Giá sắt thép nước ngoài ngày 9/6 tăng mạnh do lo ngại về nguồn cung quặng sắt
Giá quặng sắt hôm nay 9/6 đảo chiều tăng trở lại sau 3 phiên giảm liên tiếp trước đó, với hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tham chiếu tăng mạnh 5,4% do lo ngại về nguồn cung.
- 08-06-2021Giá thép trong nước đồng loạt giảm so với tuần trước
- 08-06-2021Giá quặng sắt giảm 3 phiên liên tiếp vì nghi ngờ triển vọng nhu cầu
- 07-06-2021Giá thép không gỉ toàn cầu có thể tăng mạnh hơn nữa
Quặng sắt kỳ hạn tháng 9 trên sàn Đại Liên kết thúc phiên 9/6 tăng hơn 4% lên 1.175 CNY (183,78 USD)/tấn, trong phiên có thời điểm đạt 1.191,5 CNY/tấn.
Tương tự, giá quặng sắt trên sàn Singapore cũng tăng 1,5% lên 203,65 USD/tấn.
Giá quặng sắt gần đây mặc dù có vài phiên giảm, song nhìn chung vẫn duy trì xu hướng đi lên, bất chấp việc các nhà hoạch định chính sách trung Quốc cam kết đẩy mạnh việc giám sát đà tăng giá hàng hóa cũng như kiểm soát thị trường.
Nguyên nhân bởi thị trường vẫn lo ngại về nguồn cung nguyên liệu sản xuất thép này, khi mà giá quặng 62% nhập khẩu (giao ngay tại cảng biển Trung Quốc) phiên 8/6 đã tăng lên 209 USD/tấn, cao nhất kể từ 19/5, theo dữ liệu của SteelHome.
Theo nhà cung cấp dữ liệu kim loại SMM, tồn trữ quặng sắt tại các cảng của Trung Quốc giảm xuống còn 127,65 triệu tấn trong tuần qua, mức thấp nhất kể từ ngày 5 tháng 2, trong khi lượng hàng đến cảng cũng giảm so với lượng hàng đến trong tuần trước và giảm so với cùng kỳ năm trước.
Tồn trữ quặng sắt ở cảng biển Trung Quốc thấp nhất 4 tháng
Lượng quặng sắt nhập khẩu từ Rio Tito – hãng khai thác quặng sắt hàng đầu thế giới – đã giảm sút, trong khi hãng Vale SA của Brazil đang bị gián đoạn sản xuất tại 2 mỏ do lo ngại về vấn đề an toàn, dẫn tới sản lượng của Vale giảm khoảng 40.000 tấn mỗi ngày. Nhà phân tích về khoáng sản Kaan Peker thuộc RBC Capital Markets cho biết: "(Vale) ngừng hoạt động trong tuần này thì chúng ta sẽ bắt đầu thấy tác động vào tuần tới".
Ông nói: "Chúng tôi dự đoán nhập khẩu từ Brazil và Australia (vào Trung Quốc) sẽ giảm (so với tháng trước)", và cho biết thêm rằng sản lượng của Ấn Độ cũng "bị ảnh hưởng bởi thời tiết đang mưa nhiều".
Trên thực tế, nhập khẩu quặng sắt của Trung Quốc mới chỉ giảm từ tháng 5, những tháng trước đó vẫn liên tiếp tăng. Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, Trung Quốc nhập khẩu 471,8 triệu tấn quặng sắt, tăng 26,9 triệu tấn (6%) so với cùng kỳ năm trước.
Về phía nhu cầu, một số nhà phân tích cho biết triển vọng đối với các sản phẩm thép của Trung Quốc vẫn tươi sáng mặc dù dữ liệu thương mại tháng 5 giảm, với lý do kinh tế toàn cầu phục hồi vững chắc có thể sẽ thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa của Trung Quốc.
Giá thép hôm nay cũng đồng loạt tăng. Theo đó, thép thanh vằn trên sàn Thượng Hải tăng 1,3% so với ngày hôm qua, trong khi thép cuộn cán nóng tăng 2,1% và thép không gỉ cũng tăng 2,1%.
Than luyện cốc và than cốc – những nguyên liệu khác trong sản xuất thép – tăng lần lượt 2,3% và 4,2% so với phiên liền trước.
Trong nước, tiếp nối sau Hòa Phát, Việt Ý, Việt Đức…, hôm nay 9/6, các thương hiệu Thép Mỹ và Tung Ho thông báo giảm giá bán thép cuộn CB240.
Cụ thể, thương hiệu Thép Mỹ báo giá dòng thép cuộn CB240 ngày 9/6 mức 16.700 đồng/kg và thép thanh vằn D10 CB300 ở mức 17.310 đồng/kg tại miền Bắc. Thương hiệu Tung Ho báo giá thép cuộn CB240 ở mức 17.100 đồng/kg và thép thanh vằn D10 CB300 ở mức 16.850 đồng/kg.
Thương hiệu thép Hòa Phát hôm nay báo giá các sản phẩm ổn định: tại miền Bắc, thép cuộn CB240 giá 17.200 đồng/kg; thép D10 CB300 giá 17.100 đồng/kg; tại miền Nam, giá 2 loại này lần lượt là 17.200 đồng/kg và 17.050 đồng/kg; tuy nhiên tại miền Trung tăng nhẹ lên 17.310 đồng/kg và 17.310 đồng/kg.
Các thương hiệu thép Việt Đức, Thái Nguyên, Pomina… nhìn chung giữ giá thép ở mức ổn định như hôm qua.
Tham khảo: Refinitiv