Gia tộc này đã tạo ra bước ngoặt về nội y cho phụ nữ Việt Nam như thế nào?
Tại Việt Nam những năm 90, sản phẩm may mặc giá rẻ không có thương hiệu hoặc hàng Trung Quốc thống lĩnh mọi thị trường. Phụ nữ Việt Nam nói chung chỉ coi đồ lót là một món đồ mặc bên trong, bền là đủ, chứ chưa có khái niệm về một món đồ lót đẹp.
Khoảng năm 1975 tại nước Mỹ, trong một lần đi mua đồ cho vợ, Roy Raymond đã khám phá ra một thị trường không mới nhưng còn đầy thiếu sót, đó là đồ lót, mà chính xác hơn là đồ lót đẹp. Từ đó, ông đã lập nên hãng đồ lót Victoria’s Secret nổi tiếng, sau này được bán lại với giá 4 tỷ USD.
Cũng giống như nước Mỹ thuở ấy, tại Việt Nam những năm 90, sản phẩm may mặc giá rẻ không có thương hiệu hoặc hàng Trung Quốc thống lĩnh mọi thị trường. Phụ nữ Việt Nam nói chung chỉ coi đồ lót là một món đồ mặc bên trong, bền là đủ, chứ chưa có khái niệm về một món đồ lót đẹp.
Sự thiếu hụt tại thị trường nội y Việt Nam đã trở thành cơ hội kinh doanh rất lớn cho Sơn Kim.
Sơn Kim ra đời và bước ngoặt về nhận thức đối với đồ lót
Năm 1993, thương hiệu Sơn Kim ra đời, được sáng lập và điều hành bởi 3 anh chị em Nguyễn Hồng Vân, Nguyễn Hoàng Tuấn và Nguyễn Hồng Trang.
Họ là thế hệ thứ 3 của một gia đình đã có đến 60 năm kinh doanh trong lĩnh vực may mặc. Thế hệ đầu tiên là ông Nguyễn Đình Thế - chủ nhiệm HTX Đại Thành – Hợp tác xã may mặc nổi tiếng từ những năm 1950 tại Sài Gòn, chuyên gia công sản phẩm xuất khẩu đi Nhật Bản và Đức. Thế hệ thứ 2 là bà Nguyễn Thị Sơn, nguyên giám đốc công ty may mặc Legamex.
Trở về từ Úc, quyết định khởi nghiệp và đi theo nghề truyền thống của gia đình, nhưng ông Nguyễn Hoàng Tuấn – con trai bà Sơn không chọn lĩnh vực thời trang thông thường. Ông chọn ngành nội y sau khi chứng kiến thị trường này đã phát triển ở nước ngoài như thế nào.
Thời gian đầu, công ty gia công nội y xuất khẩu đi thị trường Nhật sau đó tập trung vào thị trường nội địa bằng cách tận dụng nguyên, phụ liệu làm hàng xuất khẩu để cho ra thương hiệu riêng. Năm 1997, Vera ra đời bằng liên doanh giữa Quadrille Nishida và Sơn Kim. Bà Nguyễn Hồng Trang được bổ nhiệm là Giám đốc điều hành.
Ông Tuấn từng chia sẻ, phát triển một thương hiệu nội y không hề đơn giản. Một chiếc áo ngực được tạo nên từ không dưới 20 chi tiết và 10 chất liệu, mà tất cả màu sắc phải hài hòa, đồng bộ. Có lẽ vì thế, 20 năm qua, phân khúc nội y cao cấp vẫn chỉ có Vera và 2 thương hiệu ngoại nhập là Triumph và Minoshe.
Ngay từ ban đầu, ông Tuấn đã xác định phải xây dựng thương hiệu cho Vera nhưng cũng mắc sai lầm. Năm 1999, Sơn Kim tổ chức một chương trình diễn thời trang công sở tại khách sạn 5 sao và “hé lộ” nội y của người mẫu bằng màn tung khăn voan. Sơn Kim bị nhắc nhở do vi phạm việc trình diễn đồ lót chưa được cho phép.
Dù vậy, Vera ra đời đã tạo ấn tượng mạnh mẽ với thị trường và có thể nói là bước ngoặt trong nhận thức của người tiêu dùng đối với sản phẩm này.
Sản phẩm cho phụ nữ cần xinh đẹp và tinh tế, nhưng giá cả cũng là vấn đề
Phụ nữ sinh ra vốn cầu toàn. Một sản phẩm cho họ vừa phải bền, vừa phải đẹp, giá cả lại phải hợp lý. Vera đã thành công khi định vị thương hiệu là một hãng đồ lót Việt Nam cao cấp. Nhưng không dừng lại ở đó, Sơn Kim đã mở rộng sang các phân khúc thấp hơn với thương hiệu nội y bình dân Misaki vào năm 2007.
“Làm sao để tạo ra một sản phẩm nội y có chất lượng, vừa bắt kịp xu hướng chung của thế giới nhưng lại phù hợp với thu nhập của đại đa số người tiêu dùng Việt Nam quả là điều không đơn giản.” – ông Tuấn chia sẻ.
Tuy nhiên, phân khúc này lại có phần khó khăn hơn khi Vera đã quá nổi tiếng và các nhà phân phối chỉ thích phân phối Vera.
Cuối năm 2012 xảy ra sự kiện người dân phát hiện ra áo ngực Trung Quốc chứa dung dịch lạ gây dị ứng. Sự kiện này làm dấy lên làn sóng cảnh báo nội y trôi nổi, không thương hiệu, chất lượng kém. Misaki gặp thời, được người tiêu dùng biết đến và quay sang sử dụng thay cho các loại không có thương hiệu.
Trả lời phỏng vấn của Forbes, đại diện Sơn Kim cho biết, doanh thu của các sản phẩm nội y năm 2014 đạt khoảng 500 tỷ đồng.
Tiếp tục là cú nổ đối với sản phẩm quần áo mặc ở nhà
Cũng trong những ngày xưa, phụ nữ Việt Nam thường lấy quần áo mặc ở ngoài đã cũ hoặc đi mua đồ rẻ dùng để mặc ở nhà chứ chưa có trang phục ở nhà riêng. Theo ông Tuấn, thói quen tiêu dùng của người Việt rất đa dạng và khác biệt. Họ muốn đồ mặc nhà phải có nhiều công năng: mặc khi làm việc nhà, khi ngủ và cả khi ra phố gần nhà...
Và Sơn Kim đã tạo ra xu hướng đồ mặc nhà với thương hiệu Wow. Sản phẩm này có tốc độ phát triển còn nhanh hơn Vera. Từ những năm 1990, doanh thu một năm của công ty đã gần 100 tỷ đồng – ông Tuấn tiết lộ khi trả lời phỏng vấn Forbes.
Thành công từ nội y nữ, Sơn Kim lấn sân sang quần áo nam với thương hiệu nội địa J-buzz và mua nhượng quyền Jockey (Mỹ).
Những năm kinh doanh này đã giúp Sơn Kim có tiền đầu tư vào bất động sản. Và hiện nay, đây là một tập đoàn đa ngành nổi tiếng về bất động sản, bán lẻ và truyền thông.