Giá lợn hơi miền Bắc vừa tăng lại đột ngột giảm bất ngờ, do đâu?
Giá lợn hơi miền Bắc vừa tăng mạnh, lại đột ngột giảm trong vài ngày gần đây.
- 04-03-2019Khống chế dịch tả lợn châu Phi: Đề xuất hỗ trợ 80% giá lợn con, thịt buộc phải tiêu hủy
- 17-12-2018Giá lợn hơi trong nước vẫn đang ở mức cao trong khu vực
- 01-12-2018Giá lợn “hạ nhiệt” nhưng vẫn ở mức cao trong khu vực
Theo Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại, Bộ Công Thương, giá lợn hơi tại miền Bắc đang diễn biến khá phức tạp khi vừa tăng mạnh, nhưng sau đó cũng quay đầu giảm mà chưa rõ nguyên do. Cụ thể tính tới hết ngày 13/4, giá lợn hơi tại Tuyên Quang giảm 2 nghìn đồng xuống 43 nghìn đồng/kg; Hải Dương, Hưng Yên giảm khoảng 1 nghìn đồng xuống lần lượt còn 40 và 42 nghìn đồng/kg. Khu vực nằm trong ổ dịch tả lợn châu Phi như Thái Bình, Hưng Yên giá xuống còn 34 - 36 nghìn đồng/kg.
Trong khi đó, ghi nhận tại các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và Nam Bộ, giá lợn vẫn đang tiếp tục tăng. Chẳng hạn tại Hà Tĩnh và Quảng Bình đồng loạt tăng thêm 2 nghìn đồng/kg lên 40 nghìn đồng /kg; tại Đắk Lắk, Lâm Đồng giá đạt 43- 45 nghìn đồng/kg. Đáng chú ý, tại miền Nam giá tăng nhiều nơi có mức tăng mạnh như: Bình Phước tăng 3 nghìn đồng /kg lên 45 nghìn đồng. Các địa phương khác, giá lợn hơi đang ở mức cao, trong đó, Tiền Giang, Hậu Giang, Trà Vinh, Long An, Cần Thơ và Sóc Trăng giao dịch ở mức 47 - 49 nghìn đồng/kg.
Về tình hình dịch tả lợn châu Phi, sau Hòa Bình, Bắc Kạn là tỉnh thứ hai tới nay đã công bố hết dịch. Theo đại diện Cục Thú y, Bộ NN-PTNT nếu kiểm soát tốt dịch bệnh, không để phát sinh thêm ổ dịch mới, thì trong vòng 5 ngày tới, sẽ có thêm 4 - 5 tỉnh đủ điều kiện công bố hết dịch. Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp khi mới đây, một ổ dịch thứ ba đã được phát hiện ở một hộ gia đình tại Thừa Thiên Huế rất gần với hai ổ dịch trước đó ở huyện Phong Điền. Đáng chú ý, mới đây, Campuchia đã phát hiện ổ dịch đầu tiên tại một trang trại hộ gia đình gần biên giới Việt Nam.
Tại Trung Quốc, giá lợn hơi cũng giảm nhẹ so với tuần trước, mức giá hiện tại khoảng 52 nghìn đồng/kg. Nguyên nhân biến động này được cho là nguồn cung lợn giống thắt chặt, nhưng nguồn cung thịt lợn vẫn đủ, cùng với nhu cầu ở mức thấp. Các doanh nghiệp giết mổ bắt đầu công việc kiểm tra, làm tăng chi phí trong khi nhu cầu không có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, các nhà phân tích thị trường cho biết, các yếu tố xung đột trên sẽ khiến sự suy giảm về giá chậm lại, theo đó giá lợn lại có khả năng tăng nhẹ trong thời gian tới.
Báo giao thông