Giá vàng, USD và Bitcoin biến động mạnh
USD phiên 31/1 giảm mạnh nhất trong vòng 5 tháng, trái lại vàng và Bitcoin tăng vọt, đảo ngược hoàn toàn xu hướng của tháng 1 – khi USD tăng mạnh, Bitcoin mất 20%, và vàng cũng lao dốc.
- 01-02-2022Ngân hàng nào "chăm chỉ" nhất năm?
- 31-01-2022Thị trường tài chính Việt Nam: Một vài quan sát và cảnh báo
USD vừa trải qua phiên giảm giá mạnh nhất kể từ tháng 11/2021 do các nhà đầu tư bán chốt lời sau khi đồng tiền này đạt mức cao nhất trong vòng 1,5 năm ở phiên liền trước bởi kỳ vọng tốc độ tăng lãi suất của Mỹ sẽ diễn ra nhanh và mạnh.
Với việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tuần trước báo hiệu rõ ràng vào tuần trước rằng họ có ý định tăng lãi suất sớm nhất, trong cuộc họp chính sách ngày 15-16 tháng 3, các ngân hàng Phố Wall hiện đang kỳ vọng lãi suất của Mỹ năm nay sẽ tăng khoảng 5-7 lần.
Fed Fund Futures định giá Fed sẽ tăng lãi suất dưới 5 lần trong năm 2022, tương đương khoảng 121 điểm, đồng thời dự đoán có 17% khả năng Fed sẽ nâng lãi suất 50 điểm trong tháng 3 tới, giảm so với tỷ lệ 32% dự đoán trong ngày thứ Sáu (28/1).
Chủ tịch Fed Atlanta, Raphael Bostic, trong một cuộc phỏng vấn của phóng viên Financial Times, đã nói rằng Fed có thể tăng lãi suất thêm nửa điểm phần trăm nếu lạm phát vẫn ở mức cao.
Chỉ số Dollar index – so sánh USD với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt – phiên 31/1 giảm 0,7% so với phiên trước đó, mức giảm nhiều nhất trong vòng 2 tháng.
Tuần qua, Dollar index tăng 1,6%, mức tăng mạnh nhất kể từ giữa năm 2021. Trong tháng 1/2022, đồng bạc xanh đã tăng gần 1%. Các vị thế USD dài hạn hiện đang ở mức cao nhất trong năm nay.
Mức độ biến động tỷ giá các đồng tiền chủ chốt trong tháng 1.
Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao của OANDA, cho rằng: "Đồng USD đã tăng gần hết ngưỡng vì Fed hiện có vẻ đã sẵn sàng thực hiện 5-7 đợt tăng lãi suất trong năm nay". Theo ông, đồng USD có thể bắt đầu "hoạt động kém hiệu quả so với tiền tệ của các nền kinh tế phát triển đang xem xét khả năng thắt chặt tiền tệ".
Tuần này, với đầy ắp các sự kiện sắp diễn ra, dự báo biến động trên thị trường sẽ tiếp tục ở mức cao.
Các nhà đầu tư đang xem xét dữ liệu việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp của Mỹ để biết thêm về những dấu hiệu cho thấy Fed sẽ tích cực đến đâu trong việc thắt chặt đường cong lãi suất. Dữ liệu này sẽ được công bố vào cuối tuần này, và thị trường hiện đang dự đoán số việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp của Mỹ tháng 1 sẽ tăng 153.000 việc, thấp hơn mức tăng 199.000 của tháng 12/2021, và tỷ lệ thất nghiệp sẽ giữ ổn định ở 3,9%.
Joe Manimbo, nhà phân tích thị trường cấp cao của Western Union Business Solutions ở Washington, cho biết: "Đồng bạc xanh dường như đã đạt đỉnh vì báo cáo việc làm sẽ công bố vào thứ Sáu được dự báo sẽ cho thấy thị trường tuyển dụng có thêm một tháng ‘tẻ nhạt’ nữa".
Tốc độ tăng lãi suất nhanh đồng nghĩa với giai đoạn tăng lãi suất sớm kết thúc.
Chênh lệch lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giữa kỳ hạn 2 năm và 10 năm phiên này giảm xuống dưới 59 điểm lần đầu tiên kể từ đầu tháng 11, một hiện tượng được gọi là "bear-flattening". Lý do bởi tốc độ tăng lãi suất nhanh rất có thể sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế Mỹ trong tương lai.
Trong các loại tiền tệ khác, đồng đô la Australia tăng mạnh nhất so với USD, tăng 1% lên 0,7068 USD trước thềm cuộc họp chính sách của Ngân hàng Dự trữ Australia, sẽ diễn ra trong ngày ½. So với đồng yên, USD cũng giảm 0,2% xuống 115,045 JPY.
Ngân hàng Trung ương Anh cũng họp về chính sách vào thứ Năm (3/1). Các nhà phân tích dự đoán Anh sẽ tiếp tục tăng lãi suất lần thứ 2 trong vòng chưa đầy một tháng sau khi lạm phát ở Anh tăng lên mức cao nhất trong gần 30 năm.
Bảng Anh kết thúc phiên cuối tháng 1 ở mức tăng 0,4% lên 1,354 USD.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng họp chính sách vào thứ Năm. Mặc dù dự kiến sẽ không có thay đổi chính sách nào, nhưng các nhà phân tích cho biết việc Fed sắp tăng lãi suất sẽ thu hẹp cơ hội hành động của ECB.
Đồng euro tăng 0,8% trong phiên vừa qua, lên 1,1240 USD. Đây là mức tăng trong ngày nhiều nhất trong vòng 2 tháng.
Đô la Canada cũng mạnh lên so với USD trong phiên này, giúp thu hẹp mức giảm giá trong tháng 1 vừa qua. Giá dầu tăng, chênh lệch lãi suất và thị trường chứng khoán toàn cầu hồi phục hỗ trợ CAD tăng trở lại.
Kết thúc tháng 1, CAD tăng 0,5% lên 1,2695 CAD/USD, hay 78,77 US cent/CAD.
Biến động giá các tiền tệ chủ chốt ngày 31/1.
Trên thị trường tiền điện tử, Bitcoin tăng mạnh trong đêm qua, tiếp tục đà hồi phục từ tuần trước. Sáng 1/2, Bitcoin có lúc gần chạm 39.000 USD, kéo các altcoin tăng theo.
Tuy nhiên, tâm trạng chung của các nhà giao dịch tiền điện tử gần đây là ‘rối bời’ khi nhiều người coi việc Bitcoin giảm giá mạnh gần đây báo hiệu cho một ‘mùa đông’ tiền điện tử sắp bắt đầu. Tuy nhiên, có không ít người coi giá thấp như hiện nay là cơ hội để mua vào.
Bitcoin đã khởi đầu năm 2022 với những thất bại khi giảm giá tới 20% trong tháng 1, mức giảm mạnh nhất trong vòng 4 năm gần đây.
Diễn biến giá bitcoin 24 giờ qua.
Giá vàng tăng trong phiên 31/1, song tính chung cả tháng 1 đã giảm nhiều nhất kể từ tháng 9 năm ngoái do dự báo Fed sắp tăng lãi suất.
Giá vàng giao ngay phiên 31/1y tăng 0,4% lên 1.797,79 USD/ounce, nhưng tính chung cả tháng giảm 1,7%; vàng kỳ hạn tháng 4/2022 tăng 0,6% lên 1.796,40 USD.
Ông Bob Haberkorn, chiến lược gia thị trường cấp cao tại RJO Futures, cho biết: "Đồng USD đã tăng so với các đồng tiền khác do kỳ vọng Fed tăng lãi suất trong khi các ngân hàng trung ương khác vẫn chưa thực sự bắt đầu một động thái tương tự đã tạo ra vấn đề đối với vàng". Chỉ số Dollar index tháng 1 đã tăng, khiến cho vàng thỏi tính theo USD trở nên đắt đỏ hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Thực tế về 5 đợt tăng lãi suất của Fed có thể trong năm nay đã khiến thị trường vàng hơi hoảng sợ một chút, và vàng đang phải cạnh tranh với trái phiếu vì vàng vốn không sinh lãi suất, ông Haberkorn nói.
Tham khảo: Refinitiv, Coindesk