MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giải bài toán thiếu điện

Với nhu cầu sử dụng điện tăng mạnh cùng sự hồi phục nhanh của hoạt động sản xuất - kinh doanh sau giai đoạn bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, cần có giải pháp để tránh xảy ra tình trạng thiếu điện.

Ông Nguyễn Quốc Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0), cho biết trong giai đoạn 2023-2025, có 2 phương án phụ tải dự báo. Cụ thể, phương án 1, tốc độ tăng trưởng điện sản xuất là 8,9%/năm; phương án 2 cao hơn với tốc độ tăng trưởng đều từng năm để đến năm 2025 đạt sản lượng điện 378,3 tỉ KWh.

Nhu cầu điện tăng nóng

Theo ông Trung, dựa trên phương án dự báo tại dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch Điện 8), lưới truyền tải phải tiếp tục được đầu tư với khối lượng rất lớn để đáp ứng yêu cầu cung cấp điện cho phát triển kinh tế - xã hội.

Cụ thể, trong giai đoạn 2021-2030, nhu cầu đầu tư mới và cải tạo các trạm biến áp 500 KV và 220 KV là 183.510 MVA, gấp 1,7 lần so với tổng dung lượng MBA mà Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) đang quản lý, vận hành. Cùng với đó là nhu cầu đầu tư mới và cải tạo 34.291 km đường dây 500 KV và 220 KV, bằng 1,28 lần tổng chiều dài 2 đường dây EVNNPT đang quản lý, vận hành. "Nhu cầu đầu tư cho lưới điện truyền tải giai đoạn 2021-2030 vào khoảng 14 tỉ USD, tương ứng khoảng 1,4 tỉ USD/năm" - ông Trung cho biết.

Tại một hội thảo về ngành điện mới đây, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nhấn mạnh nhu cầu điện cho phát triển kinh tế đang nóng, nhất là sau 2 năm đại dịch. Các năm 2022, 2023 là cao điểm thực hiện đầu tư, nếu nhu cầu về điện không đáp ứng được sẽ kéo giảm phục hồi kinh tế.

"Vấn đề bảo đảm cung ứng điện thời gian tới sẽ gặp nhiều khó khăn, nhất là việc kéo điện từ miền Trung ra miền Bắc bị giới hạn bởi khả năng truyền tải. Căng thẳng Nga - Ukraine cũng khiến nguồn cung năng lượng sơ cấp bị ảnh hưởng, giá nhập khẩu cao. Việc mất cân đối nguồn cung điện tại các vùng miền dẫn tới khó khăn nhất định trong điều độ vận hành hệ thống điện" - Thứ trưởng Trần Quốc Phương nêu rõ.

Cần nhiều giải pháp đồng bộ

Phân tích bài toán nguồn điện, ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh, cho rằng năng lượng tái tạo (thủy điện, điện gió, điện mặt trời và sinh khối) đã chiếm đến 55% nguồn phát hệ thống điện Việt Nam. Trong khi đó, điện tái tạo có tính chất thiếu ổn định, dễ bị tổn thương, khó đáp ứng nhu cầu sử dụng điện liên tục cao. Do đó, trong lộ trình xây dựng chính sách năng lượng quốc gia, cần xác định và giải quyết được các vấn đề liên quan đến an ninh năng lượng.

"Các nguồn điện truyền thống có sự ổn định cao nhờ khả năng lưu trữ, ví dụ than và khí. Đối với nguồn tái tạo, trong tương lai, phải tính đến các giải pháp lưu trữ. Có thể sử dụng nguồn khác như thủy điện làm nguồn lưu trữ cho điện mặt trời trong thời điểm không có ánh nắng, ban đêm. Một dạng lưu trữ phức tạp và đắt tiền hơn là sử dụng pin để trữ điện tái tạo khi nguồn này gặp vướng do hệ thống truyền tải hạn chế" - ông Sơn nêu giải pháp.

Chuyên gia này lưu ý phải từng bước tính toán đồng thời tái khởi động các nguồn điện mang tính ổn định cao và phát thải bằng 0 như điện hạt nhân, nhiệt hạch. "Đây là câu chuyện của giai đoạn từ năm 2050 nhưng cũng có thể sớm hơn, khoảng năm 2040, khi thế giới có những công nghệ mới" - ông Sơn nhìn nhận.

Về quản lý phụ tải, ông Sơn góp ý Bộ Công Thương nên xây dựng chương trình sử dụng năng lượng hiệu quả, chương trình quản lý phụ tải, điều tiết phụ tải nằm trong ngưỡng nguồn đáp ứng được với chi phí hợp lý nhất, thay vì mở bung cho nhu cầu sử dụng điện năng cao và phải huy động hệ thống với giá đắt đỏ.

Theo Phó Giám đốc A0 Nguyễn Quốc Trung, có nhiều giải pháp để cải thiện khả năng cung ứng điện phục vụ sản xuất - kinh doanh cũng như đời sống. Trong đó, ông Trung cho rằng cần tăng cường đẩy mạnh tuyên truyền tiết kiệm điện; thực hiện chương trình DR (điều chỉnh phụ tải điện) nhằm đáp ứng công suất đỉnh hệ thống điện. Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ để đưa vào vận hành các nguồn điện, tiếp tục có cơ chế thúc đẩy sự phát triển của các nguồn năng lượng tái tạo.

Đáng chú ý, ông Trung đề cập giải pháp nhập khẩu điện bên cạnh việc tăng cường đầu tư lưới truyền tải liên miền, nội miền. Đồng thời, bảo đảm tiến độ xây dựng các đường dây để giải tỏa các nguồn điện, trong đó có cung đoạn 500 KV từ phía Bắc vào khu vực Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh.

"Cần xem xét, bổ sung rõ trong Quy hoạch Điện 8 định hướng, cơ chế phát triển dịch vụ phụ trợ về công suất, điện áp để khuyến khích đầu tư, có cơ chế ràng buộc trách nhiệm dự báo công suất đối với nguồn năng lượng tái tạo" - ông Trung lưu ý.

Nhiều ý kiến cho rằng cần có sự thống nhất giữa Chính phủ và các bộ - ngành liên quan về nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và khả năng đáp ứng của các nguồn điện, từ đó có phương án điều chỉnh nguồn phù hợp (tăng nguồn ổn định, giá rẻ; giảm nguồn thiếu ổn định, giá cao hoặc tính toán đưa vào các nguồn mới)...

Ông NGUYỄN TUẤN ANH, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo - Bộ Công Thương:

Khuyến khích phát triển điện tái tạo

Về giải pháp ổn định cung ứng điện, đầu tiên, cần chỉ đạo bảo đảm tiến độ các dự án nguồn đang trong quá trình xây dựng như: thủy điện Hòa Bình mở rộng, nhiệt điện Quảng Trạch I. Bên cạnh đó, có thể mạnh dạn nhập khẩu điện từ Lào, tiếp tục đàm phán nhập khẩu điện Trung Quốc; tiếp tục khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo, nhất là khu vực miền Bắc. Đặc biệt, cần đẩy nhanh tiến độ đầu tư các đường dây 500 KV để tăng cường năng lực truyền tải liên miền Bắc - Trung; tăng cường cải tạo, nâng cấp lưới điện tại các khu vực tập trung nhiều nguồn năng lượng tái tạo để khai thác tối đa các nguồn hiện có.

Một trong những giải pháp dài hạn quan trọng là hoàn thiện thị trường điện cạnh tranh với giá điện minh bạch và thị trường hoạt động hiệu quả. Về môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp, cần tạo được môi trường khuyến khích đầu tư có hiệu quả; nghiên cứu đề xuất cơ chế khuyến khích mọi thành phần kinh tế, doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp tư nhân cũng như doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài... đầu tư vào các cơ sở hạ tầng ngành điện.

Ông TRẦN ĐÌNH LONG, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam:

Khai thác hợp lý các nguồn điện

Nguy cơ thiếu điện trước mỗi mùa nắng nóng đã được cảnh báo từ lâu. Năm nay, nền kinh tế cả nước đang hồi phục sau giai đoạn dịch Covid-19 khiến nhu cầu tiêu thụ điện có thể tăng đột biến. Thực tế, nhu cầu điện đã tăng 7% trong những tháng đầu năm nay.

Để đáp ứng nhu cầu điện cho nền kinh tế cũng như đời sống người dân, Bộ Công Thương cần sớm chỉ đạo ngành điện chuẩn bị đủ nhiên liệu cho các nhà máy nhiệt điện từ nguồn trong nước hoặc nhập khẩu, tránh để xảy ra tình trạng thiếu than gây ảnh hưởng đến phát điện. Đồng thời, khai thác các hồ chứa thủy điện hợp lý nhất để phát điện hiệu quả cao nhất.

Với các nguồn năng lượng tái tạo, ngoài việc cần thêm cơ chế để phát triển, cần đặc biệt quan tâm đầu tư hệ thống truyền tải để đáp ứng được nhu cầu hòa lưới của nhà đầu tư. Cũng cần lưu ý nguồn điện tái tạo phụ thuộc lớn vào thời tiết và dễ bị tổn thương, cần có dự phòng từ các nguồn khác.

Về phía cơ quan nhà nước, việc quản lý phụ tải cần chặt chẽ hơn và tăng cường tuyên truyền để người dân giảm phụ tải không cần thiết trong giờ cao điểm, đồng thời có kế hoạch điều độ phụ tải hợp lý, ổn định.

Ông HÀ ĐĂNG SƠN, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh:

Xử lý hài hòa câu chuyện giá điện

Năng lượng tái tạo là nguồn được ưu tiên phát triển song không ổn định, trồi sụt lên xuống gây tác động đến hệ thống. Mỗi khi nguồn điện tái tạo bị đứt, các tổ máy điện khí phải khởi động lại để bù đắp, đồng nghĩa tăng đốt khí, gây tốn kém và tổn thất. Nếu không cân đối chi phí hệ thống thì khó tránh gây áp lực lên giá thành điện, đòi hỏi phải tăng giá bán điện. Mặt khác, muốn huy động được năng lượng tái tạo nhằm mục tiêu giảm phát thải thì phải thay đổi cơ chế về giá vốn.

Nhìn chung, việc huy động bất cứ nguồn điện nào cũng phải đặt lên bàn cân 2 yếu tố. Thứ nhất là hiệu quả của nguồn và thứ hai là bảo đảm lợi nhuận cho nhà đầu tư. Chúng ta không thể yêu cầu khối tư nhân vì lợi ích quốc gia mà đầu tư cho điện sạch khi không có lợi nhuận. Đơn cử, bản dự thảo Quy hoạch Điện 8 đề xuất đến năm 2030, Việt Nam có 7.000 MW là điện gió ngoài khơi. Các nhà đầu tư cần mức giá 14 cent để có lợi nhuận, trong khi giá điện hiện nay là 8 cent. Nếu hệ thống phải hấp thụ điện gió ngoài khơi với giá 14 cent thì sẽ đẩy chi phí lên cao, tạo thách thức về giá điện.

Thùy Dương ghi

Theo Phương Nhung

Người Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên