Giá gạo Châu Á liên tiếp lập "đỉnh" mới
Giá gạo tại các nước sản xuất gạo chủ chốt của Châu Á năm 2020 đã tăng 19 – 45%, sang năm 2021 tiếp tục tăng. Tuần này, giá gạo Ấn Độ cao nhất 2 năm, gạo Việt Nam đạt "đỉnh" gần 10 năm, trong khi gạo Thái Lan cao nhất 9 tháng.
- 27-01-202160 tấn gạo Việt Nam đầu tiên được nhập khẩu vào Anh theo UKVFTA
- 26-01-2021Covid-19 gây tổn thương các thị trường gạo, tấm và ngô đến mức nào?
- 21-01-2021238 thương nhân nhận Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo
Tại Ấn Độ, gạo đồ 5% tấm tuần này giá tăng vọt lên 390- 394 USD/tấn, cao nhất kể từ tháng 3/2019, và cao hơn đáng kể so với 385 - 391 USD/tấn cách đây một tuần.
Nguồn cung gạo của Ấn Độ tiếp tục dồi dào nhờ đang thu hoạch lúa Hè Thu và lượng dự trữ trong kho còn nhiều. Gạo Ấn Độ có tỷ lệ lớn là loại phẩm cấp trung bình, với giá cả phải chăng nên thu hút được những khách hàng có thu nhập không cao, như các nước Châu Phi. Gần đây, ngoài khách hàng Châu Phi, gạo Ấn Độ còn thu hút cả khách hàng Châu Á, bởi mặc dù giá đang tăng nhưng gạo Ấn Độ vẫn rẻ hơn nhiều so với gạo Thái Lan và Việt Nam.
Gạo Thái Lan cũng trở lại xu hướng tăng bởi kỳ vọng khả năng cạnh tranh của gạo Thái sẽ tăng lên khi gạo các nước khác cũng tăng. Tuần này, gạo 5% tấm của Thái Lan giá đạt 520 – 530 USD/tấn (cao nhất 9 tháng), từ mức 520 – 526 USD/tấn cách đây một tuần.
Mặc dù giao dịch gạo của Thái Lan hiện rất ít bởi giá cao, song các nhà xuất khẩu nước này hy vọng xuất khẩu sẽ tăng lên trong thời gian tới giá gạo Việt Nam đang tăng lên sát gạo Thái Lan và đồng baht bắt đầu yếu đi.
Năm 2020, xuất khẩu gạo Thái Lan chỉ đạt 5,7 triệu tấn, kim ngạch 15 tỷ baht (khoảng 3,8 tỷ USD), giảm 12% so với năm trước. Từ chỗ xuất khẩu gạo hàng năm chỉ thấp hơn khoảng 1 – 3 triệu tấn so với Ấn Độ - nước xuất khẩu gạo số 1 thế giới, năm 2020, xuất khẩu gạo Thái Lan thấp hơn tới 8-9 triệu tấn so với Ấn Độ, là lần đầu tiên có khoảng cách xa như vậy.
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tuần này cũng tăng, với loại 5% tấm đạt 505 – 510 USD/tấn, từ mức 500 – 505 USD/tấn cách đây một tuần, do nguồn cung không nhiều.
ĐBSCL bắt đầu thu hoạch lúa Đông Xuân, song diện tích thu hoạch mới chỉ được 5 – 6% và và phải đến cuối tháng 2 hoặc đầu tháng 3 mới thu hoạch rộ. Nguồn cung trên thị trường hiện vẫn thấp; khách hàng cũng thưa thớt bởi họ chờ đến lúc thu hoạch rộ mới mua vào.
Việc Bangladesh tích cực mua gạo là một trong những lý do đẩy giá gạo Ấn Độ nói riêng và Châu Á nói chung tăng lên gần đây. Từ vị trí đảm bảo được tự cung tự cấp gạo, năm nay Bangladesh trở thành nước nhập khẩu lớn loại lương thực này sau khi lũ chồng lũ năm qua đã tàn phá nghiêm trọng các mùa lúa, làm cho các kho dự trữ gạo đều cạn kiệt và giá gạo trong nước tăng mạnh. Bộ Lương thực Bangladesh dự định nhập khẩu 1 triệu tấn gạo trong tài khóa hiện tại, đồng thời lĩnh vực tư nhân có thể cũng sẽ có cơ hội được nhập khẩu 1 triệu tấn nữa, nâng tổng lượng gạo nhập khẩu trong niên vụ 2020/21 lên 2 triệu tấn, so với chỉ khoảng 4.000 tấn của niên vụ trước.
Philippines cũng thông báo năm nay sẽ nhập khẩu tối thiểu 1,69 triệu tấn gạo để đảm bảo người dân có đủ gạo dùng và kho dự trữ có lượng gạo tương đương cho 90 ngày sử dụng - đủ cho đến vụ thu hoạch lúa ở nước này, vào tháng 7 tới.
Sản lượng gạo Philippines năm 2020 ước tính đạt mức cao nhất trong lịch sử, là 19,3 triệu tấn, tăng 2,6% so với 18,8 triệu tấn năm 2019, theo số liệu của Cơ quan Thống kê Philippines. Đó là kết quả của việc sản lượng gạo trong quý II và III/2020 tăng mạnh, tăng lần lượt 7,1% và 15,2% so với cùng kỳ năm trước, bù lại cho sản lượng quý IV giảm 1,4%. Tuy nhiên, Philippines sẽ vẫn duy trì việc nhập khẩu để cân đối cung – cầu mặt hàng gạo.
Trong báo cáo mới nhất, USDA đã hạ dự báo về nhập khẩu gạo Philippines năm 2021 còn 2,3 triệu tấn, tương đương mức nhập khẩu của năm 2020, trên cơ sở sản lượng gạo niên vụ 2020/21 dự báo tăng nhẹ lên 12 triệu tấn nhờ diện tích và năng suất đều tăng, và cũng bởi giá gạo quốc tế cao, nhất là gạo Việt Nam và Thái Lan – những nhà cung cấp truyền thống của Philippines. Nếu dự báo này chính xác thì đây sẽ là năm thứ 2 liên tiếp nhập khẩu gạo vào Philippines giảm.
Tham khảo: Reuters