Giá dầu đạt đỉnh hơn 2 năm do nguồn cung của Mỹ thắt chặt
Giá dầu thô đang tăng vọt, trong đó dầu Brent vọt lên trên 76 USD/thùng và dầu WTI vượt 74 USD/thùng, cao nhất kể từ cuối 2018. Dữ liệu cho thấy tồn trữ dầu thô của Mỹ giảm trong bối cảnh hoạt động du lịch tăng nhanh.
- 23-06-2021Thị trường ngày 23/6: Giá dầu, vàng, sắt thép, ngũ cốc cùng lao dốc
- 22-06-2021Thị trường ngày 22/6: Giá dầu và đậu tương tăng khá mạnh, vàng hồi phục, cao su và quặng sắt giảm
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho biết tồn trữ dầu thô của nước này trong tuần qua đã giảm 7,6 triệu thùng xuống 459,1 triệu thùng. Số giảm này cao gấp đôi so với dự đoán giảm 3,9 triệu thùng theo kết quả thăm dò của Reuters.
Các kho dự trữ dầu tại Cushing, Oklahoma, điểm giao nhận dầu thô kỳ hạn của Mỹ, giảm 1,8 triệu thùng - xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3/2020. Nhu cầu xăng cũng tăng mạnh trong tuần trước.
Phil Flynn, nhà phân tích cấp cao của Price Futures Group ở Chicago, cho biết: "Người dân đang quay lại tham gia hoạt động giao thông và điều đó sẽ tiếp tục đẩy giá tăng lên”.
Kết thúc phiên vừa qua, dầu Brent tăng 38 US cent, tương đương 0,5%, lên 75,9 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 10/2018. Dầu Tây Texas Mỹ (WTI) cũng tăng 23 US cent (0,3%) lên 73,08 USD vào lúc đóng cửa, sau khi có thời điểm đạt 74,25 USD, cũng là mức cao nhất kể từ tháng 10/2018.
Đồng USD giảm càng góp phần đẩy giá dầu thô tăng bởi nó mang lại lợi thế cho những người mua nắm giữ các đồng tiền khác.
Nhà phân tích Louise Dickson của Rystad Energy cho biết: "Việc giải phóng lượng dầu tồn một cách nhanh chóng có thể khiến liên minh OPEC + thúc đẩy việc tăng sản lượng từ tháng 8. Cuộc họp tuần tới dự kiến sẽ là thời điểm quan trọng quyết định chính sách và giá cả mặt hàng dầu mỏ trong tương lai".
Giá dầu Brent đã tăng hơn 45% trong năm nay, được hỗ trợ bởi việc cắt giảm nguồn cung do Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đồng minh (OPEC +). Một số giám đốc điều hành ngành bàn tới kịch bản giá dầu quay trở lại mức 100 USD lần đầu tiên kể từ 2014.
Jeffrey Halley, nhà phân tích của công ty môi giới OANDA cho biết: "Nhu cầu cơ bản trên thị trường có nghĩa là bất kỳ sự điều chỉnh giảm giá nào sẽ chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn và mức giảm không nhiều".
Nhu cầu dầu trên toàn cầu dự kiến tiếp tục tăng trong nửa cuối năm, mặc dù OPEC + cũng phải đối mặt với viễn cảnh nguồn cung Iran tăng nếu các cuộc đàm phán với các cường quốc trên thế giới dẫn đến việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015 của Tehran.
Iran hôm thứ Tư (23/6) cho biết Mỹ đã đồng ý dỡ bỏ tất cả các lệnh trừng phạt đối với dầu và vận tải biển của Iran, mặc dù Đức cảnh báo rằng vẫn còn nhiều vấn đề chính phải bàn để khôi phục thỏa thuận.
"Nếu các lệnh trừng phạt thực sự được dỡ bỏ và Iran được tự do thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu, điều đó có thể gây ra phản ứng về giá", đại diện Rystad Energy cho biết.
Tham khảo: Reuters