Giá dầu tăng sốc, Ả rập Saudi sẽ không dang tay "cứu" thị trường
Một cuộc săn lùng các thùng dầu thô dự phòng trên toàn cầu đang được tiến hành khi các lệnh trừng phạt giáng xuống Nga, nhà xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới.
- 27-02-2022Cả thế giới lại đứng trước cú sốc mới: Giá dầu có thể lên 150 USD, lạm phát tiếp tục tăng phi mã
- 24-02-2022Giá dầu thế giới vượt 100 USD lần đầu tiên trong 7 năm
- 22-02-2022Khủng hoảng trầm trọng ở Ukraine làm rung chuyển thị trường chứng khoán, khiến giá dầu và vàng tăng vọt
Ả Rập Saudi có thể giúp giảm giá dầu trên toàn thế giới, vốn đã tăng vọt lên mức cao nhất kể từ năm 2014. Vương quốc này có khả năng nâng sản lượng thêm 2 triệu thùng mỗi ngày, theo Claudio Galimberti, phó chủ tịch cấp cao của bộ phận phân tích tại Rystad Energy.
Tuy nhiên, chính phủ Ả Rập Saudi cho rằng Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ nên bám sát kế hoạch tăng dần sản lượng của mình. Điều này đồng nghĩa với việc thị trường sẽ không giảm được nhiều khi các nhà đầu tư tranh giành nhau. Richard Bronze, người đứng đầu bộ phận địa chính trị của công ty nghiên cứu Energy Aspects, nhận định: "Họ muốn cúi đầu".
Giá dầu toàn cầu tiếp tục tăng ngày càng cao hơn
Trước đó, Nga xuất khẩu từ 4 đến 5 triệu thùng dầu thô mỗi ngày. Tuy các lệnh trừng phạt mà phương Tây công bố không nhằm vào lĩnh vực năng lượng của Nga, nhưng các công ty dầu mỏ lớn đã từ bỏ những dự án kinh doanh của họ ở nước này và các thương nhân tránh xa hàng hóa của Nga dù họ đang giao dịch với mức chiết khấu rất lớn.
Điều này đã tạo ra lo ngại về sự chênh lệch trong nguồn cung, vốn đang đẩy giá lên. Giá dầu thô Brent gần đây nhất đang ở mức 103 USD/thùng. Được biết, đầu năm nay chúng giao dịch ở mức khoảng 78 USD/thùng và gần 63 USD/thùng vào một năm trước.
Ả Rập Saudi có thể tham gia. Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất cũng vậy, quốc gia này có công suất dự phòng 1,1 triệu thùng/ngày, theo Rystad Energy. Nhưng tất cả các dấu hiệu đều cho thấy OPEC sẽ tiếp tục chỉ bổ sung 400.000 thùng dầu mỗi ngày vào thị trường trong khi chờ xem tình hình của cuộc khủng hoảng.
"OPEC thể hiện rằng họ không thích đưa ra quyết định dựa trên những thông tin bất ổn", ông Galimberti của Rystad nói. Galimberti cho rằng một số người mua - đặc biệt là từ Trung Quốc và Ấn Độ - có thể quay trở lại khi có thêm sự chắc chắn về tác động của các lệnh trừng phạt đối với ngành năng lượng.
Một số nhà máy lọc dầu của châu Âu được xây dựng để chế biến dầu thô của Nga, vốn dựa vào các hợp đồng dài hạn, cũng có thể tiếp tục nhận được nguồn cung. Điều đó sẽ gây ít áp lực hơn đối với các quốc gia như Ả Rập Saudi trong việc thay đổi hướng đi, ngay cả khi họ phải đối mặt với sự vận động hành lang quyết liệt về việc hỗ trợ từ phương Tây.
Vương quốc này cũng muốn tránh chọc giận Nga. "Chính trị rất khó khăn đối với nhiều thành viên OPEC", ông Bronze nói. "Họ nhận thấy tầm quan trọng trong mối quan hệ chiến lược với Nga, tôi nghĩ rằng họ thực sự không muốn phải chọn phe".
Ả Rập Saudi miễn cưỡng can thiệp là lý do chính khiến Phố Wall cho rằng giá dầu có thể tiếp tục leo dốc nếu cuộc chiến ở Ukraine kéo dài. Goldman Sachs gần đây đã nâng dự báo giá dầu Brent trong một tháng lên 115 USD/thùng.