MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá gạo Việt Nam đạt "đỉnh" 9 năm, gạo Thái Lan cao nhất 6 tháng do khan hiếm nguồn cung

25-12-2020 - 08:41 AM | Thị trường

Giá gạo Việt Nam đạt "đỉnh" 9 năm, gạo Thái Lan cao nhất 6 tháng do khan hiếm nguồn cung

Giá gạo xuất khẩu của Thái Lan tuần này tăng vọt lên mức cao kỷ lục trong vòng 6 tháng, trong khi gạo Việt Nam duy trì ở mức cao nhất 9 năm do nguồn cung khan hiếm.

Gạo 5% tấm của Thái Lan hiện có giá 516 – 520 USD/tấn, cao nhất kể từ ngày 11/6. Tuần trước, giá gạo này là 500 – 519 USD/tấn.

Nguyên nhân giá tăng là do nguồn cung trong nước giảm nhanh, mặc dù nhu cầu vẫn trầm lắng. Có dự báo khách hàng Nhật Bản sắp mua gạo Thái Lan.

Với tình trạng giá gạo năm nay liên tục duy trì ở mức cao và khô hạn gây tổn thất mùa màng, Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan nhận định lượng gạo xuất khẩu của nước này năm nay sẽ chỉ đạt 6,5 triệu tấn, là mức thấp nhất trong 10 năm qua.

Gạo xuất khẩu của Việt Nam tuần này giá không thay đổi so với tuần trước, là 500 USD/tấn. Đây là mức giá cao nhất kể từ tháng 12/2011. Thương mại gạo lúc này rất chậm vì nguồn cung trong nước cạn kiệt, song giới kinh doanh gạo nhận định việc mua thóc từ Campuchia về có thể sẽ giúp làm giảm bớt tình trạng khan hiếm nguồn cung hiện nay, và tin tưởng nhu cầu từ khách hàng quốc tế sẽ tăng trong những ngày tới cũng như trong năm 2021, nhất là từ Philippines.

Các doanh nghiệp gạo dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam năm nay sẽ đạt 6,0 – 6,2 triệu tấn, thấp hơn so với mục tiêu đặt ra trước đây là 6,5 triệu tấn.

Giá gạo Ấn Độ tuần này cũng tăng, theo đó loại gạo đồ 5% tấm tuần này giá cũng tăng lên 381 – 387 USD/tấn, so với 380 – 385 USD/tấn của tuần trước, do nhu cầu cao từ các khách hàng Bangladesh và Châu Phi. Tuy nhiên, dịch Covid-19 gây tắc nghẽn ở cảng khiến cho việc giao gạo cho khách hàng bị chậm trễ, cản trở hoạt động xuất khẩu gạo của nước này.

Được biết, Ấn Độ sắp đạt được thỏa thuận song phương bán 150.000 tấn gạo cho Bangladesh, là thỏa thuận gạo song phương giữa 2 bên lần đầu tiên trong vòng 3 năm trở lại đây.

Tham khảo: Reuters

Vũ Ngọc Diệp

Kinh doanh và phát triển

Trở lên trên