Giá vàng tăng mạnh nhất 6 tháng, nhắm tới đích 2.000 USD
Sau khi chỉ "làm nền" cho các tài sản khác trong gần suốt năm 2021, vàng đột ngột vụt sáng lấp lánh, đang trên đường chiếm lại mốc cao kỷ lục, trên 2.000 USD/ounce, của năm 2020.
- 12-11-2021USD tăng phiên thứ 3 liên tiếp, vàng và bitcoin quay đầu giảm
- 12-11-2021Giá vàng trong nước tiếp tục leo cao, lên gần 61 triệu đồng/lượng
- 12-11-2021Nhìn từ lạm phát Mỹ tăng cao nhất ba thập kỷ và vàng lên cơn sốt giá
Giá vàng đã bắt đầu chu kỳ tăng mạnh mẽ trong bối cảnh thị trường ngóng chờ cuộc họp chính sách tháng 12 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), với dự đoán các vấn đề được quan tâm hàng đầu sẽ là lạm phát và việc làm.
Giá tuần này tăng mạnh nhất 6 tháng
Giá vàng tuần này tăng nhất kể từ tháng 5 do lo ngại lạm phát gia tăng khiến nhà đầu tư đổ xô vào mua tài sản an toàn.
Giá vàng giao ngay phiên 12/11 tăng 0,3% lên 1.866,87 USD/ounce, tính chung cả tuần tăng khoảng 2,8%, nhiều nhất trong vòng 6 tháng; vàng kỳ hạn tháng 12 tăng 0,3% lên 1.868,5 USD/ounce. Lạm phát giá tiêu dùng ở Mỹ tháng 10 tăng mạnh nhất trong vòng 3 thập kỷ và có thể sẽ ở mức rất cao trong năm 2022 đang nung nóng thị trường vàng.
Tính từ 3/11 đến nay, giá vàng đã tăng 110 USD/ounce do lo sợ về lạm phát gia tăng vượt tầm kiểm soát trong khi các ngân hàng trung ương chủ chốt vẫn tái cam kết duy trì lãi suất ở mức thấp trong thời điểm hiện tại.
Giá vàng trong nước tuần này cũng theo đà tăng của giá thế giới. Kết thúc phiên 12/11, giá vàng SJC tại Hà Nội ở mức 60 - 60,72 triệu đồng/lượng (mua - bán), tại TP.HCM ở mức 60 - 60,7 triệu đồng/lượng (mua - bán); giá vàng Doji tại Hà Nội ở mức 60 - 60,6 triệu đồng/lượng (mua - bán), tại TP.HCM ở mức 60 - 60,6 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra); tính chung cả tuần giá vàng trong nước tăng gần 2 triệu đồng/lượng.
"Có thời điểm trong phiên vừa qua giá vàng giảm 1%, nhưng đó là do các nhà giao dịch chốt lời sau đợt giá tăng một cách kinh ngạc. Về mặt logic, nếu bạn không thấy có gì lạ khi giá một thứ gì đó tăng 100 USD thì bạn thật là ngu ngốc", Phillip Streible, chiến lược gia thị trường của Blue Line cho biết.
Chiến lược gia thị trường cấp cao của công ty RJO Futures, Bob Haberkorn, cho biết: "Thị trường đang hoảng sợ với số liệu CPI tháng 10 tăng cao. Giới đầu tư xem vàng như một loại tài sản an toàn có thể chống lại rủi ro lạm phát".
Một điều đáng chú ý nữa là giá vàng những tăng vừa qua tăng không ngừng nghỉ bất chấp có những phiên USD giảm mạnh cho thấy dường như không có gì cản trở được đà tăng của giá vàng lúc này.
Các nhà phân tích của Societe Generale dự báo giá vàng sẽ đạt trung bình 1.950 USD/ounce trong quý đầu tiên của năm 2022, với "cam kết mới từ Cục Dự trữ Liên bang để hỗ trợ nền kinh tế dù lạm phát tăng cao."
Đích hướng tới là giá 2.000 USD
Nhà phân tích Warren Venketas của DailyFX cho biết: "Lạm phát là một vấn đề lớn đối với tôi. Chúng ta đang thấy kỳ vọng lạm phát tăng vượt xa xu hướng lãi suất. Đó là cơ sở để tôi cho rằng giá vàng sẽ tiếp tục đà hồi phục vào cuối năm. Ở thời điểm này, tôi đang rất lạc quan".
Phân tích kỹ thuật cho thấy giá vàng đang có các "cơ sở hoàn hảo" cho một đợt tăng giá. Bên cạnh đó, lạm phát nóng hơn dự kiến và kéo dài sẽ giúp đẩy giá vàng tăng hơn nữa.
Do đó, ông Venketas cho rằng: "Có khả năng rất cao là vàng sẽ bước vào đợt tăng giá mạnh vào cuối năm nay", và "Các tác động vòng hai sẽ giúp giá vàng tăng kéo dài đến nửa cuối năm 2022. Lạm phát cao như hiện tại dự báo sẽ duy trì trong sáu tháng tới hoặc còn lâu hơn nữa, kéo dài hơn so với dự báo ban đầu."
Các nhà đầu tư bắt đầu dấy lên kỳ vọng rằng giá vàng năm 2022 có thể trở lại mức cao kỷ lục trên 2.000 USD/ounce như năm 2020, khi kim loại quý này bắt kịp các tài sản khác về độ nóng.
"Khả năng đó có thể xảy ra bởi vàng vốn luôn lấp lánh mỗi khi lạm phát nóng lên. Vàng đã đóng ‘vai phụ’ trong thời gian qua, ‘làm nền’ cho những hàng hóa khác. Song, vàng có thể bắt kịp các hàng hóa đó về mức độ tăng giá. Có rất nhiều yếu tố cơ bản đang hậu thuẫn giá vàng tăng", ông Venketas giải thích.
Theo ông Venketas, một đối thủ cạnh tranh chính đối với vàng lúc này là bitcoin. "Mọi người đã đổ xô vào tiền điện tử như một biện pháp phòng ngừa lạm phát tiềm ẩn, làm giảm đi sức hấp dẫn của vàng. Thêm vào đó, độ ‘lấp lánh’ của vàng như một nơi trú ẩn an toàn cũng đã bị làm mờ bởi số ca nhiễm Covid-19 trên toàn cầu đang giảm nhanh". Về triển vọng giá vàng cuối năm 2021, vị chuyên gia này dự báo giá vàng sẽ leo lên mức 1.916 USD/ounce.
Cho đến nay, Chủ tịch Fed, Jerome Powell, đã thuyết phục được các thị trường rằng ngân hàng trung ương Mỹ sẽ kiên nhẫn trong việc tăng lãi suất - ưu tiên mục tiêu toàn dụng lao động hơn là chống lại lạm phát cao. Nhưng các thị trường thường có xu hướng phản ứng quá mức với các dữ liệu, nhất là lạm phát, và đó là lý do tại sao thị trường một lần nữa lại dấy lên những kỳ vọng về việc Fed tăng lãi suất.
"Mọi thứ đều phụ thuộc vào dữ liệu," ông Venketas nói. "Trước cuộc họp tháng 12, số liệu lạm phát và việc làm sẽ là ‘chìa khóa’ quan trọng trả lời cho các đáp án về giá vàng."
Cuộc họp tháng 12 của Fed cũng sẽ tiết lộ biểu đồ Dot Plot (biểu đồ gồm các dấu chấm ở trên, thể hiện kỳ vọng của các thành viên của Ủy ban thị trường mở Liên bang Mỹ (FOMC) về mức lãi suất mà Fed đưa ra) và các dự báo kinh tế mới nhất, từ đó bức tranh sẽ tình hình kinh tế vĩ mô sẽ dần được sáng tỏ.
Nhà phân tích Venketas nói thêm rằng lạm phát càng dai dẳng thì giá vàng càng tăng. "Vì thế vàng có xu hướng tăng giá, bởi trong lịch sử, chúng ta thấy vàng luôn tăng giá khi lạm phát dai dẳng chứ không phải là khi lạm phát chỉ tăng trong một thời gian ngắn."
Ông Venketas cho rằng Fed sẽ chưa nâng lãi suất trước tháng 9/2022, thậm chí có thể đến tháng 12/2022.
Tham khảo: Kitco, Tradingeconomics