MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá kính xây dựng tăng bất thường: Xuất hiện đầu cơ, trục lợi?

18-08-2016 - 17:16 PM | Thị trường

Chỉ trong vòng hơn 1 tháng, giá kính xây dựng đã 4 lần thay đổi giá, giá mới nhất tăng gấp rưỡi.

Nguyên nhân được Hiệp hội kính thủy tinh Việt Nam chỉ ra, do một nhà máy sản xuất kính bảo dưỡng làm thiếu hụt nguồn cung và nhu cầu tăng cao.Tuy nhiên, điều bất thường ở chỗ, nhà máy kính sản xuất kính xây dựng Tràng An đang dừng bảo dưỡng chỉ chiếm 14% thị phần không thể đẩy giá kính tăng cao. Liệu có hiện tượng các nhà máy kính, nhà phân phối cố tình đầu cơ trục lợi.

Theo các đại lý phân phối kính xây dựng tại đường Nguyễn Xiển (Thanh Xuân, Hà Nội), giá hiện tại các loại kính tay vịn, kính nổi đã tăng khoảng 40 đến 50% so với cách đây một tháng. Cụ thể, giá kính nổi khoảng 320.000 đồng/m2 nay đã vọt lên 430.000 đồng/m2. Giá kính tay vịn cũng tăng mạnh lên tới vài trăm nghìn/m2 từ giữa tháng 6.

Một chủ đại lý phân phối các loại kính xây dựng cao cấp nhận định, giá đã tăng khoảng 4 lần, vào đầu tháng 6 chỉ 2-3%/ lần, nhưng những lần sau tăng tới 15-20%. Khi được hỏi nguyên nhân giá kính tăng cao, chủ đại lý kính này cho biết các Cty sản xuất kính báo giá tăng từ giữa tháng 6, tới cuối tháng 6 tăng mạnh tới 20-30%

Trong khi đó, các đại lý bán vật liệu xây dựng trên đường Hoàng Quốc Việt (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cũng thông báo các loại kính nổi, các loại kính cường lực làm cầu thang, mái, lan can cũng tăng giá mạnh. Anh Nguyễn Văn Phương, đại lý kính nói, các năm trước càng vào cuối năm từ tháng 9 thì nhu cầu kính tăng cao, nhưng vài năm trở lại đây chưa có đợt nào tăng giá mạnh như lần này. “Không phải đại lý muốn bán giá cao mà giá từ nguồn các nhà máy cũng tăng giá”, anh Phương nói.

Theo Hiệp hội kính thủy tinh Việt Nam, hiện cả nước có 4 nhà máy sản xuất kính xây dựng, gồm nhà máy kính chu lai có công suất 900 nghìn tấn/ngày, nhà máy kính Việt Nhật có 550 nghìn tấn/ngày, nhà máy kính Bình Dương có 450 nghìn tấn/ngày, nhà máy kính Tràng An có 300 nghìn tấn/ngày. Giải thích về việc giá kính xây dựng tăng cao, đại diện Hiệp hội này cho rằng, cách đây 2 tháng nhà máy kính Tràng An dừng sản xuất và bảo dưỡng khiến một phần nguồn cung bị gián đoạn. Ngoài ra, nhu cầu kính xây dựng tăng cao do các dự án bất động sản dần phục hồi, nguồn cung không đủ cầu,

Hiệp hội kính thủy tinh Việt Nam cho biết, nguồn cung bị hạn chế nhưng nhu cầu tăng cao tạo ra áp lực nguồn cung. Đại diện hiệp hội này lo ngại, giá kính xây dựng vẫn sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, giá kính xây dựng khó thể quay về giá ban đầu, bởi nhà máy kính Tràng An chưa biết bao giờ quay trở lại. “Càng vào giai đoạn cuối năm thì nhu cầu càng tăng lên, đặc biệt lo lắng, nguồn cung gián đoạn. Thực tế vẫn còn hàng nhưng các đơn vị phân phối có thể giảm bán, tăng mua”, ông Lê Văn Thọ- Phó Chủ tịch Hiệp hội kính thủy tinh Việt Nam- cho biết.

Tuy nhiên, điểm bất thường được đặt ra khi nguồn cung từ nhà máy kính Tràng An chỉ chiếm 14% thị trường. Nhận định về giá kính xây dựng tăng cao khi một nhà máy sản xuất kính không năng lực chi phối tạm ngừng hoạt động, một chuyên gia BĐS khẳng định: Nhà máy kính Tràng An ngừng hoạt động không thể tác động mạnh khiến giá kính xây dựng tăng gấp rưỡi chỉ trong 1 tháng như vừa qua. Vị chuyên gia này phân tích việc một số Cty trong nước tăng giá bán kính rất vô lý vì một loạt chi phí đầu vào như lãi suất, dầu FO, gas... đều không tăng thời gian qua.

Bởi vậy, theo vị chuyên gia này, có quá nhiều yếu tố bất thường nên có thể đặt ra giả thiết, các nhà máy sản xuất kính, các đại lý phân phối lớn đang lợi dụng khi nhu cầu về kính xây dựng tăng cao để tăng giá. “Phân khúc BĐS cao cấp đang chiếm ưu thế giúp đẩy nhu cầu về kính xây dựng tăng cao. Các Cty sản xuất kính và đại lý lớn có thể lợi dụng điều này để đẩy giá”, vị chuyên gia này cho biết.

Theo T.Thông

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên