Giá thuê giảm sâu, kinh doanh mặt bằng khóc dở, mếu dở
Dịch COVID-19 kéo dài khiến kinh doanh ế ẩm, ở các thành phố lớn, nhiều khách thuê phải trả lại mặt bằng. Vì vậy, từ nhà cho thuê phố cổ đến trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê… đều được giảm giả.
- 08-04-2020Bất động sản bán lẻ Tp.HCM: Nhiều ngành không có nổi doanh thu hoặc giảm đến 80%, giá thuê mặt bằng lao dốc
- 25-03-2020Giá mặt bằng bán lẻ lao dốc, nhà đầu tư cho thuê 'ngồi trên đống lửa' vì COVID-19
- 23-03-2020Giá BĐS bán lẻ trung tâm Tp.HCM giảm mạnh, chủ mặt bằng“oằn mình” tìm khách thuê
Chủ nhà phố cổ câu kéo khách hàng
Anh Thắng, chủ một ngôi nhà trên phố Hàng Đường (Hoàn Kiếm - Hà Nội) cho biết, trước đây, cửa hàng cho thuê bán quần áo, tầng 1 rộng 90m2 với giá 120 triệu đồng/tháng. Khi dịch xảy ra, dù chưa giãn cách xã hội, người thuê đã trả lại mặt bằng vì kinh doanh ế ẩm.
“Giờ nếu có khách thuê, tôi giảm xuống còn 80 triệu đồng/tháng. Mức giá này chưa từng có từ trước đến nay”, anh Thắng nói.
Với vị trí đắc địa nối bờ hồ Hoàn Kiếm với chợ Đồng Xuân, các tuyến phố: Hàng Ngang, Hàng Đào và Hàng Đường được mệnh danh là khu đất “kim cương” của Hà Nội vốn trước đây có mức giá thuê mặt bằng cao nhất tại Hà Nội (giá thuê luôn dao động từ 2 - 2,5 triệu đồng/m2/tháng). Nay do việc kinh doanh ế ẩm, hàng loạt mặt bằng được trả lại cho chủ.
Để kích thích người thuê, nhiều chủ nhà trên các phố này chấp nhận mức giảm giá thuê bình quân từ 10 - 30% so thời điểm trước khi xảy ra dịch bệnh nhưng vẫn chưa có khách thuê.
“Trước đây chưa bao giờ cửa hàng nhà tôi trống chỗ, người có nhu cầu thường phải đặt chỗ, xếp hàng cả tháng, thậm chí cả năm. Tuy nhiên, gần 3 tuần nay tôi treo biển, giảm giá thấp nhất có thể nhưng vẫn... ế. Tình cảnh chưa từng bao giờ xảy ra”, chủ một nhà cho thuê ở phố Hàng Ngang nói.
Kinh doanh mặt bằng khóc dở, mếu dở
Nhiều người kinh doanh loại hình cho thuê lại nhà để tính chênh lệch rơi cảnh “dở khóc dở mếu” khi dịch COVID-19 xảy ra. Trong hợp đồng thường không có điều khoản xảy ra dịch bệnh vì vậy, việc miễn giảm tiền cho thuê phụ thuộc vào lòng tốt của chủ nhà. Anh Nguyễn Xuân Hùng (Nam Từ Liêm, Hà Nội) làm dịch vụ cho thuê phòng trọ được khoảng 6 tháng.
Theo đó, anh Hùng thuê ngôi nhà 4 tầng ở phố Phú Đô (Nam Từ Liêm) Hà Nội với giá 10 triệu đồng/tháng. Tầng 1 của ngôi nhà nơi sinh hoạt chung với bếp nấu ăn, nơi để xe máy. Các tầng còn lại, mỗi tầng có 1 phòng ngủ và nhà vệ sinh. Anh Hùng cho sinh viên và người đi làm thuê trọ với giá tiền từ 2,5 - 3 triệu đồng/phòng. Tuy nhiên, gần 2 tháng nay, một nửa khách thuê trọ của gia đình anh Hùng trả lại nhà.
“Sinh viên chưa đi học nên ở quê. Người thuê trọ không đi làm và không ở nữa. Trong khi đó, khách thuê trọ mới cũng không có. Tháng này tôi phải nộp tiền trọ cho chủ nhà 3 tháng liền là 30 triệu đồng. Tôi có đề nghị được miễn giảm tiền trọ trong giai đoạn khó khăn nhưng chủ nhà không đồng ý.
Hợp đồng ký ban đầu không có điều khoản miễn giảm khi dịch bệnh xảy ra nên đành chấp nhận”, anh Hùng ngậm ngùi. Theo anh Hùng, chủ nhà đồng ý cho anh nộp chậm tiền nhà 15 ngày. Những ngày này, anh Hùng tìm đủ cách xoay xở để đủ nộp tiền. Bởi nếu cắt ngang hợp đồng, anh sẽ mất số tiền đặt cọc ban đầu.
Anh Nguyễn Văn Tuấn (Hà Đông, Hà Nội) giám đốc công ty cổ phần 2Life cho biết, công ty anh thuê một căn nhà 4 tầng tại khu đô thị Văn Quán (Hà Đông) với giá 30 triệu đồng/tháng. Tầng 1 và tầng 2 của ngôi nhà, sử dụng làm văn phòng và kho hàng. Tầng 3 và 4 của ngôi nhà, anh Tuấn cho một đơn vị khác thuê làm kho hàng. Tuy nhiên, 2 tháng gần đây, đơn vị thuê lại đã trả mặt bằng do kinh doanh không suôn sẻ.
“Tôi tìm khách thuê mới nhưng không có. Thương lượng với chủ nhà, họ đồng ý giảm cho 10% trong vòng 3 tháng. Giảm được chút nào hay chút ấy”, anh Tuấn chia sẻ. Anh Tuấn đang tính đến phương án tìm ngôi nhà có giá thuê rẻ hơn để tiết kiệm chi phí. Thậm chí, xác định mất luôn số tiền đặt cọc thuê nhà ban đầu và chi phí sửa chữa, kiến thiết lại văn phòng.
Tiền phong