trước. Số tàu xếp hàng chờ tăng lên 18 tàu trong tuần trước. Tại cảng New York-New Jersey thời gian chờ giảm nhẹ còn 1,8 ngày với 10 tàu đang neo đậu. 

FreightWaves ước tính lượng container từ Trung Quốc đến tất cả các cảng ở Mỹ đều giảm do tiêu dùng đi xuống kéo theo nhu cầu hàng hóa. Về lý thuyết, khi các đơn hàng vận chuyển giảm, lượng container khả dụng sẽ tăng, tuy nhiên điều đó không xảy ra ở thời điểm này do tình trạng tắc nghẽn.

Giá cước vận tải biển có xu hướng tăng trở lại - Ảnh 2.

Một yếu tố khác ảnh hưởng đến việc luân chuyển container là các hãng tàu hủy chuyến hoặc để trống tàu. Các tàu có thể bỏ một số chuyến nhằm giữ đúng thời gian lịch trình di chuyển.

Một giám đốc logistics Trung Quốc cho biết, tại cảng Thượng Hải trước đây mỗi tuần có 50 chuyến tàu, mỗi tháng có 200 chuyến nhưng hiện nay trung bình hàng tháng có 25 chuyến tàu bị hủy, tương đương số lượng chuyến giảm hơn 12% so với trước.

Giám đốc điều hành của OL-USA, Alan Baer, cho biết, sự tắc nghẽn tại các cảng biển khiến các tàu từ Mỹ đi châu Á không có đủ hàng để đạt hiệu quả vận chuyển tối đa, điều này khiến chi phí vận tải cho mỗi chuyến hàng tăng cao.

Theo Phương Chi

Người đồng hành

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên