Gia hạn hơn 21.000 tỷ đồng tiền thuế, tiền thuê đất cho doanh nghiệp
Ngay sau khi được kiện toàn, Chính phủ đã ban hành Nghị định 52 về gia hạn thuế và tiền thuê đất cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh. Sau hơn một tháng triển khai, đến hết tháng 5, số tiền gia hạn theo Nghị định ước tính đạt hơn 21.000 tỷ đồng.
- 10-06-2021Giảm hội họp, công tác nước ngoài dành tiền chống Covid-19
- 10-06-2021Thay đổi thân phận cho shipper công nghệ: Có lương và bảo hiểm?
- 10-06-2021Cục Hàng hải Việt Nam: Vì sao cần xem xét kỹ khi điều chỉnh giá dịch vụ tại cảng biển?
- 10-06-2021GDP Việt Nam có còn đứng trên Singapore, Malaysia trong năm 2021 theo các dự báo mới?
Ngày 19/4/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 52/2021/NĐ-CP gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp (DN), thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021. Đây là Nghị định đầu tiên được Chính phủ ban hành sau khi kiện toàn và được xem là "liều thuốc" quý giá giúp DN tiếp tục trụ vững trong bối cảnh chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, dự kiến tổng số thuế và tiền thuê đất được gia hạn theo chính sách tại Nghị định là 115.000 tỷ đồng. Đây thực chất là khoản cho vay không tính lãi của Nhà nước đối với DN, cá nhân để có nguồn tài chính phục vụ sản xuất kinh doanh, gia tăng nguồn lực trong tương lai.
Trao đổi với Báo điện tử Chính phủ, bà Lê Thị Duyên Hải, Vụ trưởng Vụ Kê khai và kế toán thuế (Tổng cục Thuế) cho biết, tính đến hết tháng 5/2021, số tiền gia hạn theo Nghị định 52 ước tính đạt hơn 21.000 tỷ đồng. Trong đó, thuế GTGT là 10.600 tỷ đồng, thuế thu nhập DN là 6.000 tỷ đồng; tiền thuê đất là 4.100 tỷ đồng thuế GTGT và thu nhập cá nhân của hộ kinh doanh 300 tỷ đồng.
Bà Lê Thị Duyên Hải cho biết, Nghị định 52 đã quy định rõ lĩnh vực ngành nghề, tiêu chí xác định đối tượng áp dụng và điều kiện để được gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất trong năm 2021, đồng thời quy định rõ người nộp thuế tự xác định và tự chịu trách nhiệm về việc xác định được điều kiện để gia hạn.
"Dù vậy, thực tế triển khai vẫn có những trường hợp người nộp thuế đã nộp đề nghị gia hạn nhưng sau đó tự xác định lại không thuộc đối tượng áp dụng và xin hủy đề nghị, hoặc qua rà soát, cơ quan thuế xác định người nộp không thuộc đối tượng áp dụng và có thông báo gửi người nộp đơn", đại diện Vụ Kê khai và Kế toán Thuế cho biết. Ngoài ra, một số DN, hộ kinh doanh chưa tìm hiểu, nắm bắt chưa đầy đủ thông tin về các điều kiện được gia hạn.
Ông Vũ Chí Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết thêm, số DN nộp đơn xin gia hạn thuế chưa nhiều, một phần do các DN vừa thực hiện quyết toán thuế trong năm trước vào thời điểm cuối quý I/2021.
Đồng thời, do thời gian nộp giấy đề nghị gia hạn theo quy định tại Nghị định là 31/7/2021, tức là còn khá nhiều thời gian, nên nhiều DN chưa nộp tờ khai và giấy đề nghị gia hạn. Ngoài ra, do tình hình dịch bệnh đang có diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nên nhiều DN vẫn chưa chú ý đến việc thực hiện thủ tục gia hạn.
Hết sức ý nghĩa với DN
Ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, chính sách giãn thuế và tiền thuê đất của Chính phủ trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu thật sự là liều thuốc trợ lực đáng quý với các DN.
"Thậm chí nhiều DN phản ánh, họ thích việc giãn thuế vì thủ tục khá đơn giản, chắc chắn đơn giản hơn nhiều với việc miễn thuế, vì miễn thuế không tránh khỏi phải thẩm định phức tạp", ông Tô Hoài Nam cho biết. Các DN có thể dành nguồn lực đó tập trung để giải quyết những khó khăn phát sinh do dịch COVID-19.
"Số tiền dù ít dù nhiều cũng đều rất đáng quý với DN lúc này, nhất là chi phí, thời gian tuân thủ được giảm thiểu", ông Tô Hoài Nam nói.
Phản ứng của Chính phủ là rất nhanh, Chính phủ đã ban hành Nghị định 52 ngày 19/4, ngay trước cả đợt dịch lần thứ 4 bùng phát vào cuối tháng 4. Tuy nhiên, nhận định tương tự đại diện cơ quan thuế, ông Nam nhận định nhiều DN chưa làm thủ tục gia hạn thuế vì vẫn còn thời gian để thụ hưởng chính sách ưu đãi từ Nhà nước.
Mặt khác, cộng đồng DN hết sức ghi nhận sự quan tâm của Chính phủ, nhưng để chính sách thật sự đi vào cuộc sống thì vẫn cần có sự chủ động, tích cực hơn từ các cơ quan thực thi.
"Ngoài việc tuyên truyền chung, nên chăng cơ quan thuế có hình thức chủ động liên hệ, tương tác nhiều hơn với DN, thậm chí gọi điện thông báo, các DN sẽ cảm nhận được sự quan tâm từ cơ quan quản lý gần họ nhất, như vậy chính sách dễ đi vào cuộc sống hơn", ông Tô Hoài Nam gợi ý.
Mục tiêu kép của ngành thuế
Lãnh đạo Tổng cục Thuế cho biết, để tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị định 52, ngành thuế sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó trước tiên là phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chính sách.
Cụ thể, cơ quan thuế các cấp tổ chức tuyên truyền sâu rộng nội dung chính sách gia hạn nộp tiền thuế, tiền thuê đất, hỗ trợ thông tin để người nộp thuế hiểu và nắm được chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Tổng cục Thuế đang tích cực chỉ đạo Cục Thuế địa phương thực hiện nâng cấp hệ thống thông tin để người nộp thuế có thể gửi giấy đề nghị gia hạn theo nhiều hình thức như: Qua cổng thông tin điện tử, đường bưu điện và nộp trực tiếp… Hệ thống thông tin quản lý thuế để theo dõi số tiền thuế, tiền thuê đất được gia hạn và dừng tính tiền chậm nộp, theo dõi và đôn đốc người nộp thuế nộp các khoản tiền thuế, tiền thuê đất được gia hạn khi hết thời gian gia hạn cũng đang được nâng cấp.
Bên cạnh việc hỗ trợ DN, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng do COVID-19, lãnh đạo Tổng cục Thuế khẳng định sẽ chú trọng triển khai tốt nhiệm vụ tài chính ngân sách, bảo đảm có nguồn lực cho khôi phục, phát triển kinh tế và chống dịch, góp phần thực hiện mục tiêu "kép" mà Chính phủ đã đặt ra.
Để tạo thuận lợi tối đa cho DN, cơ quan thuế tiếp tục cải cách hiện đại hóa hệ thống thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế, nâng cao chất lượng dịch vụ kê khai, nộp thuế, hoàn thuế điện tử, hóa đơn điện tử. Phải bảo đảm hệ thống Công nghệ thông tin thông suốt 24/7 tạo thuận lợi tối đa để hỗ trợ người nộp thực hiện nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước từ khâu đăng ký, kê khai, nộp thuế, hoàn thuế theo phương thức điện tử, giảm thời gian mà không cần đến trực tiếp cơ quan thuế.
Song song với đó, để bảo đảm thực hiện nhiệm vụ ngân sách và môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng giữa các DN, lãnh đạo Tổng cục Thuế cho biết đang tập trung triển khai các nhóm giải pháp quản lý thu, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế, xử lý thu hồi nợ thuế, không để xảy ra tình trạng DN lợi dụng chính sách hỗ trợ về thuế của Nhà nước để trốn thuế, chây ỳ, nợ đọng tiền thuế.
Cơ quan thuế sẽ rà soát các nguồn thu còn dư địa, còn tiềm năng để khai thác tăng thu, bù đắp một phần số hụt thu, đặc biệt đối với các đối tượng được hưởng lợi trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 xảy ra do tăng trưởng sản xuất hoặc thay đổi hành vi tiêu dùng như: Hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh qua mạng, dịch vụ viễn thông, internet...
"Để làm tốt nhiệm vụ, ngành thuế sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan công an, hải quan, quản lý thị trường để kiểm soát chặt chẽ về giá cả hàng hóa, quản lý hiệu quả hơn hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh qua mạng internet, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, qua đó chống thất thu ngân sách, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng để khuyến khích, thu hút đầu tư", đại diện Tổng cục Thuế nói.
Chinhphu.vn