MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Già hóa” dân số của Việt Nam nhanh nhất thế giới

Một số liệu được đưa nhân Ngày Quốc tế Người cao tuổi 1.10: Việt Nam là 1 trong 10 nước có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới, sẽ chỉ không tới 20 năm, tỉ lệ người từ 65 tuổi trở lên tăng từ 7% lên 14%. Theo các chuyên gia dân số, Việt Nam sắp qua thời kỳ cơ cấu “dân số vàng”, bước vào giai đoạn già hóa.

Điều đáng nói là tốc độ già hóa dân số nước ta chỉ diễn ra trong vòng 15 - 20 năm trong khi các nước phát triển phải qua nhiều thập kỷ. Việt Nam đang đứng trước thách thức lớn về dân số, cần có giải pháp phù hợp, kịp thời.

Chỉ sau 20 năm, tỉ lệ dân số “già” tăng gấp đôi

Từ năm 2007, Việt Nam đã bước vào thời kỳ cơ cấu “dân số vàng”, tức là, cứ một người trong độ tuổi phụ thuộc (dưới 15 tuổi hoặc trên 60 tuổi) thì có 2 người hoặc hơn trong độ tuổi lao động (từ 15 - 60 tuổi). Với cơ cấu dân số này, là cơ hội “vàng” để nước ta có được lực lượng lao động trẻ dồi dào trong giai đoạn tăng trưởng kinh tế 2010 - 2020. Tuy nhiên, sau giai đoạn dân số “vàng” sẽ bước sang giai đoạn dân số “già”. Điều đáng nói là, Việt Nam nằm trong số 10 nước có tốc độ già hóa nhanh nhất trên thế giới, sẽ chỉ mất không tới 20 năm, tỉ lệ người từ 65 tuổi trở lên tăng từ 7% lên 14%.

Thống kê của cơ quan chức năng cho thấy, tính đến hết năm 2017, cả nước có 11 triệu người cao tuổi, chiếm khoảng 11,95% dân số, trong đó có khoảng gần 2 triệu người từ 80 tuổi trở lên. Dự báo, Việt Nam sẽ bước vào thời kỳ dân số già vào năm 2035, khi tỉ lệ này tăng lên tới 20% với khoảng 21 triệu người cao tuổi, đến năm 2038 nhóm cao tuổi ở Việt Nam sẽ chiếm đến 20% tổng dân số. Đến năm 2049, tỉ lệ người cao tuổi sẽ chiếm khoảng 25% dân số, tức là cứ 4 người dân có một người cao tuổi”.

“Dân số già” thách thức tích lũy quốc gia

Theo Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Thị Hà, Việt Nam đang đứng trước những thách thức to lớn của quá trình già hóa dân số nhanh chóng. Tuổi thọ trung bình của Việt Nam đã tăng từ 68,6 tuổi năm 1999 lên tới 73,2 tuổi năm 2014, và dự báo sẽ lên 78 tuổi vào năm 2030. Tốc độ già hóa dân số nhanh sẽ phát sinh rất nhiều vấn đề. Trong đó, vấn đề chi tiêu nhiều hơn cho chăm sóc sức khỏe, hưu trí, trợ cấp, an sinh xã hội… trong khi thời gian để Việt Nam chuẩn bị thích ứng với dân số già ngắn hơn nhiều so với các nước khác, dẫn đến mức tích lũy của quốc gia không đáp ứng kịp nhu cầu của xã hội.

“Già hóa” dân số của Việt Nam nhanh nhất thế giới - Ảnh 1.

Dân số cao tuổi không có nghĩa hoàn toàn là gánh nặng. Ảnh: KH.V

Bên cạnh đó, đa phần người cao tuổi không có tích lũy vật chất, 70% vẫn phải làm việc kiếm sống, trong khi người cao tuổi rất dễ bị tổn thương với những rủi ro kinh tế, xã hội khi con cái không có việc làm và cuộc sống ổn định.

Ngoài ra, cơ cấu và mô hình bệnh tật người cao tuổi nước ta hiện nay đang thay đổi theo xu hướng bệnh không lây nhiễm, các bệnh mãn tính như các bệnh về xương khớp, hô hấp, tim mạch, cao huyết áp, đột quỵ, tiểu đường, rối loạn chuyển hóa… tăng nhanh, dẫn đến chi phí chăm sóc y tế rất cao và tất yếu tạo thêm áp lực quá tải cho các bệnh viện vốn chưa được giải quyết dứt điểm.

Những vấn đề này đòi hỏi cần phải xây dựng những chính sách phù hợp cho người cao tuổi để đối phó với việc dân số già hóa nhanh hơn dự báo. Trong khi đó, Việt Nam vẫn chưa thực sự sẵn sàng (cả về nhận thức và hành động) để đón dân số đang già nhanh chóng, thậm chí sẽ là dân số “siêu già” trong một vài thập kỷ nữa.

GS-TS Nguyễn Đình Cử - Viện Dân số và Các vấn đề xã hội (ĐH Kinh tế Quốc dân) - nhấn mạnh: Điều các nhà hoạch định chính sách cần nhìn thấy rõ nhất là sự thay đổi và nhu cầu theo từng nhóm tuổi, trong đó, nhóm 65 tuổi trở lên cần được chăm sóc, phụng dưỡng. Để thích ứng với già hóa dân số, cần phát triển và tăng cường quản lý dịch vụ chăm sóc xã hội, có cơ chế phối hợp công - tư trong cung ứng dịch vụ chăm sóc xã hội. Đặc biệt là khuyến khích khu vực tư nhân tham gia vào cung cấp dịch vụ chăm sóc người cao tuổi cũng như gắn kết giữa chăm sóc y tế tại cộng đồng với dịch vụ chăm sóc xã hội chính thức và phi chính thức.

Có nên coi “người già” vẫn thuộc lực lượng lao động?

TS Nguyễn Ngọc Quỳnh - Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc - cho rằng, già hóa dân số cũng cần được nhìn nhận trên khía cạnh tích cực. Theo bà, dân số cao tuổi không có nghĩa hoàn toàn là gánh nặng mà đây là cơ hội lớn cho các ngành kinh tế dịch vụ cho người cao tuổi.

Thậm chí, “ở Trung Quốc thị trường này rất triển vọng khi tỉ lệ người cao tuổi chi cho các dịch vụ chiếm 165 tỉ USD/năm” - TS Nguyễn Ngọc Quỳnh nêu ví dụ và cho rằng, người cao tuổi còn là lao động cho xã hội, với khoảng 46% người cao tuổi Việt Nam vẫn đang làm các công việc được trả lương.

Do đó, thích ứng với già hóa dân số không chỉ là giải quyết vấn đề của người cao tuổi mà cần có chính sách tiếp cận toàn diện để chuẩn bị cho giai đoạn dân số già. Còn theo ThS Lê Minh Giang - Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam, để tận dụng được nguồn nhân lực này cần tạo thuận lợi cho người cao tuổi tiếp cận với vốn tín dụng để phát triển sản xuất kinh doanh.

“Già hóa dân số” hay còn gọi là giai đoạn “dân số đang già” là tình trạng dân số có tỉ lệ người từ 65 tuổi trở lên chiếm từ 7% tổng dân số trở lên; hoặc khi tỉ lệ người từ 60 tuổi trở lên chiếm từ 10% tổng dân số trở lên. Giai đoạn “dân số già” là tình trạng dân số có tỉ lệ từ 65 tuổi trở lên chiếm từ 14% tổng dân số trở lên. “Dân số siêu già” là tình trạng dân số có tỉ lệ người từ 65 tuổi trở lên chiếm từ 21% dân số trở lên.

Theo Phong Nguyễn

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên