Giá dầu vượt 100 USD, gót chân Achilles của châu Á ngày càng lộ rõ
Giá dầu thế giới đã đồng loạt tăng 5% sau khi Nga tuyên bố sẽ tiến hành một chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine và báo cáo về các vụ nổ ở Kiev.
- 24-02-2022Giải pháp nào khi cân bằng cung - cầu dầu thô thế giới liên tiếp rơi vào trạng thái thiếu hụt?
- 24-02-2022Giá xăng dầu tại nhiều quốc gia tăng phi mã
- 23-02-2022Gần 300 cửa hàng kinh doanh xăng dầu ngừng bán hàng với nhiều lý do
Giá dầu đã tăng 5% sau tin tức về hoạt động quyết liệt từ quân sự của Nga. Trưa 24/2 theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent giao sau có thời điểm vượt mức 102 USD mỗi thùng trước khi giảm nhẹ về mức 101 USD. Trong khi đó, giá dầu WTI cũng tăng gần 5%, lên mức gần 97 USD mỗi thùng.
Giá khí đốt tự nhiên tăng 4,7% so với phiên hôm qua. Vàng giao ngay, theo truyền thống được coi là tài sản trú ẩn an toàn, tăng 1,82% và giao dịch ở mức 1.942,26 USD. Như vậy, vàng đã đạt mức cao nhất kể từ đầu năm 2021. Đồng USD và yen tăng, trong khi đồng rouble giảm giá 1%.
Giá dầu vượt mức 100 USD trong sáng hôm nay (24/2).
Châu Âu trừng phạt Nga sẽ chẳng khác nào gây khó dễ cho chính mình
Nga là nhà cung cấp năng lượng quan trọng cho các khách hàng toàn cầu, trong đó châu Âu phụ thuộc vào quốc gia này với khoảng 1/4 nguồn cung dầu và 1/3 lượng khí đốt.
Động thái của Nga khiến một thị trường vốn đã căng thẳng nay lại càng lo sợ hơn, vì nguồn cung dầu trên khắp thế giới không theo kịp với sự phục hồi mạnh mẽ của nhu cầu từ sau đại dịch. Nhóm các nước OPEC+ do Saudi Arabia dẫn đầu đang vật lộn để khôi phục sản xuất đủ nhanh, khiến một số nước tham gia thị trường lớn nhất cảnh báo về nguồn cung ngày càng thắt chặt.
Các quốc gia phương Tây và Nhật Bản hôm thứ Ba (22/2) đã trừng phạt Nga bằng các biện pháp mới vì điều quân đội vào các khu vực ly khai ở miền đông Ukraine, đồng thời đe dọa sẽ tiến xa hơn nếu Moscow tiến hành một cuộc tấn công toàn diện vào nước láng giềng. Cho đến nay, không có biện pháp trừng phạt nào đối với thương mại năng lượng.
Nhà kinh tế Howie Lee của OCBC cho biết: "Nguồn cung dầu của Nga sẽ biến mất chỉ sau một đêm nếu đối mặt với các lệnh trừng phạt và OPEC sẽ không thể sản xuất đủ nhanh để bù đắp lỗ hổng này".
Điều này tạo ra một tình thế khó xử cho các cường quốc phương Tây. Việc áp đặt chi phí tài chính lên Nga đối với các hành động của họ ở Ukraine, chẳng hạn bằng cách áp đặt các lệnh trừng phạt đối với xuất khẩu dầu và khí đốt, có thể gây ra nhiều đau đớn cho nền kinh tế của chính phương Tây.
Không trực tiếp tham gia xung đột, châu Á vẫn sẽ chịu những tác động nặng nề
Các nhà phân tích cũng đang cảnh báo về áp lực lạm phát đối với nền kinh tế toàn cầu từ giá dầu vượt 100 USD, đặc biệt là đối với châu Á, khu vực nhập khẩu phần lớn năng lượng.
Các nhà phân tích chỉ ra rằng châu Á ngày càng đóng vai trò quan trọng trong xuất khẩu của Nga trong những năm gần đây. Trong khi khoảng một nửa sản lượng xuất khẩu của Nga đến châu Âu vào năm 2020, hơn 40% đến các nước châu Á - đặc biệt là Trung Quốc, Kazakhstan, Hàn Quốc và Nhật Bản - nhà phân tích Chris Devonshire-Ellis, thuộc Dezan Shira & Associates, cho biết trong một ghi chú cuối năm ngoái.
Vẫn đang phục hồi sau những gián đoạn chuỗi cung ứng do đại dịch gây ra khiến chi phí nguồn cung tăng cao trong hai năm qua, các nền kinh tế lớn của châu Á nhập khẩu từ Nga - chẳng hạn như Nhật Bản và Hàn Quốc - sẽ không chỉ đối mặt với việc tăng giá hơn nữa mà còn có khả năng thiếu hụt nếu Nga đã phản đối các lệnh trừng phạt bằng cách cắt giảm nguồn cung.
Giám đốc khu vực Tom Rafferty của Economist Intelligence Unit cho biết: "Hậu quả trước mắt của cuộc xung đột Nga và Ukraine sẽ là sự biến động kinh tế làm đảo lộn triển vọng tăng trưởng của châu Á". Ông nhận định điều đó cũng là yếu tố khiến giá năng lượng toàn cầu đang ở mức cao. Đồng thời, leo thang căng thẳng có thể khiến giá hàng hoá tăng vọt, kích thích lạm phát và ảnh hưởng lớn đến chi tiêu tiêu dùng.
“Mặc dù các nước châu Á không trực tiếp tham gia cuộc xung đột nào, nhưng các tác động địa chính trị và kinh tế của cuộc khủng hoảng đối với khu vực này vẫn sẽ rất đáng kể”, ông cho biết.
Nhà kinh tế Frederic Neumann của HSBC nhận định: "Giá dầu tăng vọt vào đúng thời điểm đặc biệt khó khăn. 'Gót chân A-sin' của châu Á vẫn là nhu cầu nhập khẩu lớn cho năng lượng, giá dầu tăng cao chắc chắn sẽ khiến thu nhập và tăng trưởng giảm đáng kể trong năm tới. Không những vậy, giá cả các mặt hàng hóa khác cũng sẽ tăng theo, nguy cơ lạm phát ngày càng lớn."
Bloomberg ghi nhận, giá cả của mọi thứ, từ dầu mỏ, ngũ cốc đến kim loại đã tăng lên do lo ngại rằng dòng chảy hàng hóa sẽ bị gián đoạn do cuộc khủng hoảng Ukraine. Điều đó báo trước những thách thức mới cho sự phục hồi toàn cầu vốn đã phải vật lộn với áp lực giá cả tăng cao và chính sách tiền tệ thắt chặt.
Jeff Currie, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu hàng hóa tại Goldman Sachs Group Inc., chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn gần đây với Bloomberg TV: “Tôi đã làm việc này 30 năm và tôi chưa bao giờ thấy thị trường biến động mạnh như vậy”.
Tham khảo: Reuters, SCMP