Gia đình có cha hoặc mẹ ngoại tình, sụp đổ nhất chính là những đứa trẻ: ‘Người ngoài cười nụ, người trong khóc thầm!’
Cuộc dạo chơi tình ái có thể rất thú vị, kích thích và phiêu lưu. Nhưng có lẽ niềm hạnh phúc chính trực và đáng được nâng niu, trân trọng hơn thế, đó là sự gắng công mang lại hạnh phúc cho người khác, cho thế hệ di sản của mình.
- 10-03-2022Những tỷ phú thân bại danh liệt, ê chề vì ngoại tình: Tiền không mua nổi 2 chữ chung thủy, gu chọn các "tiểu tam" càng gây khó hiểu
- 01-12-2021Nam sinh mũm mĩm là hiện tượng meme hot nhất MXH 18 năm trước: Vô tình lọt khung ảnh mà đời lên hương, ngoại hình hiện tại hiếm ai nhận ra
- 16-10-2021Giám đốc cấp cao của Huawei bất ngờ bị tố ngoại tình, ép "bồ nhí" phá thai rồi còn kiện ngược
Không ít người lớn chúng ta cho rằng, ngoại tình chỉ là một 'sự cố nho nhỏ', một cuộc 'vui chơi' chóng vánh và nó chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến người bạn đời của mình (trong trường hợp bị phát hiện). Dường như, không ai để ý điều đó đã tác động tiêu cực như thế nào đối với những đứa trẻ.
Người lớn cho rằng, mình có "quyền" được ngoại tình khi cuộc hôn nhân không như mong đợi; nhưng những đứa trẻ cũng có "quyền" được yêu thương và bảo vệ khỏi những tổn thương không đáng có. Thời niên thiếu chính là giai đoạn nhạy cảm nhất của con người, hình thành tính cách và định hướng lối sống sau này, những tổn thương về tình cảm trong thời gian này chính là những mất mát không thể bù đắp được.
Trong một nghiên cứu của mình, chuyên gia tâm lý người Ấn Độ Neha Anand đã cho rằng: khi biết chuyện cha mẹ ngoại tình, trẻ em thường không thể hiện cảm xúc một cách công khai. Tuy nhiên, "vết sẹo" trong tâm hồn chúng lại tồn tại rất lâu. Sự kiện đó sẽ làm thay đổi hoàn toàn "la bàn" đạo đức của một đứa trẻ, khiến chúng mất phương hướng và có những nhận thức sai lầm về hôn nhân.
Cũng theo chuyên gia này, trong không ít trường hợp, những bé trai sẽ bắt đầu trở nên thu mình, chểnh mảng học hành, cư xử sai trái và có xu hướng chống đối xã hội; trong khi đó, các bé gái sẽ sứt mẻ lòng tin với đàn ông và gặp khó khăn trong tình yêu cũng như hôn nhân khi trưởng thành.
Thực tế cho thấy, khi những quan hệ ngoài hôn nhân "vỡ lở", người lớn thường bận rộn với các vấn đề riêng của mình, đau buồn, tức giận, "ăn miếng trả miếng" hoặc tìm cách "trả thù" lẫn nhau và những đứa trẻ thường bị "bỏ quên" trong chính gia đình mình, phải tự vật lộn với mớ cảm xúc hỗn độn của riêng chúng.
Khi News feed tràn ngập những câu chuyện ngoại tình, tôi nhớ đến "Bố đã từng yêu" của Anna Gavalda - nữ tác giả mà tôi đã đọc rất nhiều. Đó là một câu chuyện đầy éo le khi một ông bố chồng tìm cách an ủi cô con dâu vừa bị phản bội một cách tức tưởi bằng chính câu chuyện ngoại tình của mình. Câu chuyện ngoại tình ấy hoàn toàn không phải là một "cuộc dạo chơi" tình ái" chóng vánh, cũng không phải là chuyện "bóc bánh trả tiền" đáng khinh bỉ, đó là một mối tình đắm say và đầy day dứt; là tình yêu đích thực giữa hai người "lỡ nhịp" trong cuộc đời nhau. Họ yêu nhau, chia tay rồi lại yêu nhau. Ông bố chồng trong câu chuyện vừa hạnh phúc quay cuồng, vừa đau đớn dằn vặt vì không thể tự tay phá vỡ gia đình vốn đang êm ấm của mình.
