Giá gạo tăng vọt
Gạo trở thành mặt hàng mới nhất bị cuốn vào tình trạng hỗn loạn khi Nga thực hiện “Chiến dịch đặc biệt” ở Ukraine.
- 04-03-2022Thị trường ngày 4/3: Giá dầu giảm hơn 2%, kim loại cơ bản, lúa mì, ngô neo ở mức cao mới trong nhiều năm
- 04-03-2022Giá hàng hóa sắp có tuần tăng mạnh nhất trong 60 năm
- 03-03-2022Trung Quốc mua mạnh năng lượng và hàng hóa bất chấp giá cao kỷ lục
Các thương nhân trên thị trường gạo đặt cược rằng mặt hàng này sẽ trở thành một lựa chọn thay thế cho lúa mì – vốn đang trở nên quá đắt đỏ. Và người mua bắt đầu tranh giành mua bất cứ loại ngũ cốc nào.
Giá gạo Mỹ ngày 3/2 đã tăng 4,2% lên 16,89 USD/100 lb, cao nhất kể từ tháng 5 năm 2020. Tính từ đầu tuần đến nay, giá gạo Mỹ đã tăng 11%, cao nhất kể từ năm 2018.
Xuất khẩu lúa mì từ Nga và Ukraine chiếm hơn 1/4 thương mại lúa mì của toàn thế giới và 1/5 doanh số bán ngô của toàn cầu.
Giá gạo Mỹ trên sàn Chicago tăng mạnh.
Trong khi đó, hoạt động giao thông vận tải ở khu vực Biển Đen đang chìm trong cảnh hỗn loạn. Giá cước vận chuyển trên toàn cầu đã bắt đầu tăng lên, khiến chi phí nhập khẩu ngũ cốc tăng cao.
"Mọi người đều cố gắng mua mọi loại tinh bột mà họ có thể mua", Arlan Suderman, nhà kinh tế trưởng phụ trách mảng hàng hóa của StoneX, cho biết. "Với nguồn cung lúa mì đang bị thắt chặt nghiêm trọng trên thị trường thế giới, bạn sẽ thấy nhu cầu chuyển sang gạo để đáp ứng nhu cầu cung cấp thức ăn cho mọi người."
Mọi thứ từ lúa mì đến dầu mỏ hay phân bón đều chứng kiến giá tăng vọt khi căng thẳng giữa Nga và Ukraine lên đến đỉnh điểm, làm dấy lên lo ngại về sự tác động lan truyền đến toàn bộ chuỗi cung ứng. Điều đó làm trầm trọng thêm nỗi lo về lạm phát vào đúng thời điểm nạn đói đang gia tăng.
Tại Châu Á, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tuần này cũng tăng khi các tuyến đường vận chuyển sang Trung Quốc được mở cửa trở lại, giữa bối cảnh các thương nhân hai nước cũng đặt cược vào nhu cầu bổ sung từ những khách hàng đang tìm kiếm các nguồn thay thế do cuộc khủng hoảng Ukraine.
Giá gạo 5% tấm của Việt Nam ngày 3/3 được chào bán ở mức 400 USD/tấn, so với 395- 400 USD một tuần trước đó.
Các thương nhân Việt Nam cho rằng xung đột ở Ukraine đang diễn ra có thể khiến người mua nhập khẩu nhiều gạo hơn từ châu Á, trong đó có Việt Nam. Đặc biệt, xuất khẩu sang Trung Quốc dự kiến sẽ tăng do Trung Quốc đang mở lại biên giới với Việt Nam sau giai đoạn hạn chế chống Covid-19.
Giá gạo 5% tấm của Thái Lan tuần này cũng tăng nhẹ lên 403 - 400 USD/tấn, so với 400 USD/tấn tuần trước, một phần nữa bởi những dấu hiệu về sự biến động tỷ giá, với việc đồng baht tăng lên 32,60 THB/USD hôm 3/3.
Cả Nga và Ukraine đều không nằm trong số những đối tác thương mại chính của Thái Lan nên cuộc khủng hoảng ở Đông Âu dự kiến không ảnh hưởng trực tiếp đến xuất khẩu gạo của Thái Lan. Tuy nhiên, việc giá gạo quốc tế tăng sẽ tác động lan truyền tới gạo nước này. Các thương nhân ở Bangkok cho biết tình hình ở Ukraine đã làm tăng giá cước vận tải một chút.
Nhu cầu đối với gạo xuất khẩu của Ấn Độ cũng đang được cải thiện. Giá gạo đồ 5% tấm xuất khẩu của Ấn Độ tuần này vững ở 370 - 376 USD/tấn trong bối cảnh tỷ giá rupee giảm bù lại cho nhu cầu xuất khẩu tăng. Các nhà xuất khẩu gạo Ấn Độ cho hay nhu cầu đối với gạo tấm đã được cải thiện do giá ngô đang tăng, và một số người mua đang tìm kiếm các lựa chọn thay thế cho ngô.
Điểm sáng trong bối cảnh này là nguồn cung gạo toàn cầu rất dồi dào, trong đó xuất khẩu gia tăng từ Ấn Độ - nước xuất khẩu và có lượng dự trữ lớn nhất thế giới - dự báo tăng 0,4 triệu tấn.
Trong báo cáo mới nhất, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo sản lượng gạo toàn cầu năm 2021/22 ở mức kỷ lục 509,9 triệu tấn, tăng 2,6 triệu tấn so với sản lượng năm trước.
So với niên vụ 2020/21, dự báo sản lượng năm 2021/22 ở Australia, Bangladesh, Campuchia, Trung Quốc, Bờ Biển Ngà, Ấn Độ, Indonesia, Lào, Nigeria, Paraguay, Senegal, Hàn Quốc, Tanzania và Thái Lan chiếm phần lớn mức tăng sản lượng toàn cầu, trong đó đặc biệt tăng mạnh ở Australia, Bangladesh, Trung Quốc, Ấn Độ và Thái Lan.
Sản lượng của Ấn Độ năm 2021/22 dự báo sẽ đạt 125,0 triệu tấn, tăng 2,7 triệu tấn so với năm trước đó và sẽ là vụ thứ 6 liên tiếp sản lượng cao kỷ lục. Sản lượng của Trung Quốc năm 2021/22 dự báo đạt gần 149,0 triệu tấn, tăng 0,7 triệu tấn so với năm trước đó, và cũng là mức cao kỷ lục. Trung Quốc và Ấn Độ là hai quốc gia sản xuất gạo lớn nhất thế giới, chiếm hơn một nửa sản lượng gạo toàn cầu hàng năm.
Tuy nhiên, sản lượng gạo Mỹ dự báo sẽ giảm, có thể khiến các khách hàng của Mỹ phải chuyển hướng sang nhập khẩu của những xuất xứ khác. USDA dự báo sản lượng gạo Mỹ năm 2021/22 sẽ đạt 191,8 triệu cwt (1 cwt = khoảng 45,4 kg), giảm 16% so với niên vụ trước, do cả diện tích thu hoạch và năng suất đều được điều chỉnh giảm. Việc gieo trồng lúa vụ xuân của Mỹ đang được tiến hành ở miền nam Louisiana và dọc theo bờ biển Texas, một nửa trong số đó sẽ được xuất khẩu ra thị trường thế giới.
Tham khảo: Reuters, Bloomberg