MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Fitch Ratings: Xu hướng tăng giá quặng sắt sẽ tiếp diễn

11-06-2021 - 05:43 AM | Thị trường

Fitch Ratings: Xu hướng tăng giá quặng sắt sẽ tiếp diễn

Trong khi thị trường xuất hiện một số nhận định rằng đà tăng giá của quặng sắt sẽ mất trong nửa cuối năm 2021 thì cơ quan xếp hạng tín dụng Fitch Ratings dự báo xu hướng giá tăng (giá trung bình so với cùng kỳ năm trước) sẽ còn tiếp diễn.

Cơ sở dự báo của Fitch Ratings là nguồn cung trên thị trường tiếp tục eo hẹp và phải mất một thời gian nữa thì các dự án mới mới có thể bù đắp cho phần sụt giảm sản lượng ở những mỏ hiện tại.

Theo Fitch Ratings, nhu cầu ở Trung Quốc dự báo sẽ giảm từ năm 2022 do những biện pháp kích thích kinh tế chống đại dịch Covid-19 giảm dần và chủ trương của nước này về dài hạn là chuyển đổi từ nền kinh tế phụ thuộc và xuất khẩu sang nền kinh tế do tiêu dùng dẫn dắt. Tuy nhiên, nhu cầu ở những khu vực khác trên thế giới dự báo sẽ tiếp tục tăng, bù đắp cho thị trường Trung Quốc.

Dự báo nhu cầu quặng sắt thế giới năm 2021 sẽ đi ngang, và dự báo thị trường sẽ vẫn thiếu hụt quặng sắt như năm 2020. Năm 2020, nguồn cung quặng sắt giá rẻ vận chuyển qua đường biển trên toàn cầu thiếu hụt khoảng 90 đến 100 triệu tấn, khiến cho lượng tồn trữ đầu năm 2021 xuống mức rất thấp. đẩy giá mặt hàng này liên tiếp tăng trong hơn 4 tháng đầu năm và hiện ở mức rất cao.

Theo Oliver Schuh, Giám đốc cấp cao về tài nguyên thiên nhiên của khu vực châu Âu, Trung Đông và châu Phi của Fitch Ratings, mặc dù nhu cầu quặng sắt của Trung Quốc quý I/2020 thấp do việc phong tỏa toàn quốc chống Covid-19, nhưng sản xuất thép của nước này nhìn chung tăng trong suốt cả năm nhờ các chương trình kích thích kinh tế, từ đó kéo nhu cầu quặng sắt tăng theo.

Xu hướng năm 2021 ngược lại với năm 2020. Bất chấp số liệu sản xuất thép liên tiếp phá những kỷ lục cao trước đây vào năm 2020 và đầu năm 2021, sản lượng thép các quý trong năm 2021 dự báo sẽ giảm so với quý liền trước do các biện pháp kích thích kinh tế giảm dần. Mặc dù vậy, sản lượng thép của nước này năm nay sẽ vẫn tương tự năm 2020.

Tuy nhiên, sản lượng thép Trung Quốc đang trong giai đoạn đỉnh điểm, đạt mức cao nhất mọi thời đại, và dự báo sẽ giảm dần từ 2022 trở đi, khi nước này hướng mục tiêu tới nền kinh tế do tiêu dùng dẫn dắt, giảm bớt tập trung vào cơ sở hạ tầng và xây dựng như trước đây.

Ông Schuh cho biết: "Sản lượng thép (của Trung Quốc) đạt đỉnh cao vào năm 2020, và sự phục hồi ở các thị trường khác trên toàn cầu sẽ diễn ra vào cuối năm nay, khiến giá quặng sắt sẽ tăng trong suốt cả năm nay".

Trong khi đó, vào tháng 12/2020, công ty khai thác quặng sắt Vale đã cắt giảm kế hoạch sản xuất trong năm 2021 do một số mỏ phải ngừng hoạt động hoặc tạm dừng để chờ được phê duyệt theo quy định, dẫn tới việc hãng này không đáp ứng đủ nhu cầu ngày càng tăng trên toàn cầu. Ngay sau thông báo đó, giá quặng sắt thế giới tháng 12/2020 đã tăng lên 152 USD/tấn, so với 122 USD/tấn một tháng trước đó (tháng 11/2020). Kết quả là, tồn trữ quặng sắt ở các cảng biển Trung Quốc vào đầu năm 2021 giảm xuống mức rất thấp, chỉ tương đương khoảng 60 ngày tiêu dùng (so với khoảng 70 ngày ở cùng thời điểm trong các năm trước), khiến giá tại Trung Quốc tăng lên 165 – 170 USD/tấn vào tháng 1 và 2/2021.

Theo Fitch Ratings, giá quặng sắt trung bình năm 2021 sẽ là 125 USD/tấn, năm 2022 là 90 USD/tấn, năm 2023 là 80 USD/tấn và 2024 là 70 USD/tấn. Theo Giám đốc Oliver Schuh của Fitch Ratings, những mức giá dự báo đó phản ánh mức sản xuất thép của Trung Quốc – năm nay cao nhất mọi thời đại – cũng như sự hồi phục sản xuất quặng sắt ở Brazil (quốc gia sản xuất quặng sắt lớn thứ 2 thế giới) sau thảm họa Brumadinho năm 2019, khiến Vale phải đóng cửa một số mỏ vào tháng 2/2019 vì lo ngại về độ an toàn sau thảm họa. Sau đó, kế hoạch khôi phục sản xuất của Vale bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch Covid-19.

Fitch Ratings dự báo giá quặng sắt thế giới sẽ trở lại mức bình thường, 80 – 90 USD/tấn trong vòng 5 năm tới, khi cán cân cung – cầu dần cải thiện về trạng thái cân bằng, rồi tiến tới là dư thừa, nhưng không nhiều.

Trong thập kỷ tới, nguồn cung quặng sắt có thể sẽ có sự cải thiện nếu mỏ Simandou của Guinea đi vào sản xuất vào cuối thập kỷ này - có thể cung cấp quặng sắt lên tới 60 - 150 triệu tấn/năm.

Tháng 5/2021, giá sắt thép đã đạt kỷ lục cao chưa từng có trong lịch sử, làm gia tăng áp lực về lạm phát và buộc nước này phải có những biện pháp kiểm soát giá.

Sau đó, giá giảm trong khoảng 2 tuần, và hiện có xu hướng tăng trở lại.

Phiên 10/6, giá quặng sắt kỳ hạn tháng 9 trên Sàn giao dịch Hàng hóa Đại Liên tăng 0,7% lên 1.178 CNY (184,53 USD)/tấn; kỳ hạn tháng 7 trên sàn Singapore tăng 2,1% lên 209,1 USD/tấn, do các yếu tố cơ bản vẫn mạnh mẽ.

Giá quặng sắt hàm lượng 62% nhập khẩu tại cảng biển Trung Quốc phiên 9/6 đã tăng lên 213 USD/tấn, cao nhất kể từ ngày 19/5.

Giá thép thanh vằn cùng phiên tăng 2,7%, thép cuộn cán nóng tăng 2,3%, trong khi thép không gỉ tăng 1,5%.

Fitch Ratings: Xu hướng tăng giá quặng sắt sẽ tiếp diễn - Ảnh 1.

Mức tăng giá quặng sắt nhập khẩu vào TQ từ đầu năm tới nay

Vivek Dhar, nhà phân tích hàng hóa của Ngân hàng Commonwealth Bank of Australia cho biết: "Những dữ liệu chúng tôi thu được cho thấy khách hàng Trung Quốc đã giảm ưa thích đối với các loại quặng chất lượng cao do biên lợi nhuận của các nhà máy thép đã giảm xuống chỉ còn khoảng 75-85% so với mức đỉnh vào giữa tháng 5" và "dự báo lợi nhuận của ngành thép Trung Quốc sẽ còn giảm nữa, nên nhu cầu sẽ vẫn phổ biến đối với quặng chất lượng trung bình".

Đố với thị trường Việt Nam, giá sắt thép tăng khiến kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này tăng khá mạnh.

Thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong giai đoạn tháng 1-4/2021, cả nước nhập khẩu trên 5,02 triệu tấn sắt thép các loại, tương đương trên 3,73 tỷ USD, giá trung bình 743,3 USD/tấn, tăng cả về lượng, kim ngạch và giá so với 4 tháng đầu năm 2020, với mức tăng tương ứng 12,8%, 37,3% và 21,7%.

So sánh nhập khẩu sắt thép trong 4 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm 2020 thì thấy ngoài thị trường chủ đạo - Trung Quốc - tăng mạnh cả về lượng, kim ngạch và giá, thì các thị trường khác mặc dù sụt giảm mạnh về lượng, nhưng kim ngạch và giá lại tăng cao. Ngoài ra, đáng chú ý là nhập khẩu từ thị trường Nga mặc dù kim ngạch không lớn, nhưng so với cùng kỳ thì tăng rất mạnh, tăng 155% cả về lượng và tăng 196% kim ngạch, đạt 298.575 tấn, tương đương 155,3 triệu USD.

Sắt thép có xuất xứ từ Trung Quốc được nhập khẩu về Việt Nam nhiều nhất, tới 2,63 triệu tấn trong 4 tháng đầu năm nay, kim ngạch 1,83 tỷ USD, giá trung bình 696 USD/tấn, chiếm trên 52,3% trong tổng lượng và chiếm 49% trong tổng kim ngạch nhập khẩu sắt thép của cả nước, tăng mạnh 70,5% về lượng, tăng 96% về kim ngạch và tăng 15% về giá so với 4 tháng đầu năm 2020. Sắt thép nhập khẩu từ thị trường Nhật Bản đạt 665.116 tấn, tương đương 497,45 triệu USD, giá 747,9 USD/tấn, giảm 18% về lượng nhưng tăng 2,5% về kim ngạch và tăng 25,6% về giá so với cùng kỳ năm trước, chiếm trên 13% trong tổng lượng và tổng kim ngạch sắt thép nhập khẩu của cả nước. 

Nhập khẩu từ thị trường Hàn Quốc đạt 524.545 tấn, tương đương 487,62 triệu USD, giá 929,6 USD/tấn, giảm 10,6% về lượng nhưng tăng 11,7% về kim ngạch và tăng 25% về giá so với cùng kỳ năm 2020; chiếm 10,4% trong tổng lượng sắt thép nhập khẩu của cả nước và chiếm 13% trong tổng kim ngạch.

Tham khảo: Miningreview, Reuters

Vũ Ngọc Diệp

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên