MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá thuê 'đất vàng' rẻ hơn mớ rau

19-02-2019 - 08:24 AM | Bất động sản

Chênh lệch giữa giá cho thuê mặt bằng thuộc Khu LHTTQG Mỹ Đình theo hợp đồng ký với các doanh nghiệp và giá cho thuê thực tế trên thị trường lên đến cả chục lần.

Làm việc với báo Tiền Phong trước Tết Nguyên đán 2018, đại diện một doanh nghiệp thuê đất tại Khu LHTTQG Mỹ Đình (đề nghị không nêu tên) cho biết, đã ký hợp đồng thuê đất tại Mỹ Đình từ năm 2011, kéo dài tới năm 2017. Giá thuê đất trên hợp đồng năm 2017 của doanh nghiệp này với Mỹ Đình là 18.000 đồng/m2, tổng diện tích cho thuê 27.000m2. Doanh nghiệp sau đó chỉ sử dụng một phần nhỏ diện tích trên, phần còn lại được cải tạo, đầu tư rồi cho thuê lại.

Đại diện doanh nghiệp cho biết: “Về hình thức là hợp đồng ngắn hạn, nhưng chúng tôi được đảm bảo thuê dài hạn. Nếu không chúng tôi không dại gì đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, đầu tư lớn như vậy”.

Đây cũng là lý do sau khi Bộ VH-TT&DL có quyết định thu hồi, một số doanh nghiệp đã đề đạt nguyện vọng trong trường hợp Khu LHTTQG xây dựng đề án, có kế hoạch triển khai lại hoạt động cho thuê đất đúng quy định pháp luật, doanh nghiệp được ưu tiên thuê lại vì đã mất tiền đầu tư cơ sở vật chất ban đầu.

Theo tìm hiểu, ngoài doanh nghiệp trên, hợp đồng Khu LHTTQG Mỹ Đình ký với nhiều doanh nghiệp khác cũng chỉ có giá trị 10.000 đồng, 12.000 đồng hoặc 18.000 đồng trên một m2. Trong khi đó thực tế, giá cho thuê mặt bằng ở Khu LHTTQG Mỹ Đình lên tới 100.000 đồng/m2, thậm chí còn cao hơn.

Kết luận của Kiểm toán Nhà nước cũng cho thấy, các hợp đồng cho thuê ngắn hạn tại Mỹ Đình chưa thực hiện đấu giá công và công khai mức giá cho thuê theo quy định tại Khoản 3, Điều 14, Thông tư số 23/2016/TT-BTC ngày 16/2/2016 của Bộ Tài chính. Câu hỏi đặt ra ở đây là ai được hưởng lợi từ việc cho thuê đất với giá “bèo” nói trên, cũng như khả năng ngân sách nhà nước thất thoát một số tiền rất lớn?

Thời hạn ghi trong hợp đồng chỉ 6 tháng hoặc 1 năm, nhưng được ký lặp đi lặp lại trong nhiều năm tại cùng một địa điểm. Tại kết luận của Kiểm toán Nhà nước mới đây, KTNN xác định đây về bản chất là hợp đồng dài hạn. Tại khoản 1.1.5 kết luận KTNN hôm 7/1/2019, KTNN đã kiến nghị tiếp tục thu hồi nộp ngân sách về tiền thuê đất của các hợp đồng dài hạn hoặc ngắn hạn từ năm 2011 đến năm 2017 đối với từng thời điểm cho thuê theo đúng quy định của pháp luật.

Toàn bộ vấn đề trên tại Khu LHTTQG Mỹ Đình xảy ra dưới thời Giám đốc Cấn Văn Nghĩa nhưng từ tháng 9/2018, ông Cấn Văn Nghĩa đã nghỉ hưu. Tháng 12/2018, ông Cấn Văn Nghĩa tranh cử tại Đại hội 8 LĐBĐVN (VFF) và trúng chức danh Phó chủ tịch phụ trách tài chính. Đây là vị trí trong nhiều năm do các doanh nhân lớn đảm nhận, gần nhất là Chủ tịch Tập đoàn HAGL Đoàn Nguyên Đức.

Tại một cuộc họp BCH VFF nhiệm kỳ 8, một ủy viên BCH phụ trách vấn đề tài chính đã đặt vấn đề, VFF cần lên tiếng để giữ gìn hình ảnh bởi đây không chỉ là vấn đề cá nhân của ông Cấn Văn Nghĩa. Theo vị này, hình ảnh có sạch thì VFF mới có thể yên tâm kiếm tiền về cho bóng đá Việt Nam.

Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, cá nhân ông Cấn Văn Nghĩa cũng như VFF chưa đưa ra câu trả lời nào có sức thuyết phục. Đây có lẽ là một sự đáng tiếc trong bối cảnh bóng đá Việt Nam gặt hái được nhiều thành công, đang được người hâm mộ cả nước đặt nhiều kỳ vọng.

Theo tìm hiểu, ngoài doanh nghiệp trên, hợp đồng Khu LHTTQG Mỹ Đình ký với nhiều doanh nghiệp khác cũng chỉ có giá trị 10.000 đồng, 12.000 đồng hoặc 18.000 đồng trên một m2. Trong khi đó thực tế, giá cho thuê mặt bằng ở Khu LHTTQG Mỹ Đình lên tới 100.000 đồng/m2, thậm chí còn cao hơn. Kết luận của Kiểm toán Nhà nước cũng cho thấy, các hợp đồng cho thuê ngắn hạn tại Mỹ Đình chưa thực hiện đấu giá công và công khai mức giá cho thuê theo quy định tại Khoản 3, Điều 14, Thông tư số 23/2016/TT-BTC ngày 16/2/2016 của Bộ Tài chính. Câu hỏi đặt ra ở đây là ai được hưởng lợi từ việc cho thuê đất với giá “bèo” nói trên, cũng như khả năng ngân sách nhà nước thất thoát một số tiền rất lớn?


Theo Đức Anh

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên