MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá vàng được dự báo sẽ bứt phá và vững bền ở mức trên 2.000 USD

31-03-2023 - 08:43 AM | Tài chính - ngân hàng

Giá vàng được dự báo sẽ bứt phá và vững bền ở mức trên 2.000 USD

Giá vàng thế giới tăng mạnh trong phiên thứ Năm và theo một nhà kinh tế học uy tín thì thị trường vàng sẽ tiếp tục được hỗ trợ tốt, cuối cùng sẽ chứng kiến sự bứt phá bền vững ở mức trên 2.000 USD/ounce do những rắc rối của ngành ngân hàng phương Tây cần có thời gian để giải quyết.

Trong một cuộc phỏng vấn với Kitco News, David Rosenberg, người sáng lập công ty Rosenberg Research, cho biết vàng và trái phiếu vẫn là hai khoản đầu tư hàng đầu của ông cho năm 2023 khi những rắc rối của lĩnh vực ngân hàng Mỹ và châu Âu có nguy cơ đẩy nền kinh tế toàn cầu vào suy thoái sâu sắc.

Ông Rosenberg đã nâng đáng kể dự báo về giá vàng kể từ tháng 12 sau khi công bố báo cáo triển vọng năm 2023 của mình.

Các bình luận của ông được đưa ra khi giá vàng đã giảm từ mức cao nhất của tuần trước, là khoảng 2.000 USD/ounce. Mặc dù giảm song vàng vẫn duy trì ở trên mức 1.900 USD/ounce.

Phiên giao dịch 30/3, đồng USD yếu đi và lợi suất trái phiếu giảm đã thúc đẩy nhu cầu đối với kim loại quý, trong khi các nhà đầu tư chú ý đến dữ liệu lạm phát của Mỹ để đánh giá động thái tiếp theo của Cục Dự trữ Liên bang (Fed).

Kết thúc phiên, giá vàng giao ngay tăng 0,9% lên 1.980,83 USD/ounce, trong phiên có lúc chạm mức cao nhất kể từ ngày 24 tháng 3, là 1.984,19 USD. Giá vàng Mỹ kỳ hạn tháng 6 tăng 0,7% lên 1.997,70 USD.

Chỉ số Dollar index giảm 0,5%, khiến vàng trở nên hấp dẫn hơn đối với người mua bằng các tiền tệ khác ngoài USD, trong khi lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm.

Trong nước, đầu ngày 31/3, giá vàng miếng trong nước giao dịch ở mức 66,30 – 66,95 triệu đồng/lượng, hồi phục nhẹ sau khi giảm trong ngày 30/3.

Giá vàng được dự báo sẽ bứt phá và vững bền ở mức trên 2.000 USD - Ảnh 1.

USD đẩy giá vàng tăng.

Ông Rosenberg cho rằng việc giá vàng tăng cao hơn chỉ còn là vấn đề thời gian khi đường cong lợi suất đảo ngược cho thấy 90% khả năng nền kinh tế rơi vào suy thoái trong năm nay.

Theo ông Rosenberg: "Các ngân hàng lớn vẫn ổn. Họ có vốn tốt. Họ có bộ đệm thanh khoản. Họ thực sự có thể thoát ra khỏi tình trạng này một cách mạnh mẽ hơn rất nhiều". Tuy nhiên: "Vấn đề bây giờ là ở các ngân hàng nhỏ và họ không còn nhỏ như vậy nữa. Ngày nay, các ngân hàng nhỏ có tổng tài sản trị giá 7 nghìn tỷ đô la". 

Trong khi chính phủ Mỹ và Tổng công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) đã can thiệp để đảm bảo tất cả các khoản tiền của người gửi tiền được giữ tại các ngân hàng, ông Rosenberg nói rằng chất lượng tài sản được giữ tại các ngân hàng khu vực này vẫn là một câu hỏi lớn.

Thị trường tín dụng Mỹ đã chứng kiến sự biến động đáng kể trong năm qua khi Cục Dự trữ Liên bang mạnh tay tăng lãi suất thêm 500 điểm cơ bản. Ông Rosenberg lưu ý rằng nền kinh tế mới bắt đầu chứng kiến sự gia tăng tỷ lệ nợ quá hạn trong lĩnh vực bất động sản thương mại, cho vay mua ô tô và thanh toán bằng thẻ tín dụng.

Ông Rosenberg nói rằng phải mất 12 tháng trước khi người tiêu dùng bắt đầu cảm thấy tác động của việc thắt chặt chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang. Trong khi lãi suất của Mỹ ở mức 5% vẫn còn tương đối thấp so với mức lịch sử, ông lưu ý rằng tốc độ thay đổi là chưa từng có.

"Tôi không biết liệu có nên gọi đó là một cuộc khủng hoảng hay không, nhưng chúng ta đang bước vào một chương mới trong chu kỳ tín dụng, chuyển từ mở rộng tín dụng tích cực sang mở rộng tín dụng tiêu cực. Điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe nền kinh tế”, ông nói.

Hướng tới cuộc họp chính sách tiền tệ tháng 5 của Cục Dự trữ Liên bang, Rosenberg nói rằng ngân hàng trung ương đã hoàn tất việc tăng lãi suất. Tuy nhiên, ông nói thêm rằng những tác động từ việc tăng lãi suất đã hiện hữu. Trong môi trường này, theo ông Rosenberg, Cục Dự trữ Liên bang sẽ buộc phải cắt giảm lãi suất trước cuối năm nay.

Theo CME FedWatch Tool, thị trường nhận thấy 50% khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 6. Đồng thời, thị trường nhận thấy khả năng lãi suất Quỹ của Fed có thể kết thúc năm thấp hơn 100 điểm cơ bản so với mức hiện tại.

"Nếu Fed sẽ cắt giảm lãi suất trong nửa cuối năm nay, bạn muốn làm gì? Bạn muốn sở hữu một số vàng và bạn muốn sở hữu một số trái phiếu," ông nói. Lãi suất thực sẽ giảm xuống; đồng đô la Mỹ đang đi xuống, đó là lý do tại sao vàng đã hoạt động rất tốt."

Rosenberg lưu ý rằng bất chấp sự biến động trong tháng 2, chiến lược trái phiếu kỳ hạn dài và vàng kỳ hạn xa của ông vẫn tăng 8% trong năm nay.

Những dữ liệu mới nhất của Mỹ cho thấy tổng sản phẩm quốc nội của Mỹ đã tăng 2,6% trong quý IV/2022. Các nhà đầu tư sẽ tiếp tục xem xét những dữ liệu kinh tế Mỹ để tìm manh mối về đường lối chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương Mỹ.

Trong tuần này, thước đo lạm phát ưa thích của Fed - chi tiêu tiêu dùng cá nhân cốt lõi (PCE) - sẽ được công bố vào thứ Sáu (31/3).

Theo công cụ CME FedWatch, các thị trường đang dự đoán có khoảng 50-50 cơ hội Fed duy trì lãi suất ở mức hiện tại trong cuộc họp vào tháng Năm. Lãnh đạo Ngân hàng Dự trữ Liên bang Boston Susan Collins cho biết có vẻ như sẽ chỉ có một đợt tăng lãi suất nữa trong năm nay, trong khi Chủ tịch Fed Richmond Thomas Barkin cho rằng lạm phát vẫn quá cao và có thể mất nhiều thời gian hơn dự kiến để giảm.

Các nhà phân tích cho biết bất cứ điều gì cho thấy PCE thấp hơn kỳ vọng cũng đều cho thấy Cục Dự trữ Liên bang không quá vội vã thắt chặt chính sách tiền tệ.

Tham khảo: Kitco, Reuters

Vũ Ngọc Diệp

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên