Giá nhiên liệu tăng cao, một quốc gia châu Âu cân nhắc hỗ trợ tiền xăng xe cho người lao động
Trước cảnh giá xăng dầu liên tục lập kỷ lục mới, chính phủ Đức đang xem xét hỗ trợ tài chính về chi phí đi lại cho người lao động.
- 21-03-2022Giá xăng giảm gần 700 đồng/lít
- 20-03-2022Không chỉ xe mới, ô tô cũ tiết kiệm xăng cũng tăng giá chóng mặt
- 18-03-2022Giá xăng Trung Quốc cao nhất hơn một thập kỷ
Kể từ Giáng sinh năm ngoái, giá nhiên liệu E10 và dầu diesel ở Đức đã tăng lần lượt 26% và 35%. Bắt đầu từ lúc xung đột vũ trang nổ ra ở Ukraine, giá nhiên liệu đã tăng đáng kể ở Đức. Dầu diesel tăng khoảng 66 cent một lít (gần 16.700 đồng), trong khi một lít xăng E10 tăng khoảng 45 cent (gần 11.400 đồng). ADAC cảnh báo giá nhiên liệu ở Đức có thể tăng cao hơn nữa do hậu quả của cuộc khủng hoảng Ukraine và các hậu quả liên quan.
Những người lái xe ô tô ở Đức thậm chí đã phải trả thêm thuế carbon dioxide (CO2) đối với xăng và dầu diesel kể từ đầu năm 2021. Giá thuế CO2 trong lĩnh vực giao thông và nhà ở của nước này hiện là 30 euro/tấn CO2 và sẽ dần được nâng lên 55 euro vào năm 2025.
Sự tăng giá chóng mặt của năng lượng đã khiến chính phủ nước này đưa ra một loạt các biện pháp nhằm giảm bớt gánh nặng cho các hộ gia đình, bao gồm bãi bỏ thuế theo Đạo luật Năng lượng tái tạo (EEG) sớm hơn kế hoạch, cung cấp các khoản trợ cấp cho các hộ gia đình có thu nhập thấp.
Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho biết, làn sóng tăng giá trong lĩnh vực năng lượng ngày càng trở nên khó khăn đối với các hộ gia đình. "Chi phí cho việc sưởi ấm, giá điện và giá nhiên liệu cực cao đang gây áp lực lên các hộ gia đình, nhóm thu nhập càng thấp thì ảnh hưởng càng nhiều", ông đánh giá.
Ông cũng công bố, chính phủ Đức sẽ tung ra thêm một gói cứu trợ, trong đó có một số hình thức hỗ trợ tài chính để giảm bớt gánh nặng về giá nhiên liệu tăng cao cho người đi làm. Khoản trợ cấp từ 20 euro (22 USD) đến 50 euro mỗi tháng, với mức chi trả cao nhất cho các nhóm có thu nhập thấp nhất. Các hộ gia đình có thu nhập cao sẽ bị loại trừ. Theo báo cáo, khoản tiền này sẽ được thanh toán trong ít nhất ba tháng và khiến chính phủ tiêu tốn 1 tỷ euro mỗi tháng.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Robert Habeck cho biết, gói cứu trợ này có lẽ sẽ không dễ dàng như gói trợ giá xăng do Bộ trưởng Tài chính Đức, Christian Linder đề xuất. Chính trị gia hàng đầu của FDP, Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner, trước đó đã đề xuất giảm giá xăng để giúp đỡ những người đi làm, nhưng ý tưởng này đã bị một số thành viên của liên minh phản đối.
Bộ trưởng Kinh tế Đức cho biết, ông muốn hỗ trợ tài chính trước tình trạng tăng giá nhiên liệu và điện "càng sớm càng tốt". Tuy nhiên, cơ quan của ông vẫn chưa thể công bố quyết định.
Về khoản trợ giá nhiên liệu cho các tài xế ôtô của Bộ Tài chính Đức, đến nay số tiền trợ cấp vẫn chưa được xác định. Theo dự kiến, số tiền này sẽ được khấu trừ vào hóa đơn của tài xế khi thanh toán tại trạm xăng. Người điều hành cây xăng sau đó sẽ phải nộp biên lai cho cơ quan thuế để đòi lại tiền.
Hiện nay, chính phủ các nước châu Âu đang tìm cách giải quyết vấn đề giá năng lượng và các hàng hóa khác tăng cao để duy trì sự ủng hộ của cử tri với các lệnh trừng phạt chống lại Nga vì đã tấn công Ukraine.
Ngày 16/3, Đức đã thông qua gói 4,5 tỷ euro (5 tỷ USD) giảm thuế cho người tiêu dùng và đang tranh luận về các biện pháp viện trợ thêm. Trong khi đó, Thủ tướng Pháp Jean Castex đưa ra các biện pháp mới, bao gồm tài trợ cho các công ty sử dụng nhiều năng lượng ước tính trị giá khoảng 3 tỷ euro.
Hy Lạp thông báo sẽ cung cấp một khoản trợ cấp cho những người có mức hưu trí thấp và các nhóm dễ bị tổn thương khác. Bồ Đào Nha đã giảm thuế nhiên liệu và cung cấp hạn mức tín dụng 400 triệu euro cho các ngành bị ảnh hưởng.
Tham khảo: Bloomberg