Giá dầu thế giới tăng, đe doạ CPI trong nước
Dự báo giá dầu thế giới có thể vượt mốc 100 USD/thùng khiến giới chuyên gia lo ngại, giá xăng dầu trong nước có thể tiếp tục tăng, tác động đến tăng trưởng kinh tế cũng như mục tiêu kiềm chế lạm phát.
- 02-12-2017Tại sao giá dầu luôn ở mức cao trong hai năm qua?
- 10-04-2017GDP vẫn phải “cậy nhờ” giá dầu
- 03-02-2017Giá dầu giảm, giá xăng "đứng yên"
Các nhà phân tích giá xăng dầu thế giới cho hay có thể sẽ diễn ra một “cú sốc” trên thị trường xăng dầu khi giá dầu dự báo sẽ đạt mức 100 USD/thùng trước cuối năm 2018.
Thực tế, giá dầu thế giới đã có xu hướng tăng khiến các nhà điều hành giá bán lẻ trong nước buộc phải cho phép giá xăng, dầu tăng đến 2 lần trong tháng 9 vừa qua.
Cụ thể, tại thời điểm 7 giờ sáng ngày 4.10 (giờ Việt Nam), giá dầu WTI ở mức 76,16 USD/thùng, giá dầu Brent tăng 0,08% lên 86 USD/thùng, bất chấp tồn kho dầu thô của Iran đã tăng gấp 4 lần so với dự đoán. Giá dầu Brent ngày 4.10 đã vượt mức đỉnh của 4 năm qua - 85,45 USD/thùng. Còn nếu tính từ mức đáy hồi tháng 8/2018, giá dầu Brent đến nay đã tăng khoảng 20%.
Lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối xăng dầu phía Nam cho hay theo tính toán, nếu giữ nguyên các mức chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (BOG), thuế, phí… hiện hành, với đà tăng của giá dầu thế giới, giá bán lẻ xăng trong nước đang lỗ 2.000 đồng/lít. Mức lỗ đối với dầu diesel là 1.500 đồng/lít. “Nếu không tăng sử dụng quỹ BOG, phiên điều hành giá ngày 6.10 tới, có thể phải tăng giá bán lẻ tương ứng với mức lỗ nêu trên” – lãnh đạo doanh nghiệp này nói.
Theo chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh, đà tăng giá dầu thế giới có thể tác động theo hướng rất đáng lo ngại đối với nền kinh tế của Việt Nam. “Giá dầu thế giới tăng dẫn đến giá xăng, dầu bán lẻ trong nước tăng, làm giảm năng lực cạnh tranh và tác động đến chỉ số lạm phát của nền kinh tế. Trong bối cảnh USD tăng giá, nhân dân tệ giảm giá, tác động của giá dầu lại bồi thêm một thách thức nữa với nền kinh tế Việt Nam” – TS Lê Đăng Doanh nhìn nhận.
Theo ông Doanh, cần phải sớm có phương án ứng phó với việc này, thông qua điều chỉnh hợp lý các loại chi phí, đặc biệt là các loại thuế đánh vào giá xăng. “Tôi hoan nghênh kiến nghị của Bộ Công Thương về hoãn thời hạn tăng thuế môi trường ngày 1.1.2019 như quyết định của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Bởi vì, đây là thời điểm trước Tết nguyên đán, mỗi gia đình chi tiêu tăng đến 30%, sản xuất cũng được đẩy mạnh với mức tăng đến 50% hoặc hơn. Nếu tăng phí môi trường trong thời điểm giá dầu cũng đang tăng thì dẫn đến tăng giá xăng mạnh, làm thu nhập thực tế của người dân giảm sút” – ông Doanh phân tích thêm.
Chuyên gia kinh tế Đặng Đình Đào cũng lo ngại giá xăng dầu thiết lập mốc 100 USD trong những tháng cuối năm sẽ khiến giá xăng trong nước buộc phải điều chỉnh. “Điều chỉnh thế nào thì cần cân nhắc phương án hợp lý, tránh cú sốc cho nền kinh tế, ảnh hưởng đến tăng trưởng GDP cũng như mục tiêu CPI đã được thông qua. Đặc biệt, không dồn một lúc cả áp lực tăng thuế lẫn áp lực tăng giá lên giá xăng dầu trong nước” – ông Đào nêu quan điểm.
Lao động