MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá khí đốt tại châu Âu giảm mạnh, thương nhân quyết 'găm hàng', cho tàu trôi dạt ngoài khơi để chờ giá cao hơn

05-11-2022 - 00:04 AM | Thị trường

Giá khí đốt tại châu Âu giảm mạnh, thương nhân quyết 'găm hàng', cho tàu trôi dạt ngoài khơi để chờ giá cao hơn

Giá khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) đã giảm đến hơn 70% so với cuối tháng 8 do châu Âu gần như lấp đầy các kho dự trữ và thời tiết trở nên ôn hòa hơn. Điều này đã khiến thị trường năng lượng tiếp tục rơi vào thế khó.

Theo báo cáo từ các dữ liệu theo dõi tàu chở ngoài khơi, có hơn 30 tàu chở khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) đang trôi dạt ngoài khơi châu Âu trong bối cảnh giá khí đốt tại châu Âu đang ngày càng giảm mạnh.

Theo công ty phân tích vận tải biển Vortexa, các con tàu đang chở những lô hàng LNG trị giá 2 tỷ USD, đang chạy không tải hoặc đi chậm quanh Tây Bắc Châu Âu và bán đảo Iberia. Số lượng tàu LNG trên vùng biển châu Âu đã tăng gấp đôi trong hai tháng qua.

Tình trạng này diễn ra là bởi các thương nhân kiểm soát các tàu chở dầu đang chờ đợi thời điểm khi nhiệt độ lạnh hơn và lượng khí đốt tự nhiên dư thừa trong kho chứa của châu Âu giảm xuống, những yếu tố có thể đẩy giá LNG tăng cao trở lại. 30 tàu khác đang trên đường đi, hiện đang băng qua Đại Tây Dương và dự kiến ​​sẽ đợi để dỡ hàng trước khi mùa đông.

Châu Âu đã lấp đầy các bể chứa của họ đến gần mức giới hạn trước mùa đông. Điều này đã đạt được thông qua việc đặt mua số lượng lớn các lô hàng LNG để thay thế cho khí đốt của Nga. Nhiệt độ cao hơn so với các năm vào thời điểm này đã làm giảm nhu cầu sưởi ấm, giúp giữ cho các kho lưu trữ luôn đầy và giá ngày càng giảm. Theo Gas Infrastructure Europe, tính đến cuối tháng 10, các kho chứa ở châu Âu đạt công suất 94%, với Bỉ đạt 100%, Pháp 99% và Đức 98%.

Giá khí đốt tại châu Âu giảm mạnh, thương nhân quyết găm hàng, cho tàu trôi dạt ngoài khơi để chờ giá cao hơn - Ảnh 1.

Giá khí đốt tại châu Âu giảm mạnh trong thời gian gần đây. Đồ họa: FT

Một tình huống tương tự đã từng xảy ra trong ngành công nghiệp dầu mỏ trong thời kỳ đỉnh điểm của của dịch Covid-19, khi nguồn cung dầu thô dư thừa khiến các nhà giao dịch phải gửi dầu của họ trên tàu như một kho chứa nổi, chờ giá tăng trở lại.

Các tàu chở LNG xếp hàng dài bên ngoài các bến tiếp nhận LNG của Châu Âu. Ông Felix Booth, người đứng đầu LNG tại Vortexa, cho biết thêm rằng có thể sẽ mất thêm một tháng để hàng hóa tìm được bến để giảm tải, các tàu đang cố gắng giữ lại hàng hóa với hi vọng rằng giá sẽ cao hơn khi thời tiết trở nên lạnh hơn.

Hợp đồng khí đốt TTF kỳ hạn của Hà Lan - hợp đồng tiêu chuẩn của châu Âu, đã giảm mạnh trong những tháng gần đây bởi khí hậu ôn hòa và việc dự trữ chủ yếu ở châu Âu đã tác động lên giá cả. Các hợp đồng TTF giao vào tháng 11 đã được giao dịch dưới 85 euro/MWh ( tương đương 24,2 USD/mBTU), thấp hơn khoảng 70% so với mức đỉnh ghi nhận vào cuối tháng 8.

Thị trường khí đốt giờ đây đang ở trong tình huống được gọi là “contango”, trong đó giá giao hàng hóa tương lai được giao dịch cao hơn giá giao ngay. Các hợp đồng TTF giao trong tháng 12 cao hơn khoảng 30% so với hợp đồng tháng 11 đã đóng và đặc biệt, hợp đồng tháng 1 cao hơn tháng 11 đến 35%. Điều này càng khuyến khích các thương nhân giữ lại hàng để giao càng muộn càng tốt.

Tuy nhiên điều này lại mang đến một mối lo cho châu Á. Việc giữ hàng đã dẫn đến việc khan hiếm các tàu có sẵn, đẩy giá vận chuyển tăng cao hơn và ngày càng trở nên xa tầm với của các khách hàng châu Á – vốn đang phải cạnh tranh với châu Âu về hàng hóa trong suốt năm vừa qua.

Theo nhà cung cấp dữ liệu Argus Media, chi phí vận chuyển hàng hóa từ Bờ Vịnh Mỹ đến Đông Bắc Á là 478.000 USD/ngày và đến Tây Bắc Châu Âu là 468.000 USD/ngày. Cả hai đều cao kỷ lục và gấp đôi giá so với một năm trước.

Giá LNG chuẩn của châu Á thường được giao dịch cao hơn giá châu Âu trong những tuần gần đây, điều này sẽ là động lực cho các thương nhân gửi hàng hóa của họ đến châu Á. Tuy nhiên thị trường vận tải LNG bị thắt chặt đồng nghĩa với việc rất ít công ty có thể đảm bảo năng lực vận chuyển.

Ông Samuel Good, người đứng đầu bộ phận định giá LNG của Argus Media cho biết: “Các công ty đã tìm cách đẩy hàng hóa sẽ được giao đến châu Âu vào cuối tháng 11 sang đầu tháng 12 do giá cao hơn. Và thay vì đẩy hàng đến châu Á để hưởng lợi do giá cao hơn thì họ chọn chạy không tải gần khu vực châu Âu do cần ít ngày thuê tàu hơn.”

Theo FT

Như Quỳnh

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên