Giá xăng dầu, xung đột giữa các quốc gia… tác động tiêu cực đến kinh tế TPHCM
Theo lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM, số ca F0 tăng cao trở lại, sức ép lạm phát, giá xăng dầu, nguyên vật liệu tăng cao và nguy cơ bị gián đoạn các chuỗi cung ứng do những xung đột về an ninh và địa chính trị của các quốc gia… ảnh hưởng đến kinh tế TPHCM vừa phục hồi sau dịch bệnh.
- 12-09-2021Dự kiến 3 giai đoạn phục hồi kinh tế sau đại dịch của TPHCM
- 02-07-2020Kinh tế TPHCM có nhiều điểm sáng để bứt phá trong thời gian tới
- 08-05-2020Thủ tướng: TPHCM phải chủ động ra sao trong khôi phục kinh tế
Sáng 22/3, UBND TPHCM đã tổ chức hội nghị “tham vấn các nhà đầu tư góp ý, hiến kế các giải pháp thực hiện định hướng phát triển kinh tế - xã hội thành phố đến năm 2030”.
Đến dự có Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên , Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi, lãnh đạo các sở ban ngành cùng hơn 300 doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi khẳng định, hội nghị là dịp để lãnh đạo TPHCM gặp gỡ, nắm bắt tình hình, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và nhu cầu của doanh nghiệp đối với chính quyền thành phố.
Chủ tịch Phan Văn Mãi bày tỏ mong muốn được lắng nghe các đề xuất, kiến nghị và hiến kế từ các doanh nghiệp, các nhà đầu tư để có các định hướng phát triển kinh tế - xã hội của TPHCM đến năm 2030, đồng thời có chính sách kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) TPHCM Lê Thị Huỳnh Mai, trong giai đoạn 2020-2021, mặc dù chịu tác động nặng nề của dịch COVID-19 , kinh tế - xã hội của TPHCM vẫn đạt được một số kết quả quan trọng , như thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), thu ngân sách, hoạt động tín dụng của hệ thống ngân hàng, thị trường chứng khoán…cao hơn so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, bà Lê Thị Huỳnh Mai thừa nhận, đến nay, kinh tế TPHCM vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn. Dịch bệnh diễn biến phức tạp, số ca F0 tăng cao trở lại ảnh hưởng đến việc tổ chức sản xuất, năng suất lao động và tiềm ẩn nguy cơ tác động tiêu cực đến sức khỏe người dân, đặc biệt là những người trong độ tuổi lao động, làm tăng sức ép lên hệ thống y tế và phúc lợi xã hội.
Bên cạnh đó, áp lực lạm phát, giá xăng dầu, nguyên vật liệu có xu hướng tăng cao và nguy cơ gián đoạn các chuỗi cung ứng liên quan đến xung đột về an ninh và địa chính trị của các quốc gia… có khả năng ảnh hưởng đến kinh tế TPHCM vừa có những dấu hiệu phục hồi.
Theo bà Mai, hiện nay, đất giao thông của TPHCM chỉ chiếm 8% (trong khi bình quân đối với đô thị là 21-26%). Mật độ mạng lưới giao thông phải đạt con số 10-13 km/km2 nhưng hiện nay TPHCM chỉ đạt khoảng 2,1km/km2.
“Hạ tầng, giao thông dù có cải thiện nhưng chưa theo kịp tiến độ đô thị hóa, tốc độ gia tăng dân số. Nhu cầu vốn đầu tư công của TPHCM rất lớn, trong khi nguồn lực rất hạn hẹp. TPHCM chỉ được giao khoảng 21% so với tổng nhu cầu” – bà Mai nói.
Lãnh đạo Sở KH&ĐT TPHCM cho biết trong giai đoạn 2022 – 2025, nhiệm vụ chính của TPHCM là huy động hiệu quả các nguồn lực. TPHCM đã chủ động động đề xuất Trung ương hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách hành chính, phân cấp ủy quyền, khơi thông nguồn lực phát triển về nguồn nhân lực, về đất đai, về nguồn lực tài chính...
Để huy động hiệu quả các nguồn lực, TPHCM sẽ rà soát quỹ đất công, xây dựng phương án bán đấu giá để bổ sung nguồn thu cho ngân sách. Thành phố sẽ thu hút vốn FDI theo hướng có chọn lọc, ưu tiên các tập đoàn công nghệ đứng đầu các chuỗi sản xuất, có sử dụng công nghệ cao, ưu tiên các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính, có công nghệ mới với hàm lượng chất xám cao, thân thiện môi trường.
"TPHCM sẽ tăng cường kiểm tra, đôn đốc các nhà đầu tư đã được giao dự án sử dụng đất thực hiện nghiêm các điều kiện và có biện pháp chế tài kiên quyết đối với các nhà đầu tư không thực hiện đúng cam kết, chậm tiến độ thực hiện dự án" - bà Mai khẳng định.
Tiền phong