MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giải mã con số '0 đồng' và nỗi sợ 'tiêu tiền' đầu tư công

Khối lượng vốn đầu tư công rất lớn với hơn 700.000 tỷ đồng, việc phải tiêu ít nhất 95% số tiền này là một áp lực không nhỏ. Đặc biệt khi 3 tháng đầu năm, nhiều con số '0 đồng' xuất hiện trong danh sách giải ngân.

Vì sao giải ngân thấp?

Mới đây, UBND TPHCM đã ban hành văn bản nhằm đẩy mạnh triển khai giải ngân các dự án đầu tư công trên địa bàn TP. Hết tháng 3, tổng số vốn giải ngân mới đạt hơn 1.600 tỷ đồng, tương đương 4% so với kế hoạch được giao.

Đáng chú ý, rất nhiều quận, sở ngành đã bị phê bình vì giải ngân 0% trong quý I. Trong khi đó, đầu tư công được xác định là một động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng. Quý I năm nay, đầu tàu kinh tế của cả nước như TPHCM chỉ tăng mức rất thấp 0,7%.

Ì ạch giải ngân đầu tư công không phải là vấn đề riêng của một địa phương hay ngành nào. Báo cáo được đưa ra tại cuộc làm việc của lãnh đạo Chính phủ về đầu tư công hôm 13/4 cho thấy: Có 13 bộ, cơ quan Trung ương có tỷ lệ giải ngân đầu tư công 0%. Tổng số giải ngân của 17 Bộ, ngành, cơ quan Trung ương trong quý I chỉ đạt 0,04% kế hoạch, thấp hơn nhiều so với mức trung bình của cả nước (10,35%).

Giải mã con số '0 đồng' và nỗi sợ 'tiêu tiền' đầu tư công - Ảnh 1.

Chuyên gia đánh giá nếu đầu tư công tiếp tục ì ạch, mục tiêu tăng trưởng năm nay sẽ khó đạt được.

Trước những con số “0 đồng” nêu trên, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong lo ngại “bài ca" ì ạch đầu tư công vẫn kéo dài. Theo ông, động lực tăng trưởng năm nay trông chờ rất nhiều vào đầu tư công. Nếu việc “tiêu tiền” đầu tư công không đảm bảo, e rằng mục tiêu tăng trưởng GDP năm nay khó đạt được.

Đề cập tới nguyên nhân, ông Phong cho biết bấy lâu nay nhiều người nói vì “sợ trách nhiệm”. Để làm rõ vấn đề này, vị chuyên gia cho rằng cần phải có cuộc họp rộng hơn, nhìn nhận vấn đề thẳng thắn, toàn diện hơn.

Trong nhóm giải pháp được đưa ra từ đầu năm, ông Nguyễn Minh Phong cho rằng quan trọng nhất là “trách nhiệm người đứng đầu”, đi kèm với đó là hệ thống chính sách, quy định pháp luật rõ ràng.

“Nhiều người thực sự muốn làm nhưng sợ những quy định mơ hồ, chồng chéo”, ông Phong nói. Thực tế, trách nhiệm liên đới trong việc thực hiện các dự án đầu tư công rất lớn, do vậy nếu một “ông” chậm thì kéo theo một chuỗi chậm theo.

Cũng theo chuyên gia, một trong những nguyên nhân lớn gây chậm ở các dự án là giải phóng mặt bằng. “Do vậy, cần nhìn nhận cụ thể từng nhóm vấn đề, dự án, còn giải pháp chung thì chúng ta đều có rồi”, ông Phong nói.

Trao đổi với Tiền phong, ông Trần Văn Lâm - Ủy viên thường trực Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội - cũng cho rằng cần nhìn nhận vấn đề từng đơn vị.

Khi hỏi liệu những con số “0%” trong giải ngân đầu công có đáng ngại, ông Lâm cho rằng, có nhiều yếu tố cần làm rõ trước khi “hoang mang”. Theo ông Lâm, 2023 là có khối lượng phải giải ngân vô cùng lớn. Cả giải ngân vốn đầu tư công cùng gói phục hồi kinh tế - xã hội (chủ yếu là xây dựng cơ bản) hơn 700.000 tỷ đồng, tăng hơn 130.000 tỷ đồng so với 2022. Như vậy, có thể tỷ lệ vốn giải ngân được thấp hơn cùng kỳ năm 2021 nhưng là số tuyệt đối giải ngân chưa chắc đã thấp hơn nhiều.

Ngoài ra, quan sát của ông Lâm cũng thấy, con số đầu năm bao giờ cũng thấp hơn so với các giai đoạn khác trong năm. “Cần nhìn vào chi tiết, vào từng đơn vị để xem vấn đề ra sao và giải pháp thế nào”, ông Lâm nói.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra tại cuộc họp ngày 13/4 nhận định: "Nhìn chung tiến độ giải ngân của các đơn vị này trong những tháng đầu năm của những năm gần đây số lượng giải ngân đều thấp và tăng dần trong thời gian tiếp theo, hầu hết cả năm đạt 90-100% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao".

Nguyên nhân chủ yếu giải ngân vốn đầu tư công thấp là công tác tổ chức thực hiện (lập kế hoạch, chuẩn bị thủ tục đầu tư dự án) chưa sát sao, chưa phù hợp với quy định của Luật Đầu tư công và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Các bộ ngành đều cam kết phấn đấu sẽ nỗ lực giải ngân cao nhất theo kế hoạch được giao.

“Cán bộ không làm sai thì có gì phải sợ?”

Ông Trần Văn Lâm - Ủy viên thường trực Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nhận xét, từ đầu năm đến nay Chính phủ đã có nhiều giải pháp, tháo gỡ cho vấn đề này với tinh thần quyết liệt.

Hồi giữa tháng 3, có 5 tổ công tác được Chính phủ lập tại các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương nhằm tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm nay.

Ông Lâm cho rằng, các giải pháp đều đã có, nếu khâu thực thi “trơn tru”, nhiều vấn đề được giải quyết, đầu tư công sẽ được thúc đẩy. Tuy nhiên, dưới góc nhìn của ông, trách nhiệm người đứng đầu rất quan trọng.

Lâu nay, có một nguyên nhân được nhắc đến nhiều khi giải ngân đầu tư công thấp, đó là “tâm lý sợ sai không dám làm” trong bối cảnh cuộc chiến chống tham nhũng được đẩy mạnh. Ông Lâm nói: “Đó phần nào là cái cớ. Sợ thì không phải tất cả ai cũng sợ. Nếu làm đúng, vô tư, có trách nhiệm thì sai phải sợ. Ai sai mới sợ, ai tư lợi mới sợ”.

Tuy nhiên, ông Lâm cũng nhìn ra thực tế, hiện giờ quy định đều phải tuân thủ, chỉn chu hơn, khắt khe hơn nên có sự chậm trễ hơn. “Đây cũng là công cuộc để đánh giá cán bộ có năng lực, những người dám nghĩ, dám làm, làm đúng và hiệu quả”, ông Lâm nói và cho biết cũng cần đẩy mạnh gỡ thủ tục, tránh chồng chéo, vướng mắc...

Theo Hải Bình

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên