Giá hàng hóa tăng lên mức cao nhất trong gần 1 thập kỷ, thế giới đang đối mặt với siêu chu kỳ?
Hôm 4/5, chỉ số Bloomberg Commodity Spot – theo dõi giá của 23 loại nguyên liệu thô, đã tăng 0,8% lên mức cao nhất kể từ năm 2011. Chỉ số này đã tăng hơn 70% kể từ khi chạm mức thấp nhất 4 năm vào tháng 3 năm ngoái.
- 04-05-2021Chuyện gì sẽ xảy ra nếu thị trường chứng khoán chỉ tăng giá?
- 04-05-2021Muốn sòng phẳng về tài chính và chia tay trong hòa bình, người trẻ Mỹ ký thỏa thuận tiền hôn nhân
Giá hàng hóa hiện đã tăng lên mức cao nhất trong gần 1 thập kỷ, trong bối cảnh sự hồi phục ở các nền kinh tế lớn nhất thế giới đang thúc đẩy nhu cầu đối với kim loại, thực phẩm và năng lượng. Ngoài ra, một yếu tố khác đó là thời tiết xấu đang gây hại cho ngành nông nghiệp và tình trạng tắc nghẽn khiến nguồn cung bị hạn chế.
Hôm 4/5, chỉ số Bloomberg Commodity Spot – theo dõi giá của 23 loại nguyên liệu thô, đã tăng 0,8% lên mức cao nhất kể từ năm 2011. Chỉ số này đã tăng hơn 70% kể từ khi chạm mức thấp nhất 4 năm vào tháng 3 năm ngoái.
Diễn biến của chỉ số Bloomberg Commodity Spot.
Khi một số nền kinh tế lớn đang hồi phục mạnh mẽ sau đại dịch, giá kim loại đã tăng lên nhờ hoạt động sản xuất được đẩy mạnh và người sử dụng xe ô tô đi ra ngoài nhiều hơn cũng khiến giá năng lượng tăng cao. Các loại cây trồng như ngô, lúa mì và đường cũng tăng giá do tình trạng hạn hán ở Brazil, Mỹ và châu Âu. Trong khi đó, Trung Quốc đẩy mạnh việc tiêu thụ nguồn cung.
Trong bối cảnh đó, các quỹ phòng hộ đang tăng mức đặt cược tăng giá đối với hàng hóa. Đây là dấu hiệu cho thấy thế giới chuẩn bị đối mặt với chu kỳ lạm phát mới.
Greg Sharenow – giám đốc danh mục đầu tư tại Pacific Investment Management Co., nhận định: "Chắc chắn rằng, sự lạc quan về đà hồi phục của nền kinh tế đã đẩy mạnh nhu cầu." Ông nói thêm, việc một số mặt hàng tiếp tục tăng giá trong tương lai cho thấy rằng nguồn cung đang khan hiếm.
Kinh tế Mỹ và Trung Quốc đang hồi phục nhanh chóng sau đại dịch, thúc đẩy nhu cầu đối với ô tô, thiết bị điện tử và cơ sở hạ tầng. Ford Motor dự kiến tác động từ việc giá hàng hóa tăng cao sẽ khiến họ thiệt hại 2,5 tỷ USD trong 3 quý cuối năm nay, chủ yếu là thép, nhôm và kim loại quý.
Ngoài ra, gói chi tiêu cơ sở hạ tầng trị giá 2,25 nghìn tỷ USD của Tổng thống Joe Biden và việc đẩy mạnh cam kết chống biến đổi khí hậu sẽ thúc đẩy nguồn cung đối với các tấm pin mặt trời, tuabin gió và xe điện. Điều này làm dấy lên mối lo ngại về tình trạng thiếu kim loại.
Giá dầu cũng tăng mạnh, phục hồi lên mức trước đại dịch trên 65 USD/thùng kể từ đầu năm. Mặc dù nhu cầu vẫn còn suy giảm do lưu lượng du lịch quốc tế vẫn bị ở mức thấp, giá dầu đã tăng lên khi các nền kinh tế mở cửa trở lại. Opec và các đồng minh như Nga đang tiếp tục hạn chế nguồn cung và chỉ cung cấp thêm với tốc độ chậm để trợ giá.
Trong báo cáo công bố hôm 28/4, Goldman Sachs cho biết giá hàng hóa có thể tăng thêm 13,5% trong 6 tháng, khi giá dầu đạt mức 80 USD/thùng và đồng đạt mức 11.000 USD/tấn. Theo các chuyên gia của ngân hàng này, nhu cầu đối với dầu thô dự kiến sẽ tăng mạnh nhất từ trước đến nay trong vòng 6 tháng tới, trong bối cảnh ngày càng nhiều người di chuyển trở lại sau khi được tiêm vắc-xin.
Tuy nhiên, giá hàng hóa đang "nóng" lên không hẳn là khởi đầu cho một siêu chu kỳ khác. Stephen Hare – chuyên gia của Oxford Economic, nhận định, mức độ tăng trưởng của nhu cầu trong những năm tới sẽ không giống với quá trình công nghiệp hóa nhanh chóng của Trung Quốc vốn đã tạo ra siêu chu kỳ trong 10 năm đầu tiên của thế kỷ này. Ngoài ra, năng lực sản xuất dư thừa cũng giúp kiềm chế giá năng lượng.
Theo các nhà phân tích của JPMorgan, thế giới sẽ bắt đầu chuyển từ sử dụng dịch vụ sang hàng hóa nhiều hơn khi người lao động quay trở lại công ty. Do đó, nhu cầu đối với kim loại để sản xuất đồ điện tử gia dụng và thiết bị nhà bếp sẽ giảm khoảng 20% so với mức hiện tại vào cuối năm nay.
Capital Economics nhận định, hơn nữa, giá đồng – tháng trước vượt mốc 10.000 USD/tấn, cũng sẽ giảm xuống khoảng 8.250 USD trong quý IV.
Trong khi đó, biến động đối với giá hàng hóa sẽ có tác động đáng kể đến chi phí sinh hoạt bởi trong đó có thể bao gồm giá nhiên liệu, điện, thực phẩm và các dự án xây dựng. Ngoài ra, xu hướng này cũng giúp định hình các điều khoản thương mại, tỷ giá hối đoái và cuối cùng là chính trị của các quốc gia phụ thuộc vào sản xuất hàng hóa như Nga, Brazil và Chile.
IHS Markit cho biết trong báo cáo hôm 29/4: "Giá hàng hóa tăng vọt trong năm qua cho thấy rằng lạm phát giá hàng hóa cũng tăng cao hơn trong mùa hè này. Trong vài tháng tới, thậm chí lạm phát giá tiêu dùng ở những quốc gia như Mỹ cũng sẽ tăng lên mức chưa từng thấy trong gần 1 thập kỷ."