Giá quặng sắt thấp nhất hơn 4 tháng, đà giảm vẫn chưa dừng lại
Giá quặng sắt Châu Á giảm 5 phiên liên tiếp xuống mức thấp nhất trong vòng hơn 4 tháng do lo ngại nhu cầu của Trung Quốc suy yếu.
- 07-08-2021Thị trường ngày 7/8: Giá dầu, đồng, sắt thép và cà phê đồng loạt giảm, vàng thấp nhất hơn 1 tháng
- 01-08-2021Thị trường quặng sắt đang “sụp đổ” nhưng giá thép vẫn tăng nóng
Ngày 10/8, giá quặng sắt kỳ hạn tháng 1/2022 trên sàn Đại Liên (Trung Quốc) lúc kết thúc phiên giao dịch giảm 1,3% so với phiên liền trước, xuống 853 nhân dân tệ (131,64 USD)/tấn, sau khi có thời điểm xuống chỉ 823 nhân dân tệ, mức thấp nhất kể từ ngày 26/3.
Cũng trong phiên này, quặng sắt kỳ hạn tháng 9 trên sàn Singapore giảm 0,8% xuống 159,25 USD/tấn vào cuối phiên, sau khi có thời điểm xuống chỉ 156,30 USD, thấp nhất kể từ ngày 19/4.
Quặng sắt 62% nhập khẩu vào Trung Quốc, giao ngay tại cảng biển, cũng xuống mức thấp nhất kể từ 2/4, chỉ còn 168,5 USD/tấn, theo dữ liệu của công ty tư vấn SteelHome.
Việc giá quặng sắt ngày càng rời xa mức cao kỷ lục của tháng 5/2021 (khi đó đạt 237,57 USD/tấn) chủ yếu do động thái cắt giảm sản lượng thép ở Trung Quốc nhằm giảm lượng khí phát thải.
Giá quặng sắt tại Trung Quốc
Sản lượng thép bị hạn chế nên giá thép tại Trung Quốc tăng, bất chấp giá quặng sắt giảm. Theo đó, giá thép thanh vằn – dùng trong xây dựng – trên sàn Thượng Hải kết thúc phiên 10/8 tăng 2%, trong khi thép cuộn cán nóng tăng 2,2%, riêng thép không gỉ giảm 0,9%.
Nhà tư vấn tài nguyên thiên nhiên Wood Mackenzie cho biết ngành thép thế giới sẽ cần ưu tiên mục tiêu khử cacbon để đạt mục đích đầy khó khăn là cắt giảm 75% lượng khí thải cacbon nhằm giữ cho nhiệt độ toàn cầu chỉ tăng dưới 2%.
Nhà phân tích cấp cao Mihir Vora của Wood Mackenzie cho biết: "Các nền kinh tế tiên tiến sẽ cần phải làm nhiều hơn nữa để hạn chế phát thải thông qua các con đường sản xuất thép theo phương pháp mới, sáng tạo như sử dụng hydro".
Yếu tố tâm lý của nhà đầu tư cũng ảnh hưởng đến giá quặng sắt, sau khi Trung Quốc công bố dữ liệu cho thấy xuất khẩu bất ngờ tăng chậm lại trong tháng 7 do ảnh hưởng từ đợt bùng phát dịch Covid-19 tồi tệ nhất kể từ đầu năm ngoái, với số ca nhiễm Covi-19 tăng nhanh ở hàng chục thành phố của nước này. Các nhà đầu tư lo ngại không biết Trung Quốc sẽ cần bao lâu thời gian để kiểm soát được dịch Covid-19 bùng phát lần này, đồng thời khôi phục lại hoạt động đi lại cũng như vận chuyển hàng hóa, dịch vụ. Điều đó đang gây áp lực lên lạm phát, và làm cho hoạt động sản xuất bị chậm lại, cản trở đà hồi phục kinh tế.
Có nhiều khả năng nhu cầu quặng sắt của Trung Quốc – nơi chiếm hơn một nửa sản lượng thép thế giới – sẽ còn vẫn yếu sau năm 2021, bởi nước này cần tiếp tục kiểm soát sản lượng thép sau đó, cho đến khi tổ chức Thế vận hội Olympic Bắc Kinh mùa đông, vào tháng Hai.
