MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Giải mã" chính sách thưởng Tết, người đi làm nên hiểu rõ để tránh thất vọng

(NLĐO) - Nếu bạn đang nôn nao chờ nhận khoản tiền thưởng Tết hấp dẫn thì nên hiểu chính sách thưởng Tết để tránh thất vọng.

Doanh nghiệp có bắt buộc phải thưởng Tết?

Tiền thưởng Tết là khái niệm chỉ một số tiền (hoặc tài sản/hình thức thưởng khác) mà doanh nghiệp trả cho người lao động vào dịp cuối năm trước Tết âm lịch.

Nhiều người lao động thắc mắc các doanh nghiệp có bắt buộc phải có trách nhiệm thưởng Tết cho nhân viên hay không? Và nếu không thưởng Tết thì có bị truy cứu trách nhiệm hình sự?

"Giải mã" chính sách thưởng Tết, người đi làm nên hiểu rõ để tránh thất vọng- Ảnh 1.

Bộ Luật lao động 2019 hiện hành không có quy định cụ thể về việc doanh nghiệp bắt buộc phải thưởng Tết cho người lao động

Bộ Luật lao động 2019 hiện hành không có quy định cụ thể về việc doanh nghiệp bắt buộc phải thưởng Tết cho người lao động. Theo quy định tại Điều 104 Bộ Luật lao động 2019:

Thưởng là số tiền/ tài sản/ các hình thức khác mà doanh nghiệp thưởng cho người lao động dựa vào kết quả sản xuất - kinh doanh và mức độ hoàn thành công việc của người nhận. Quy chế thưởng do doanh nghiệp quyết định và công bố công khai ở công ty sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với doanh nghiệp có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.

  • Doanh nghiệp có bắt buộc phải thưởng Tết cho người lao động?

  • Thưởng Tết 2025: Nơi lạc quan, nơi phập phồng

Theo quy định trên, thưởng Tết không phải là quy định bắt buộc đối với doanh nghiệp. Căn cứ theo tình hình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và chỉ số hiệu quả, năng suất lao động, mức độ hoàn thành công việc của nhân viên trong 1 năm mà doanh nghiệp có thể xây dựng quy chế nội bộ về chế độ thưởng Tết. Mức thưởng Tết sẽ do doanh nghiệp tự quyết định.

Do đó, thưởng Tết chỉ là điều khoản khuyến khích người lao động gắn bó làm việc và nỗ lực phấn đấu hơn trong công việc. Tiền thưởng nhiều hay ít tùy theo thỏa thuận giữa doanh nghiệp và người lao động. Nếu năm đó doanh nghiệp làm ăn thua lỗ hoặc người lao động không hoàn thành tốt công việc thì việc không nhận được thưởng Tết là điều hoàn toàn bình thường.

Tiền thưởng Tết được tính như thế nào?

Tùy theo tình hình kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp, chính sách phúc lợi và điều kiện thực tế mà mỗi doanh nghiệp sẽ áp dụng cách tính thưởng Tết không giống nhau.

Tuy nhiên, quy chế thưởng Tết phổ biến được quy định như sau:

– Dựa theo tình trạng và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Trường hợp kinh doanh thu lợi nhuận cao, doanh nghiệp sẽ trích từ lợi nhuận thu về của năm đó để thưởng cho người lao động.

– Dựa theo năng suất lao động và thâm niên số năm làm việc của nhân viên.

"Giải mã" chính sách thưởng Tết, người đi làm nên hiểu rõ để tránh thất vọng- Ảnh 2.

Tùy theo tình hình kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp, chính sách phúc lợi và điều kiện thực tế mà mỗi doanh nghiệp sẽ áp dụng cách tính thưởng Tết không giống nhau

Công thức tính thưởng Tết phổ biến được áp dụng như sau:

Mức thưởng 

= Tỉ lệ thưởng (% năng suất lao động + % thâm niên công tác) x Tiền lương trung bình hàng tháng

Chẳng hạn, một lao động có thời gian làm việc tại công ty 3 năm với mức lương hằng tháng là 15 triệu đồng, chất lượng công việc trong năm được đánh giá đạt 70%. Được biết, thâm niên công tác từ 2-3 năm là 50%. Theo đó, tiền thưởng Tết của bạn sẽ được tính như sau:

Tiền thưởng Tết = 15 triệu đồng x (70% + 50%) = 18 triệu đồng.

Tuy nhiên, đây chỉ là công thức mang tính tham khảo vì mỗi doanh nghiệp áp dụng một chính sách thưởng Tết riêng.

Hy vọng những chính sách thưởng Tết được "giải mã" trên giúp người đi làm hiểu rõ hơn để tránh mong đợi quá nhiều.

Theo Hồng Đào

Báo Người lao động

Trở lên trên