Cuối cùng, người phụ nữ thứ ba kia đã bỏ đi khi nhận ra rằng người tình của mình không thể vượt qua ranh giới, không thể nhân danh tình yêu để đối diện với những định kiến xã hội.
Ông bố chồng trong câu chuyện dù đã trở về với gia đình, nhưng với một trái tim không còn nguyên vẹn, ông cũng đã làm tổn thương chính gia đình mà mình không nỡ làm thương tổn. Những người phụ nữ vốn có sự nhạy cảm bẩm sinh, vợ ông nhanh chóng nhận ra những thay đổi của chồng mình, vết thương đó không bao giờ lành trong lòng bà. Con trai ông cũng trở thành một "tội đồ" khi "bỏ trốn" cùng người tình, bỏ lại người vợ của mình mà không một lời giải thích. Con dâu ông, sau đó, dù được an ủi, dù hiểu rằng tình yêu là thứ không thể lý giải bằng bất cứ logic nào, vẫn phải sống trong câm lặng với nỗi đau bị phản bội khó lòng nguôi ngoai…
Xưa nay, tình yêu vốn là thứ khó có thể phán xét đúng - sai, nhưng đôi khi, người ta vẫn núp bóng tình yêu để thoả mãn những nhu cầu không có chút dính dáng nào đến tình cảm. Điều này không chỉ làm tổn thương những người trong cuộc, mà còn tổn thương trực tiếp đến những đứa trẻ - nạn nhân bấy bớt nhất của những cuộc chiến gia đình.
Có cha mẹ ngoại tình là một nỗi đau, nhưng vẫn còn may mắn hơn việc có cha, mẹ là người nổi tiếng và ngoại tình. Khác với những đứa trẻ sinh ra trong gia đình bình thường, những đứa trẻ có cha mẹ là người của công chúng luôn phải chịu những áp lực rất lớn. Việc "ngậm thìa vàng" luôn có cái giá của nó, đó là sự soi mói của truyền thông, sự bàn tán xôn xao của cộng đồng mạng đối với "nhất cử nhất động" trong gia đình. "Sự cố ngoại tình" của những người nổi tiếng sẽ nhanh chóng trở thành scandal tình ái, thành vụ bê bối xuất hiện trên trang chủ của những tờ báo mạng với tốc độ lan truyền chóng mặt. Dưới những bài báo đó là hàng loạt những lời bình luận rất nhiều khi khiếm nhã và vô cảm. Đây chính là những "lưỡi dao" tạo nên vết sẹo khó lành với những đứa trẻ.
Việc biết rằng cha mẹ mình ngoại tình, cảm nhận những "đứt gãy" của tình cảm gia đình đã là một tổn thương sâu sắc, song đối diện với sự xì xào của bạn bè, sự nhạo báng của "cư dân mạng" chính là lý do khiến nỗi đau bị khắc sâu thêm. Nhiều đứa trẻ đã rơi vào trầm cảm, trốn tránh không dám đến trường, thu mình lại trong nỗi đau và trưởng thành một cách mất phương hướng.
Trong bộ phim Silent Hill có một lời thoại rất hay, đó là: "Đối với con cái, mẹ mãi là Chúa Trời". Trong con mắt của những đứa trẻ, cha mẹ là thần tượng, là những điều tốt đẹp nhất mà chúng muốn noi theo và cũng là tất cả những gì vững chắc, an toàn nhất mà chúng có thể dựa dẫm vào để tìm kiếm sự an toàn, bao bọc. Hãy tưởng tượng khi "tượng đài" đó sụp đổ, và tiếp tục bị "giày xéo" bởi dư luận xã hội, những đứa trẻ sẽ ra sao?
Cuộc dạo chơi tình ái có thể rất thú vị, kích thích và phiêu lưu. Nhưng có lẽ có những niềm hạnh phúc chính trực và đáng được nâng niu, trân trọng hơn thế, đó là hạnh phúc khi mang lại hạnh phúc cho người khác, cho thế hệ di sản của mình.
Pháp luật và bạn đọc