Giá USD ngân hàng bật tăng mạnh
Sau quyết định hạ lãi suất khẩn cấp lần thứ 2 của Fed vào cuối tuần trước, tỷ giá USD/VND lập tức có sự biến động. Tổng cộng đầu tuần đến nay, giá USD tại các ngân hàng đã tăng khoảng 30 đồng.
Cụ thể, tỷ giá USD được niêm yết tại Vietcombank sáng nay (18/3) đứng ở mức 23.150-23.320 đồng, tăng 10 đồng so với hôm qua và đã tăng 30 đồng kể từ đầu tuần.
Tại BIDV, giá mua bán USD đang ở mức 23.175-23.315 đồng, tăng 5 đồng so với hôm qua và tăng 25 đồng so với tuần trước.
Techcombank niêm yết ở mức cao hơn, với 23.164-23.324 đồng, tăng 14 đồng so với hôm qua và 34 đồng so với tuần trước.
Tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước công bố hôm nay (18/3) đứng ở mức 23.232 đồng, tăng 5 đồng so với hôm qua và đã tăng 20 đồng trong 3 ngày gần đây.
Trên thế giới, lúc 10h20 (ngày 18/3 giờ Việt Nam), chỉ số US Dollar Index đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) đứng ở mức 99,33 điểm. Đồng bạc xanh bất ngờ tăng vọt trong bối cảnh giới đầu tư muốn nắm giữ tiền mặt khi thị trường chứng khoán, hay cả thị trường vàng đều vừa trải qua những ngày tồi tệ.
Tỷ giá USD trong nước cũng chịu tác động bởi việc hàng loạt NHTW trên thế giới nới lỏng mạnh chính sách tiền tệ. Cụ thể ngày 16/03, FED đã cắt giảm lãi suất kỷ lục 1% về mức 0%, ngoài ra FED cũng dự tính bơm ra thị trường gói QE khoảng 1.500 tỷ USD. Ngân hàng trung ương Anh cũng giảm 0,5% xuống 0,25% và tung ra gói hỗ trợ tài chính.
Nhóm phân tích của BVSC cho rằng, việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng thực hiện cắt giảm lãi suất trong ngày 16/03 sẽ phần nào giúp giảm áp lực tăng giá cho VND so với các ngoại tệ mạnh khác khi các nước không chỉ cắt giảm lãi suất mà còn tuyên bố các gói QE quy mô lớn.
Trong khi đó, TS. Nguyễn Đức Độ nhận định, về tổng thể, tỷ giá trong năm 2020 sẽ vẫn ổn định cho dù các đồng tiền trên thế giới có thể dao động mạnh. Lý do chính là Việt Nam vẫn nằm trong danh sách các nước cần theo dõi về chính sách tiền tệ và ngoại hối của Bộ Tài chính Mỹ, nên NHNN sẽ rất thận trọng trong việc sử dụng chính sách tỷ giá để hỗ trợ nền kinh tế. Lượng dự trữ ngoại hối khoảng 80 tỷ USD sẽ giúp NHNN đảm bảo mục tiêu ổn định tỷ giá này.
Bên cạnh đó, theo vị chuyên gia này, các yếu tố về cung - cầu ngoại tệ nhiều khả năng cũng sẽ không bất lợi. Cán cân thương mại hiện vẫn cân bằng. Mặc dù xuất khẩu tăng chậm lại do dịch covid-19 cũng như kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, nhưng nhu cầu nhập khẩu cũng tăng trưởng chậm lại tương ứng với xuất khẩu. Các nguồn ngoại tệ khác như kiều hối, FDI trong năm nay có thể không cao như năm 2019, nhưng khả năng vẫn ổn.