Giải cứu thịt heo: Bộc lộ chưa ổn quy hoạch ngành
Đại biểu Quốc hội cho rằng, giải cứu thịt heo bộc lộ vấn đề về quy hoạch ngành, thực hiện quy hoạch không tốt dẫn tới hậu quả kinh tế phải gánh chịu.
- 22-05-2017Chủ tịch MTTQ Nguyễn Thiện Nhân: Nhân dân băn khoăn tình trạng "được mùa mất giá", thịt lợn hơi trong nước giảm sâu
- 19-05-2017Đã 'giải cứu' được hơn 200.000 tấn thịt lợn tồn trong dân
- 12-05-2017Hải quan sẵn sàng làm ngoài giờ thông quan xuất khẩu thịt lợn
Phát biểu góp ý cho dự thảo Luật Quy hoạch sáng nay (26/5), Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tiến Sinh (Hoà Bình) cho rằng, cần nghiên cứu quy hoạch ngành và tích hợp quy hoạch.
Ông Nguyễn Tiến Sinh - Đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình
Ông Nguyễn Tiến Sinh nhấn mạnh: Quy hoạch ngành đã được tính tới quy hoạch tỉnh, quốc gia, nhưng cũng có nhiều ngành, cấp chưa được tính toán.
“Giải cứu thịt heo đó là vấn đề về quy hoạch ngành, thực hiện quy hoạch không tốt, dẫn tới hậu quả kinh tế phải gánh chịu,” ông Sinh nói.
Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh cũng cho rằng, hiện nay quy trình thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt cấp phép quy hoạch còn rườm rà. “Quy hoạch quốc gia, quy hoạch tỉnh đã được xây dựng trên cơ sở quy hoạch quốc gia, thành phần hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh cũng là đại diện các bộ, ngành trung ương nên việc xin ý kiến các bộ ngành trung ương và lại tiếp tục tham gia vào hội đồng thẩm định, như thế là chồng chéo, không cần thiết,” ông Sinh góp ý
Quy hoạch tỉnh được Thủ tướng phê duyệt với quy hoạch chặt chẽ, đảm bảo phù hợp theo nguyên tắc thứ tự trong luật quy định, trường hợp phải lấy ý kiến bộ ngành, địa phương liền kề khi có ý kiến khác nhau cũng ko thể xử lý được.
Ông Sinh nêu ví dụ: Tỉnh A quy hoạch khai thác vật liệu xây dựng, nhưng tỉnh B lại quy hoạch thành khu du lịch sinh thái, thì việc thẩm định chấp thuận quy hoạch nào để đồng ý cho địa phương liền kề thực hiện là bất khả thi. Đặc biệt, nếu một trong 2 quy hoạch của tỉnh A hoặc B được Thủ tướng phê duyệt thì điều này hoàn toàn không thực hiện được. Tường hợp này để xử lý vấn đề rõ ràng phải có ý kiến thẩm tra của Hội đồng thẩm định, Thủ tướng.
Do đó, đại biểu này đề nghị cần nghiên cứu, loại bỏ thủ tục xin ý kiến là không cần thiết. Nếu vì lợi ích nào đó bộ ngành địa phương liền kề không đồng ý thì sẽ là điều gây phiền hà, phức tạp./.
VOV