Thành phố Đường Sơn, trung tâm sản xuất thép của Trung Quốc, đã phác thảo kế hoạch giả định về việc kiểm soát chất lượng không khí trong thời gian diễn ra các môn thể thao – được phát trực tiếp trên sóng truyền hình, bao gồm cả những yêu cầu về việc hạn chế sản xuất thép tại các nhà máy thép và nhà máy luyện cốc.
"Với triển vọng sản lượng sắt lò cao giảm trong 6 tháng cuối năm 2021 và xuất khẩu quặng sắt từ Australia và Brazil hồi phục, chúng tôi dự báo giá quặng sắt CFR Trung Quốc trung hạn sẽ ở mức 140-170 USD/tấn", Atilla Widnell, giám đốc điều hành của công ty Navigate Commodities ở Singapore nhận định.
Mặc dù liên tiếp giảm gần đây, song giá sắt thép hiện vẫn cao hơn đáng kể so với đầu năm 2021, theo đó quặng sắt cao hơn khoảng 12%.
Mức tăng giá sắt thép Trung Quốc năm 2022
Nhập khẩu quặng vào Trung Quốc giảm
Nhập khẩu quặng sắt của Trung Quốc đã giảm tháng thứ tư liên tiếp về khối lượng, là dấu hiệu mới nhất cho thấy những hạn chế của Bắc Kinh đối với sản lượng thép đang làm giảm nhu cầu đối với khoáng sản này.
Dữ liệu thương mại mới nhất của Trung Quốc vừa công bố cho thấy nhập khẩu quặng sắt đã giảm xuống 88,51 triệu tấn trong tháng 7 so với 89,41 triệu của tháng liền trước. So với cùng tháng năm ngoái, nhập khẩu trong tháng 7 cũng giảm 21% (tháng 7/2020 nhập khẩu 112,6 triệu tấn), theo dữ liệu do MySteel.
Nhập khẩu nguyên liệu chính trong sản xuất thép của Trung Quốc đã giảm kể từ tháng 3, mặc dù một số lúc giảm là do nguồn cung bị hạn chế. Trung Quốc nhập khẩu 102,1 triệu tấn quặng sắt trong tháng 3, 98,56 triệu tấn trong tháng 4, 89,79 triệu tấn trong tháng 5 và 89,41 triệu tấn trong tháng 6.
Các nhà phân tích cho rằng những dữ liệu mới nhất là một dấu hiệu cho thấy các chính sách của Chính phủ Trung Quốc nhằm giảm sản lượng thép để đáp ứng các mục tiêu phát thải carbon của bắt đầu có tác động.
"Các nhà máy thép ở khu vực Sơn Tây đã được lệnh cắt giảm sản lượng 50% để giới hạn sản lượng thép dưới mức cao kỷ lục của năm ngoái", các nhà phân tích của Westpac cho biết.
Nhu cầu quặng sắt của Trung Quốc giảm đúng lúc xuất khẩu từ Australia và Brazil đang tăng lên.
Bất kỳ sự thay đổi cơ cấu nào liên quan đến nhu cầu mạnh mẽ của Trung Quốc đối với quặng sắt đều là tin xấu đối với những hãng khai thác quặng khổng lồ của Australia. Tuy nhiên, nhập khẩu hàng hóa Australia vào Trung Quốc 7 tháng đầu năm nay vẫn cao kỷ lục, tăng 37,4% tính theo USD, bất chấp những hạn chế của Bắc Kinh đối với những mặt hàng như rượu vang, thịt bò và lúa mạch, chủ yếu do giá quặng sắt đầu năm tăng cao.
Hai tuần qua đã có nhiều thông điệp trái chiều từ Trung Quốc về kế hoạch cắt giảm sản lượng thép. Nhiều nhà máy thép đã ngừng sản xuất trở lại. Hiệp hội Sắt thép Trung Quốc (CISA) dự đoán sản lượng thép sẽ giảm trong nửa cuối năm, trong khi cơ quan hoạch định chính sách cấp cao nhất của Trung Quốc ra dấu hiệu không muốn ngành thép cắt giảm quá mạnh.
China International Capital Corp (CICC) cho rằng tăng trưởng sản xuất thép của Trung Quốc trong quý 3 năm nay sẽ giảm so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, Thời báo Hoàn cầu hôm 9/8 cho biết kim ngạch nhập khẩu quặng sắt của Trung Quốc đã tăng 69,5% trong 7 tháng đầu năm nay.
Tham khảo: Refinitiv, Globaltimes