Giá khí đốt ở châu Âu đạt mức cao nhất trong hai năm qua
Giá khí đốt giao ngay tại châu Âu đã tăng mạnh, đạt 622 USD/1.000m³ vào cuối phiên giao dịch ngày 10/2 tại Hà Lan, tăng 5% chỉ trong một ngày. Trong khi đó, Thủ tướng Slovakia Robert Fico tuyên bố về khả năng chặn nguồn cung cấp khí đốt cho Ukraine từ châu Âu qua Slovakia.
- 11-02-2025Elon Musk mải mê ‘cắt gọt’ chính phủ Mỹ, tỷ lệ ủng hộ Tesla tụt dốc không phanh còn 3%, gây sức ép lên doanh số
- 11-02-2025Ông Trump 'nhất tiễn hạ song điêu' khi lên kế hoạch tiếp quản dải Gaza: Kho báu khí đốt và loại Nga khỏi hệ thống cung cấp năng lượng cho châu Âu
- 11-02-2025Tâm sự của nhân viên cơ quan chính phủ Mỹ bị Elon Musk 'xử lý': Bầu khí ‘căng như dây đàn’, người xin trợ cấp thất nghiệp, người đôn đáo lo cha mẹ già, thai phụ đứng ngồi không yên
Theo Hãng tin Nga Interfax, 622 USD/1.000m³ là mức giá cao nhất kể từ ngày 7/2/2023. Các chuyên gia dự báo trong những ngày tới, giá khí đốt sẽ tiếp tục tăng do thời tiết lạnh hơn tại châu Âu.
Bên cạnh yếu tố thời tiết, giá khí đốt còn bị đẩy lên bởi tình trạng thiếu hụt nguồn cung ở Ukraine. Sau khi Ukraine dừng trung chuyển khí đốt của Tập đoàn năng lượng quốc gia của Nga (Gazprom) qua lãnh thổ của mình, nước này buộc phải mua khí đốt trên thị trường giao ngay của châu Âu, làm gia tăng áp lực lên nguồn cung.

Giá khí đốt ở châu Âu đạt mức cao nhất trong hai năm qua.
Lượng dự trữ khí đốt tại các kho ngầm châu Âu cũng đang giảm nhanh, xuống dưới 50%. Với mức tiêu thụ lớn trong mùa đông này, châu Âu sẽ cần nhập khẩu nhiều khí đốt hơn vào mùa hè để phục hồi dự trữ, đảm bảo đạt mức 90% trước mùa tiêu thụ tiếp theo. Yêu cầu này của EU, cùng với hạn chế nguồn cung từ Gazprom, sẽ tiếp tục đẩy giá khí đốt lên cao trong năm 2025.
Ngoài ra, sản lượng điện gió sụt giảm cũng buộc châu Âu phải sử dụng nhiều khí đốt hơn để sản xuất điện. Trong bối cảnh nguồn cung khí đốt qua đường ống hạn chế, châu Âu đang phải gia tăng nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG). Điều này làm giá khí đốt trên thị trường giao ngay tăng lên, do châu Âu phải cạnh tranh với các nước châu Á để mua khí đốt tự nhiên hóa lỏng.
Trong khi đó, sáng 11/2, Thủ tướng Slovakia Robert Fico tuyên bố về khả năng chặn nguồn cung cấp khí đốt cho Ukraine từ châu Âu qua Slovakia. Theo ông, đây là biện pháp đáp trả đối với Ukraine sau khi Ukraine ngừng vận chuyển khí đốt của Nga sang châu Âu qua lãnh thổ nước này.
VOV