MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giả mạo ngân hàng cho vay tín chấp, ăn cắp tiền rồi biến mất

11-07-2022 - 13:58 PM | Kinh tế số

Cho vay tín chấp đang nở rộ từ nhu cầu thực tế của nhiều người. (Ảnh: Hải Đăng)

Cho vay tín chấp đang nở rộ từ nhu cầu thực tế của nhiều người. (Ảnh: Hải Đăng)

Kẻ gian thông báo người dùng đủ điều kiện nhận khoản vay tín chấp, sau đó yêu cầu đóng các khoản phí rồi ôm tiền bỏ trốn.

Phía VPBank thông tin, thời gian qua ngân hàng này phát hiện một số đối tượng mạo danh nhân viên của VPBank gọi điện thoại, nhắn tin, gửi email lừa đảo hướng dẫn khách hàng đăng ký khoản vay tín chấp.

Kẻ xấu thông báo khách hàng đủ điều kiện vay tín chấp và yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân để mở hồ sơ vay.

Sau đó, chúng cho biết khoản vay đã được phê duyệt và hạn mức tương ứng, yêu cầu khách hàng đóng một khoản phí bảo hiểm vào tài khoản cá nhân do kẻ gian cung cấp

Sau khi khách hàng chuyển khoản phí bảo hiểm, đối tượng dọa hồ sơ vay của khách hàng đang “có vấn đề”, hệ thống ghi nhận nợ xấu cần đóng tiền để xóa nợ xấu,….và yêu cầu khách hàng đóng thêm tiền để xử lý.

Nhân viên giả mạo đe doạ nếu không nộp tiền sẽ không nhận được tiền vay và vẫn bị tính là đã phát sinh dư nợ với ngân hàng, đồng nghĩa với việc phải thanh toán cả gốc và lãi của khoản vay.

Khách hàng sau khi chuyển hết các số tiền như yêu cầu thì đối tượng lừa đảo cắt đứt liên lạc và ôm toàn bộ số tiền biến mất.

VP Bank cho hay rất nhiều khách hàng đã “sập bẫy” kẻ gian vì chưa hiểu rõ quy trình vay vốn tại các ngân hàng.

Để không bị lừa bởi chiêu thức mới này, ngân hàng khuyên người dân cảnh giác với điện thoại, tin nhắn, email xưng danh nhân viên ngân hàng tiếp thị và hướng dẫn vay vốn không rõ ràng và yêu cầu phải chuyển khoản, thu phí mở thẻ, vay vốn. Nhân viên ngân hàng không được phép thu hộ/đóng hộ bất kỳ khoản tiền nào cho khách.

Ngoài ra, người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ nhằm tránh bị kẻ gian lấy cắp thông tin cá nhân và sử dụng trái phép.

Tương tự một số hình thức lừa đảo khác, kẻ gian thường cung cấp các đường link giả mạo để trộm tiền của người nhẹ dạ. Do đó, người dùng không truy cập và thực hiện giao dịch tín dụng trên các link, website lạ nhận được qua điện thoại, tin nhắn, email. Tuyệt đối không nạp tiền, chuyển tiền cho người lạ với nội dung để mở thẻ tín dụng, vay vốn ngân hàng hoặc có các dấu hiệu nghi ngờ khác.

Một báo cáo gần đây của Kaspersky cho thấy, có 26,36% các nỗ lực lừa đảo tại Việt Nam trong tháng 4 vừa qua liên quan đến tài chính, nhắm vào ngân hàng, các hệ thống thanh toán và cửa hàng trực tuyến. Tức là cứ 4 vụ lừa đảo trên mạng được ghi nhận thì có 1 vụ liên quan đến tài chính.

Mặc dù lừa đảo tài chính rộ lên tại Việt Nam, song tỷ lệ lừa đảo dạng này của Việt Nam vẫn thấp hơn so với khu vực Đông Nam Á. Theo ghi nhận, lừa đảo tài chính là một hình thức lừa đảo phổ biến tại Đông Nam Á, chiếm tỷ lệ hơn 40% ở hầu hết các quốc gia trong khu vực này. Philippines là quốc gia có tỷ lệ tấn công tài chính cao nhất với 64,03%, tiếp theo là Thái Lan với 56,35%.

Trong khi đó, với 26,36%, Việt Nam có tỷ lệ bị tấn công tài chính thấp nhất so với các nước trong khu vực và thấp hơn nhiều so với tỷ lệ trung bình của Đông Nam Á (43,06%).

Theo Hải Đăng

ICT News

Trở lên trên